Cung nữ xưa sau khi xuất cung không ai dám lấy vì nhiều người bị bệnh này, phụ nữ hiện đại cũng có thể mắc

CTV
Những tưởng rời khỏi chốn cung đình có thể trở lại với cuộc sống bình thường, nhưng ngờ đâu nhiều cung nữ lại mắc phải một chứng bệnh khiến đàn ông không dám lấy họ.

Vào thời phong kiến cổ đại Trung Hoa, hoàng cung là nơi thường được không ít người bình thường khao khát hướng đến. Bởi vì nếu có thể làm việc cho Hoàng đế, chí ít họ không cần lo lắng về cơm ăn áo mặc. Thậm chí nếu có tài năng, họ còn có cơ hội được những nhân vật có quyền thế trọng dụng, có thể trở thành một người có quyền lực.

Bởi vậy, không ít nam nhân đã không ngần ngại "phá hủy" cơ thể của họ để có thể vào cung điện làm thái giám, trong khi một số phụ nữ, dù không thể tiến cung như các phi tần, cũng tình nguyện vào chốn đó làm cung nữ giúp việc.

Cuộc sống trong cung không hẳn an nhàn như nhiều người tưởng. (Ảnh minh họa)

Từ thời nhà Tần đến nhà Thanh, cung nữ là một bộ phận lao động đặc biệt và không thể thiếu cho hoàng gia. Công việc chủ yếu của họ là giặt giũ, nấu ăn, quét dọn và hầu hạ cuộc sống của hoàng tộc. Các cung nữ thường được tuyển vào cung ở độ tuổi 13-14, và sẽ "về hưu" khi đến tuổi 25. Tuy nhiên, sau khi xuất cung, đa số các cung nữ đều không thể lập gia đình, điều này do đâu?

Thứ nhất, vào thời phong kiến, ở độ tuổi đó, đa số những cung nữ này đều được coi là đã "quá lứa lỡ thì", nhan sắc phai tàn, khó có thể lọt vào tầm ngắm của đàn ông. Vì vậy dù có muốn, họ cũng khó tìm được người muốn gắn bó cả đời với mình.

Thứ hai, hầu hết cung nữ đều nhập cung từ lúc 13-14 tuổi, chính là lúc cơ thể đang ở tuổi dậy thì, không những không được kịp thời bổ sung dinh dưỡng để cơ thể phát triển khỏe mạnh mà còn phải làm những việc nặng nhọc, làm không tốt còn có thể bị trừng phạt, bị đánh đập tàn nhẫn, bị mắng, thậm chí cả ngày không được ăn cơm. Bị tàn phá về thể xác lẫn tinh thần, thời gian lâu dần, các cung nữ mắc phải một chứng bệnh gọi là “ứ huyết”.

Nhiều cung nữ bị hành hạ về cả thể xác và tinh thần. (Ảnh minh họa)

Cơ thể bị suy nhược, bệnh tật nhưng không được điều trị, cứ mãi tiếp tục lao động nặng nhọc nên sức khỏe họ càng bị ảnh hưởng, thành bệnh mãn tính. Đặc biệt là với chứng ứ huyết, phụ nữ rất khó sinh con. Mà trong quan niệm xã hội thời bấy giờ, phụ nữ dù có xinh đẹp như tiên nữ nhưng không sinh được con là tội lớn, hiếm có gia đình nào chấp nhận. Đây chính là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng tới việc xuất giá của họ.

Theo quan điểm xưa, khả năng sinh sản là yếu tố quan trọng để người phụ nữ được chọn là vợ. (Ảnh minh họa)

Do đó, các cung nữ dù đã được tự do nhưng vẫn không thể tìm được hạnh phúc cho bản thân, ngoài việc đến những gia đình giàu có để làm nô lệ thì có cung nữ chọn bán mình đến “lầu xanh”, hầu như họ không còn cách nào khác để kiếm sống.

Hội chứng huyết ứ là gì?

Chứng huyết ứ là chứng bệnh huyết (máu) không lưu thông thậm chí ngưng đọng, ứ tích ở trong cơ thể ảnh hưởng đến sự vận hành của khí huyết mà phát sinh ra hàng loạt chứng bệnh. Nguyên nhân phần nhiều do vấp ngã, bị đòn, nội thương xuất huyết hoặc lao thương quá độ gây nên.

Biểu hiện thường gặp của chứng ứ huyết

Theo Đông y, biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng ứ huyết, ứ nghẽn máu ở các bộ phận khác nhau nên có thể phát sinh các chứng trạng không giống nhau. Chẳng hạn, ứ nghẽn ở tim có thể làm cho đau vùng tim, ngực khó chịu, mồm miệng tím tái; Ứ nghẽn ở phế thì ho ra huyết, đau vùng ngực; Ứ nghẽn ở vị quản thì nôn ra máu, đại tiện ra máu; Ứ nghẽn ở gan thì đau sườn có hòn khối; Ứ nghẽn ở tử cung làm cho đau bụng dưới, kinh nguyệt không điều, đau bụng kinh, sắc kinh tía đen có hòn cục hoặc xuất huyết không bình thường ở tử cung ngoài chu kỳ kinh nguyệt; Ứ nghẽn ở cục bộ chân tay có thể thấy cục bộ sưng đau hoặc xuất huyết dưới da.

Chứng huyết ứ thường xuất hiện trong nhiều bệnh tật, có biểu hiện khác nhau, trên lâm sàng, các chuyên gia y tế thường căn cứ vào các đặc điểm cụ thể để biện chứng luận trị.