Năm 2021: doanh thu thuần 107 tỷ đồng, lợi nhuận ròng chỉ 12 triệu đồng
CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục (MST: 0101365279), có địa chỉ tại số 104 Đuờng Nguyễn Khang (Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội). Doanh nghiệp có nhiều ngành nghề đăng ký kinh doanh, trong đó, hoạt động thương mại chủ yếu là thiết bị giáo dục. Người đại diện pháp luật là bà Chu Thị Tuyên, nắm giữ chức vụ Giám đốc.
Theo cổng thông tin đấu thầu quốc gia, nhà thầu CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục đã tham gia 79 gói thầu. Trong đó, đơn vị này đã trúng 68 gói thầu, đạt tỷ lệ trúng thầu 86% với tổng giá trị lên tới hơn 428 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn là nhà thầu quen tại trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính (7/9 gói) với tổng giá trị là hơn 221 tỷ đồng; ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây (4/5 gói) với hơn 8,69 tỷ đồng và ban Mua sắm thiết bị Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai (3/3 gói) với 18,7 tỷ đồng.
Trong các gói thầu đã trúng, có 29 gói thầu, CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục tham gia với tư cách độc lập và trúng thầu 22 gói. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng từng liên danh với 22 nhà thầu tham gia 24 gói thầu khác và trúng 20 gói.
Với tỷ lệ trúng thầu nhiều, giá trị lớn, doanh thu của CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục qua các năm luôn ở mức cao, lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, trái ngược lại với bức tranh “tươi sáng” về doanh thu, biên lãi gộp và lãi ròng của doanh nghiệp chỉ tính bằng tiền triệu. Thậm chí, có thời điểm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị “chìm” xuống mức âm.
Theo tài liệu mà PV có được, trong giai đoạn 4 năm kinh doanh gần đây (2018-2021), CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục chưa năm nào ghi nhận lãi ròng vượt quá trăm triệu đồng dù doanh thu luôn tính bằng chục tỷ, thậm chí trăm tỷ. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp này luôn kinh doanh với giá vốn suýt soát doanh thu (biểu đồ dưới đây).
Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh cũng cho thấy các hoạt động khác không mang về doanh thu đáng kể cho doanh nghiệp. Do vậy, không chỉ lãi gộp mà cả lãi ròng đều không năm nào vượt quá trăm triệu đồng. Nếu chỉ tính riêng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, con số này thậm chí có năm còn rơi xuống mức âm (2018 với âm 8 triệu đồng).
Điều này làm cho cả biên lãi gộp và biên lãi ròng của CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục đều thường xuyên trong trạng thái rất mỏng. Trong khi biên lãi gộp dao động quanh khoảng 5%, biên lãi ròng thậm chí chưa đầy 1%.
Nhìn biểu đồ biên lãi có thể thấy trong khi biên lãi gộp của doanh nghiệp có xu hướng giảm dần qua các năm 2019-2020-2021, biên lãi ròng cũng gần như đi ngang trong hai năm 2019-2020 trước khi giảm mạnh vào năm 2021 mặc dù đây là năm ghi nhận doanh thu kỷ lục hơn 107 tỷ đồng, tức tăng khoảng 87% so với năm liền trước.
Trước đó, vào các năm 2018, 2019, 2020 doanh thu thuần của CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục lần lượt là 69, 67 và 57 tỷ đồng. Trong đó, lãi ròng vào năm 2018 chỉ đạt 4 triệu đồng, ngoài ra, trong hai năm 2019, 2020, con số này tuy cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức 60 và 64 triệu đồng (chiếm cao nhất khoảng 0,1%).
Điều này phần nào phản ánh hiệu quả kinh doanh của CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục đang trên đà giảm sút. Đồng thời, với biên lợi nhuận gộp quá thấp khiến số tiền thuế doanh nghiệp phải đóng giảm đáng kể.
49% tài sản nằm ngoài doanh nghiệp tính đến cuối năm 2021
Về tình hình tài chính, trong giai đoạn 2018-2021, báo cáo tài chính cho thấy tổng tài sản của CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục không có quá nhiều biến động mạnh, với quy mô dao động quanh 70-80 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm đa số.
Theo tài liệu năm tài chính gần nhất mà PV có được (2021), tính đến 31/12/2021, doanh nghiệp ghi nhận tổng tài sản gần 83 tỷ đồng, trong đó gần 77 tỷ đồng (tương đương khoảng 93%) là tài sản ngắn hạn.
Trong đó, 25,8 tỷ đồng là hàng tồn kho, giảm mạnh 28% so với đầu năm.
Đáng chú ý, có tới 40,5 tỷ đồng nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (bao gồm 29 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng và 11,5 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác). Điều này đồng nghĩa
khoảng 49% tài sản đang nằm ngoài doanh nghiệp. Tỷ trọng này tăng đáng kể so với các năm 2018-2019-2020, khi các khoản phải thu ngắn hạn chỉ chiếm lần lượt 16%, 15% và 36% tổng tài sản của công ty và chiếm đa số vẫn là hàng tồn kho.
Ngoài ra, doanh nghiệp có 9,7 tỷ đồng là tiền mặt tính đến 31/12/2021. Khoản mục này trong hai năm 2020-2021 cũng có sự sụt giảm đáng kể so với giai đoạn 2018-2019, khi tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp lần lượt ghi nhận 19,7 tỷ đồng và 26,1 tỷ đồng, tương đương 28% và 33% tổng tài sản.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của CTCP Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục cũng tăng dần trong giai đoạn 2018-2021 và đạt 54,4 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2021, tức tăng 14% so với đầu năm.
Trong đó, nợ ngắn hạn là 40,4 tỷ đồng, tương đương 74%; bao gồm gần 40 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn. Còn lại là nợ dài hạn gần 14 tỷ đồng, toàn bộ là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng giảm dần từ 2018-2021 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối liên tục âm qua các năm (-306 triệu năm 2019, - 1,3 tỷ đồng năm 2020 và -1,5 tỷ đồng năm 2021).
Thanh Phong – Hoàng Giang