CTCP Vinaconex 39 (UPCoM: PVV): Khó khăn chồng chất, thành viên HĐQT đồng loạt từ chức

8 năm liên tiếp làm ăn thua lỗ

Mới đây, PVV đã công bố báo cáo tài chính năm 2023 với kết quả kém khả quan. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm 24% về mức 17,2 tỷ đồng. Do giá vốn hàng bán ở mức hơn 15 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ 2,2 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh khi chỉ đem về 81,9 triệu đồng cho công ty (cùng kỳ 450,5 triệu đồng). Con số này không thể “gánh” cho chi phí lãi vay 25,1 tỷ đồng, chi phí bán hàng gần 40 triệu đồng (năm 2022 không ghi nhận), chi phí quản lý doanh nghiệp 6,4 tỷ đồng nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 29,4 triệu đồng, trong khi cùng kỳ cũng âm 32,4 tỷ đồng.

Trừ đi thuế và các chi phí khác, PVV báo lãi ròng năm 2023 âm 32,7 tỷ đồng, cùng kỳ âm 34,6 tỷ đồng. Đây đã là năm thứ 8 liên tiếp doanh nghiệp “chìm sâu” trong thua lỗ, kể từ năm 2016.

1-1709110603.png Kết quả kinh doanh của PVV trong 4 năm gần nhất.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PVV ở mức 872,1 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 22 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó 588,4 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn (chiếm 67%), còn lại là tài sản dài hạn. Nổi bật trong đây có các khoản phải thu ngắn hạn 327,2 tỷ đồng, hàng tồn kho 163,1 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn 193,7 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty lên đến 969,7 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 95%, tương đương 918,5 tỷ đồng. Phần lớn trong đây là chi phí lãi vay 354,2 tỷ đồng; các chi phí phải trả khác như phí công đoàn, BHXH, BHYT, tạm ứng vốn từ ngân hàng… tổng cộng 104,2 tỷ đồng; vay vốn tại các ngân hàng, cá nhân tổng 237,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của PVV bắt đầu ghi nhận con số âm từ năm 2021 (âm 30,2 tỷ đồng), đến nay đã âm tới 97,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn của công ty ở mức 872,1 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2023.

Về dòng tiền, PVV ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 2,4 tỷ đồng (cùng kỳ âm 14,6 tỷ đồng); dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 9,7 triệu đồng (cùng kỳ dương 5,4 tỷ đồng) và không ghi nhận lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính trong năm (cùng kỳ âm 3,3 tỷ đồng).

Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong năm của công ty âm 2,4 tỷ đồng, trong khi năm trước âm 12,5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tiền và tương đương tiền của PVV chỉ còn “vỏn vẹn” 156,9 triệu đồng (đầu năm ghi nhận 2,6 tỷ đồng).

Hàng loạt thành viên HĐQT từ chức

Liên quan đến tình hình quản trị của công ty, giữa bối cảnh hoạt động kinh doanh liên tiếp thua lỗ, hàng loạt thành viên HĐQT của PVV đã đệ đơn xin từ nhiệm chức vụ.

Cụ thể, chỉ trong ngày 27/02/2024, 3 thành viên trong HĐQT công ty đã đồng loạt đệ đơn xin từ chức vì lý do cá nhân, bao gồm ông Đỗ Hoàng Anh, ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Phạm Đức Tuấn. Cả 3 người đều sẽ từ nhiệm khỏi vị trí này kể từ ngày 19/03/2024.

Trước đó chỉ 2 ngày, ông Lê Quang Tuấn (thành viên Ban kiểm soát của PVV) cũng đã xin từ chức vì lý do cá nhân. Ông Tuấn cũng sẽ thôi nắm giữ chức vụ này kể từ ngày 19/03/2024.

Được biết, CTCP Vinaconex 39 (UPCoM: PVV) tiền thân là CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng công trình giao thông Miền Bắc được thành lập năm 2007, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp và giao thông. Công ty chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM từ năm 2019.