CTCP Xây dựng – Giao thông Thừa Thiên – Huế - Bài 2: Doanh thu cao – lợi nhuận “mỏng”, nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu

Báo cáo tài chính những năm gần đây của GTH cho thấy dù doanh thu luôn ổn định ở mức xấp xỉ 150 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại rất “mong manh”. Đến năm 2022, quỹ nợ của công ty đã “phình to” gấp 6 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, GTH nhiều lần dùng hợp đồng thi công để làm tài sản bảo đảm tại các ngân hàng.

Báo cáo tài chính những năm gần đây của GTH cho thấy dù doanh thu luôn ổn định ở mức xấp xỉ 150 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại rất “mong manh”. Đến năm 2022, quỹ nợ của công ty đã “phình to” gấp 6 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, GTH nhiều lần dùng hợp đồng thi công để làm tài sản bảo đảm tại các ngân hàng.

Biên lãi ròng chưa đầy 1%

Công ty Cổ phần Xây dựng – Giao thông Thừa Thiên – Huế (OTC: GTH) là một nhà thầu khá “quen mặt” trên địa bản tỉnh Thừa Thiên – Huế khi đã trúng nhiều gói thầu tại địa phương này với tổng giá trị hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Như đã đề cập trong bài viết “CTCP Xây dựng – Giao thông Thừa Thiên – Huế - Bài 1: Điệp khúc trúng thầu sát giá và mối quan hệ “kỳ lạ” với công ty Hurapeco”, GTH sở hữu nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm siêu thấp, trung bình chưa tới 1%. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ tiết giảm được rất ít.

Liên quan đến tình hình tài chính của công ty, việc liên tiếp trúng những gói thầu giá trị cao đã góp phần đem lại cho GTH nguồn doanh thu ổn định. Trong giai đoạn 2019 – 2022, chỉ số doanh thu thuần của GTH luôn “đi ngang” ở mức xấp xỉ 150 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu thuần ở mức 151,7 tỷ đồng. Sang năm 2020 và 2021 – thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp trên cả nước, doanh thu của GTH chỉ giảm nhẹ xuống còn lần lượt 146,3 tỷ đồng và 149,9 tỷ đồng.

Kinh doanh - CTCP Xây dựng – Giao thông Thừa Thiên – Huế - Bài 2: Doanh thu cao – lợi nhuận “mỏng”, nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu Kết quả kinh doanh của GTH trong 4 năm 2019 – 2022.

Kết thúc năm 2022, GTH báo cáo doanh thu thuần tăng nhẹ lên 157,6 tỷ đồng, cùng với đó là khoản lợi nhuận sau thuế hơn 916 triệu đồng. Trước đó, công ty lãi sau thuế 874,7 triệu đồng (năm 2019), 1,01 tỷ đồng (2020) và 1,06 tỷ đồng (2021).

Thoạt nhìn, trong 4 năm gần nhất, công ty luôn làm ăn ổn định, có lãi, kể cả giai đoạn dịch Covid-19 “hoành hành” hay quãng thời gian khó khăn của ngành xây dựng. Thế nhưng khoản lợi nhuận này lại có vẻ khá “mong manh”, chưa tương xứng với mức doanh thu hàng năm lên tới hơn trăm tỷ đồng của GTH.

Kinh doanh - CTCP Xây dựng – Giao thông Thừa Thiên – Huế - Bài 2: Doanh thu cao – lợi nhuận “mỏng”, nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu (Hình 2). Biên lợi nhuận ròng của GTH trong 4 năm 2019 – 2022 rất mỏng, chưa đầy 1%.

Nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 31/12/2022, GTH có tổng tài sản 245,1 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn ghi nhận 219,9 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng tài sản, chỉ có 25,1 tỷ đồng là tài sản dài hạn.

Chiếm đa số trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp là các khoản phải thu ngắn hạn 102,2 tỷ đồng, tương đương 41,6% tổng tài sản; trong đó bao gồm khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 47,2 tỷ đồng, 21,8 tỷ đồng trả trước người bán ngắn hạn và 46,3 là các khoản phải thu ngắn hạn khác.

Một khoản mục chiếm tỷ trọng lớn khác trong tổng tài sản là hàng tồn kho với 94,8 tỷ đồng, giảm gần 3 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh nghiệp có 21,7 tỷ đồng tiền mặt.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của GTH là 211,7 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2021; trong đó, nợ ngắn hạn là 211,4 tỷ đồng, chiếm tới 99,8% tổng nợ. Với vốn chủ sở hữu 33,4 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) của GTH đã là 6,3.

Kinh doanh - CTCP Xây dựng – Giao thông Thừa Thiên – Huế - Bài 2: Doanh thu cao – lợi nhuận “mỏng”, nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu (Hình 3). Cơ cấu tài sản – nguồn vốn của GTH giai đoạn 2019 – 2022.

Dẫu biết xây dựng là ngành có đặc thù thâm dụng vốn cao, thế nhưng việc tổng nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu đã cho thấy công ty đang sử dụng nhiều vốn vay để duy trì hoạt động kinh doanh, dấy lên nghi ngại, rủi ro trong việc trả nợ, nhất là giai đoạn khó khăn hiện nay của ngành xây dựng.

Ngoài ra, GTH đã nhiều lần vay vốn tại ngân hàng, sử dụng các thiết bị thi công, các quyền tài sản hoặc các khoản phải thu, nguồn thu của hợp đồng để làm tài sản bảo đảm.

Đơn cử như theo hợp đồng số 06/2022/580064/HĐBĐ tại ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên – Huế ký ngày 31/5/2022, tài sản bảo đảm là các quyền đòi nợ/khoản phải thu từ hợp đồng thi công xây dựng công trình số 84/2021/HĐXD ngày 19/07/2021 với bên giao thầu là ban Quản lý dự án 5 và hợp đồng thi công xây dựng số HĐXL-QT-2020-XL07 ngày 30/12/2020 với bên giao thầu là ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị.

Hay theo hợp đồng số 84/2023/HDBD/HUE tại ngân hàng TPBank chi nhánh Huế ký ngày 06/07/2023, tài sản bảo đảm là các quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng thi công xây dựng công trình số 339/2023/HĐ-XD giữa khu Quản lý đường bộ II và liên danh GTH – P&T – Hoàng Phong ký ngày 21/06/2023.

Ngọc Bảo