Cụ bà 73 tuổi mẩn đỏ toàn thân, nhiễm trùng do dị ứng thuốc nhuộm tóc

Sau khi nhuộm tóc, bệnh nhân bị nổi mẩn đỏ từ đầu mặt xuống thân mình, riêng da đầu nóng rát, cảm giác châm chích khó chịu.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) đã tiếp nhận một bệnh nhân lớn tuổi bị dị ứng nghiêm trọng với thuốc nhuộm tóc.

Bà H.T.M. (73 tuổi, Nghệ An) đi khám tại bệnh viện trong tình trạng toàn thân đỏ ửng, da phồng rộp, riêng mặt, tay, chân sưng phù. Chỉ số huyết áp đo 3 lần đều ở mức cao 170/83 mmHg (bình thường 120/80 mmHg).

Bà H. cho biết, sau khi nhuộm tóc, người bị nổi mẩn đỏ toàn thân, từ đầu mặt xuống thân mình, riêng da đầu nóng rát, cảm giác như châm chích nhưng không đi khám. Khi vào TP.HCM thăm con, tình trạng nặng hơn bà mới được con đưa vào bệnh viện khám.

Theo TS BS Đặng Thị Ngọc Bích - Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) trao đổi với VTC News, dị ứng thuốc nhuộm tóc xảy ra khi hệ miễn dịch cơ thể phản ứng với một trong những thành phần có trong thuốc.

Do bị dị ứng nặng, người bệnh có biểu hiện châm chích hoặc nóng rát trên da đầu, mặt hoặc cổ, da phồng rộp, ngứa hoặc sưng da đầu và mặt, nổi mẩn đỏ trên da, thậm chí có thể gây sưng mí mắt, môi, tay hoặc chân. Sau thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ xác định ngoài vấn đề đỏ da do dị ứng thuốc nhuộm, bệnh nhân còn có tình trạng nhiễm trùng.

di ung thuoc nhuom toc 1  

Bệnh nhân bị nhiễm độc toàn thân vì thuốc nhuộm tóc. Ảnh: Lao động.

Bà M. được chẩn đoán bệnh đỏ da toàn thân hay viêm da tróc vảy toàn thân. Bà M. được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng qua đường uống. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện, bà M. phải điều trị kháng sinh bằng đường truyền. Những vị trí tổn thương trên đầu được chỉ định dùng thuốc chấm và bôi. Do còn tình trạng gàu, nên bác sĩ cho bà H. dùng thuốc gội trị gàu.

May mắn, sau 1 tuần điều trị, người bệnh đã có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt, da đã bớt phồng rộp, tấy đỏ. Tình trạng huyết áp của bà đã ổn định, không tăng cao như lần đầu đến khám.

BS Bích cho biết bệnh đỏ da toàn thân (viêm da tróc vảy toàn thân) là tình trạng cơ thể đỏ khắp người từ đầu đến chân (giống tôm luộc) kèm da bong vảy và làm da mỏng đi, kèm các triệu chứng khác bao gồm phù nề toàn thân, đỏ da bong vảy khô, tiết dịch, rụng lông tóc. Bệnh đỏ da toàn thân xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất từ 40-60 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiễm trùng da, vảy nến, dị ứng thuốc… Đáng lo, nhiều người bệnh đi khám trễ do những biểu hiện ban đầu của bệnh chưa rõ ràng như ngứa, nổi mẩn nhẹ xuất hiện ở một số vùng da nên dễ bỏ sót hoặc xem nhẹ.

Nếu không điều trị, tình trạng này trở nặng hơn, da xuất hiện các mảng đỏ, sưng phù với khả năng lan rộng nhanh chóng, có thể đi kèm tình trạng da đỏ phù, tiết dịch. Sau vài ngày, da có thể tróc vảy khô hoặc ướt, có khi tróc thành mảng lớn thường gặp ở lòng bàn tay, bàn chân; da đầu xuất hiện vảy dày, bã nhờn, được xem là tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát. Bệnh cũng có thể gây ảnh hưởng đến kết mạc mắt và niêm mạc đường hô hấp.

Tốt nhất, người bệnh đi khám ngay khi thấy da bị đỏ hoặc ngứa ở bất kỳ vị trí nào hoặc bệnh kéo dài hơn 2 tuần. Nếu để lâu, người bệnh dễ bị nhiễm trùng da toàn thân do vi khuẩn sinh mủ, với triệu chứng có thể xảy ra như ngứa, rét run, sốt, khó chịu, xuất hiện nhiều mụn nước và mụn mủ toàn thân, BS Bích trao đổi với Lao động.