Đã có hiện tượng “dịch chồng dịch” ở Hà Nội

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là ngày 1/7 ghi nhận 298 ca.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang - Phó Trưởng khoa Vi-rút, Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, 1 đến 2 tháng trước, mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 1-2 ca mắc Covid-19 từ nhóm có nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền chạy thận, suy gan, ung thư. Tuy nhiên, hai tuần trở lại đây, số ca đang có xu hướng tăng lên, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 7-10 bệnh nhân. Do số ca bệnh nặng tăng gấp đôi, bệnh viện đã phải thêm giường điều trị.

Cạnh đó, số bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng và nguy kịch do Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận cũng tăng. Nếu thời gian trước khoa chỉ nhận 1-2 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch thì hiện tiếp nhận 4-5 bệnh nhân, thậm chí 7 bệnh nhân/ngày.

Liên quan đến việc số ca có xu hướng tăng trở lại ở Hà Nội, theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, bệnh viện Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết: "Hai tuần trở lại đây bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 đến khám tại phòng khám Covid-19 tăng, đặc biệt ngày 5/7 tăng đột biến, có tới 20 bệnh nhân khám Covid-19 so với những tuần trước, trung bình 1 tuần chỉ 4-5 ca".

Tiêu điểm - Đã có hiện tượng “dịch chồng dịch” ở Hà Nội

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường. (Ảnh: Như Loan).

Theo bác sĩ Hường, đến khám tại phòng khám Covid-19 có đủ đối tượng từ trẻ em tới người già… Tất cả bệnh nhân được xác định mắc Covid-19, rất ít người không tiêm vắc-xin, đa số đã tiêm 2 đến 3 mũi. Các triệu chứng mắc Covid-19 nhẹ hơn nhiều so với trước.

Tuy nhiên, các bệnh nhân lại có bệnh lý nền nên nhập viện vì bệnh lý nền kèm theo chứ không phải mắc Covid-19 triệu chứng nặng.

“Với biến chủng mới, đặc biệt là BA.5 đã được ghi nhận xâm nhập vào Việt Nam. Theo hiểu biết của chúng tôi thì biến chủng mới có khả năng lây lan rất mạnh. Tại thời điểm này chúng tôi khuyến cáo theo Bộ Y tế là nên tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4.

Thực tế, các bệnh nhân mắc Covid-19 đã tiêm mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi tăng cường mũi 3, mũi 4 thì dấu hiệu nặng giảm rất nhiều, bệnh nhân cũng không có biến chứng nặng tiến triển và gần như không ghi nhận ca tử vong”, bác sĩ Hường cho hay.

Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, đáng lo ngại là đã có hiện tượng “dịch chồng dịch,” cơ sở y tế này vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (35 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã sốt ngày thứ 2, nhiệt độ cơ thể cao nhất có lúc lên tới 40 độ C.

Bệnh nhân được đưa tới Khoa Cấp cứu-Nội-Nhi trong tình trạng đau đầu, sốt cao và co giật. Tại đây, bệnh nhân được test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và chuyển tiếp sang phòng khám sàng lọc của bệnh viện.

Bệnh nhân được tầm soát cúm A, cúm B và sốt xuất huyết, ghi nhận thêm bệnh nền sốt xuất huyết đang diễn biến trong khoảng từ 1-5 ngày.

Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nên sau khi điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, sức khỏe đã ổn định và có thể ra viện.

“Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là bệnh gây ra do virus. Hai bệnh lý này có thể gây ra những triệu chứng chồng lấp, gây khó khăn cho việc điều trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đơn thuần, triệu chứng mệt mỏi, sốt cao nhưng nếu kèm theo mắc Covid-19, triệu chứng sẽ nặng nề hơn, vẫn sốt cao, mệt mỏi và phải điều trị kéo dài,” bác sĩ Nguyễn Thu Hường phân tích.

Quốc Tiệp (Plo.vn, TTXVN/ Vietnam+)