Ngày 19/7, TAND TP Hà Nội tái mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Hùng (cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường) và 35 bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty In và văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.
Trước đó, báo Giao thông đưa tin, sáng 30/6, TAND TP. Hà Nội đã hoãn phiên xét xử sơ thẩm ông Trần Hùng và 35 bị cáo trong vụ án "sản xuất, buôn bán hàng giả", "nhận hối lộ", "môi giới hối lộ", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty In và văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.
"Theo dự kiến thì phiên toà xét xử ông Trần Hùng diễn ra vào sáng 30/6 nhưng HĐXX đã hoãn phiên toà và chuyển lịch sang ngày 19/7 sẽ xét xử", nguồn tin cho hay.
Trước đó, phiên tòa xét xử ông Trần Hùng với cáo buộc nhận hối lộ cũng đã hoãn từ ngày 31/5 như dự kiến sang ngày 30/6.
Theo thông tin từ phiên tòa dự kiến ngày 30/6, có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, ông Trần Hùng có 5 luật sư.
Trong những bị cáo bị truy tố, ông Trần Hùng, cựu Cục phó Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".
Ba cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường số 17 bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm: Lê Việt Phương (cựu Phó Đội trưởng), Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (cùng là cựu Kiểm soát viên).
Bị can Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị truy tố về tội "Môi giới hối lộ". Bị can Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) cùng các bị can khác bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
đưa tin, theo cáo trạng của Viện kiểm sát, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Bị can Cao Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) biết ông Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để được xử lý nhẹ.
Viện kiểm sát cho rằng ông Hùng đồng ý với đề nghị của Thuận, nhưng yêu cầu bị can này phải chỉ điểm một số cơ sở in lậu sách khác. Sau đó, Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để gặp ông Hùng, ngỏ ý chi 400 triệu đồng.
Ông Hùng đã hướng dẫn các bị can thay đổi lời khai về nguồn gốc, chuyển thành "sách do người khác mang đến ký gửi". Ngoài ra, ông Trần Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17) tạo điều kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính.
Sáng 14/7/2020, Hải mang 300 triệu đồng của Thuận để trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc của ông Hùng. Thấy tại đây có nhiều người, Hải cầm túi tiền ra về. Chiều hôm sau, anh ta mang tiền trở lại phòng làm việc và đưa cho ông Hùng.
Cơ quan tố tụng căn cứ lời khai của Hải cùng nhiều dữ liệu điện thoại và lời khai của những người khác, đủ cơ sở chứng minh ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng của Thuận thông qua Hải.
Quá trình điều tra, ông Hùng không thừa nhận cáo buộc nhận hối lộ.
Ngoài những nội dung trên, bị can Thuận khai nhiều lần đưa tổng số tiền 330 triệu đồng cho Lê Việt Phương và Đội Quản lý thị trường số 17. Sau đó, Phương chia cho 2 thuộc cấp tổng cộng 11 triệu đồng.
Ông Trần Hùng từng được dư luận ví như "người hùng" trong công tác chống buôn lậu.
Ông Hùng từng giữ nhiều chức vụ khác như Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Tổ trưởng tổ công tác 1444.
Bảo An (T/h)