Mặc dù nước không thể thiếu đối với chúng ta nhưng trong thực tế, uống quá nhiều nước có thể dẫn đến "ngộ độc" nước. Dưới đây là dấu hiệu bạn đã uống nhiều nước quá mức và hậu quả khó lường của nó.
Hại thận: Thận là cơ quan có chức năng lọc nước, do đó, nếu bạn uống nước quá mức sẽ khiến thận phải tăng giờ hoạt động lên. Lâu ngày, thận mệt mỏi, chức năng suy giảm nên có thể gây ra các bệnh về thận.
Da xỉn màu: Thực tế, uống quá nhiều nước thực sự có thể gây hại cho làn da vì lượng nước quá nhiều có thể khiến cơ thể mất đi các khoáng chất thiết yếu, khiến da xỉn màu và thiếu sức sống.
Ảnh hưởng não bộ: Trong cơ thể có rất nhiều các ion natri và kali tự do hoạt động như chất điện giải giúp cân bằng chất lỏng giữa tế bào và máu. Khi lượng nước đột ngột tăng nhiều khiến nồng độ chất điện giải giảm, nước di chuyển từ máu vào trong tế bào. Điều này làm cho tế bào sưng lên thậm chí có thể dẫn đến sưng não rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Gây mệt mỏi: Uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn sẽ khiến bạn cảm thấy cơ thể mệt mỏi rõ rệt. Bởi khi bạn nạp quá nhiều nước trong một thời gian ngắn thì thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng nước dư thừa và điều này kích thích tuyến thượng thận (chịu trách nhiệm đối phó với căng thẳng) quá mức. Khi có quá nhiều hormon căng thẳng trong cơ thể có thể còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Cách uống nước hiệu quả
Nên uống 2 lít nước theo lịch sau để đảm bảo hiệu quả:
1 cốc nước ngay sau khi thức dậy để cấp nước cho cơ thể, "đánh thức" các cơ quan nội tạng hoạt động hiệu quả.
1 cốc vào khoảng 9h sáng để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả.
1 cốc 30 phút trước mỗi bữa ăn để kích thích tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng. Việc uống nước trước bữa ăn cũng là biện pháp giảm cân hiệu quả, làm giảm cảm giác thèm ăn.
1 cốc nước vào lúc 15h để tiếp tục cung cấp độ ẩm cho cơ thể.
1 cốc nước trước khi tắm để kích thích lưu thông máu, giảm huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.
1 cốc nước trước khi đi ngủ để hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào.
Trúc Chi (t/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật