XEM VIDEO: NSND Tự Long gây bất ngờ khi trổ tài “bắn rap”.
NSND Tự Long “cay mũi”
Mới đây, Đại tá - NSND Tự Long tham gia The Khang Show và có nhiều chia sẻ về chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Được biết, nam NSND đang cùng các anh tài chuẩn bị tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc trò chuyện lần này, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cũng bật mí lý do anh nhận lời một show giải trí. Anh tiết lộ: "Tôi tham gia vì sự cay cú từ gia đình! Cách đó khoảng 5 tháng, chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai có gọi điện mời tôi tham gia. Tôi có hỏi ý kiến vợ và con xem mình có tham gia chương trình này được không. Cả vợ và con tôi đều bảo tôi đừng tham gia vì ở đây mọi người đầu tư rất nhiều còn tôi thì chẳng có gì.
Vợ con tôi đều nghĩ đây là chương trình rất hoành tráng, người tham gia phải thể hiện mọi thứ từ biểu cảm, concept… còn tôi chỉ đơn thuần là người hoạt động nghệ thuật dân tộc suốt 25 năm qua, chẳng có gì cả. Vợ tôi bảo ‘Thôi đừng có thi. Người ta muốn thi phải tập luyện đấy. Như BB Trần phải tập kéo violin mấy tháng, có những người phải đi học múa, học nhảy”.
Họ học đủ thứ để được khám phá, chinh phục khả năng của mình, còn tôi chẳng biết gì ngoài lĩnh vực của mình. Nhưng tôi lại nghĩ, cứ tham gia đi, vì đây là một cuộc chơi. Đã là một cuộc chơi thì cứ chơi đi đã, còn thành công hay không lại là câu chuyện khác. Và tôi chấp nhận đăng ký tham gia khi có chông gai từ cửa nhà mình luôn!”
Vợ con từng khuyên NSND Tự Long không nên tham gia show "Anh trai" vì anh "chẳng có gì".
Tự Long cũng nói lên những khó khăn và khác biệt của anh khi tham gia chương trình: “Tôi từng phát biểu: Tôi là người duy nhất trong 33 anh tài là người của nhà nước, còn 32 anh trai là ‘hợp tác xã tự do, miếng nào to thì gắp’. Họ không có cơ quan, đoàn thể nào cả. Tôi lại là người của quân đội nên khó lắm.
Thời gian để đi và làm việc suốt 5 tháng trời, tôi phải xin ý kiến của cơ quan, đoàn thể để tham gia được chương trình đó. Từ khó khăn trong gia đình tới khó khăn trong công việc, mình đều phải sắp xếp, chưa nói đến chuyện khó khăn lúc vào chương trình. Bay đi bay về nhiều lắm.
Lúc vào chương trình, trong 33 anh tài, tôi không biết được hết mọi người ngoài những người quen thuộc như bạn Bằng Kiều, anh Hồng Sơn. Jun Phạm, Thanh Duy tôi biết vì làm cùng chương trình Ký ức vui vẻ. Tuấn Hưng thì mình cũng biết là thánh dỗi rồi… Còn lại, mình cũng không biết mấy.
Tôi rất khó khăn, vất vả trong việc nhập cuộc cùng mọi người. Tối thứ 6 tôi bay vào thì 9 giờ tối tập luôn. Nói để thấy các anh em rất yêu quý mình. Họ bảo tôi đã bận lắm rồi thì cứ vào được lúc nào mọi người sẽ tập cùng tôi lúc đó, rồi lúc tập chỉ cần tập đơn giản, không cần tập khó.
Đại tá Tự Long đã vượt qua nhiều khó khăn khi tham gia show giải trí.
Tôi hơi cay mũi, nghĩ là bị coi thường. Tôi hoạt động nghệ thuật bao năm nay, tại sao lại không tập được động tác khó mà phải tập động tác dễ? Tôi bay vào tập, tập từ 9 giờ tối tới 2 giờ sáng mới nghỉ. Tôi đề xuất rằng đừng bắt tôi phải đứng xa với mọi người, đừng bắt tôi phải trở thành cái hình nộm trong chương trình. Hãy cho tôi được cống hiến.
Tôi là người rất năng nổ, nếu không cho tôi làm gì tôi rất khó chịu. Mọi người chấp nhận và cho tôi làm cùng, nhảy cùng. Tối thứ 6 tôi bay vào tập, tối chủ nhật lại bay ra để sáng thứ 2 giao ban, xong tối thứ 2 lại bay vào. 1 tuần tôi bay từ 3-4 lần là chuyện bình thường".
Tự Long chia sẻ, mới đầu vào anh không hề biết Rhymastic, Soobin, Cường Seven, Huy R, Kiên Ứng… Nam danh hài thổ lộ: “Mong mọi người nghe đừng giận. Mình không biết là vì mình vô tâm. Từ xưa đến nay, những dòng nhạc đấy, những câu chuyện nghệ thuật đấy nó không liên quan đến nhau. Mình lại chênh các bạn tận 25 tuổi luôn. Từ âm nhạc, thị hiếu đến câu chuyện cuộc sống, hầu như là không va vào nhau”.
Nam nghệ sĩ "cay mũi" khi mọi người nói anh chỉ cần tập khó.
Nam NSND nói về việc mắng các nghệ sĩ trẻ
Từng có clip Tự Long mắng các nghệ sĩ trẻ trong buổi tổng duyệt concert khiến cư dân mạng chú ý. Nói về điều này, anh cho biết: “Buổi đó ở Hưng Yên, mọi người không hiểu ý nhau, tập rất nóng, có người đi vào ăn, có người đi ra ngoài… Trong lúc đó, Tổng đạo diễn vẫn đang tập trên đó, mình cũng hơi mạnh mồm một chút.
Mình nói: ‘Các em ơi không nên như vậy. Anh già như thế này mà vẫn còn đang phải đứng ở trên này, thì sao mọi người lại bỏ sân khấu để đi làm việc khác được! Đừng nên như vậy, chúng ta cả Nam cả Bắc đến đây để làm việc mà tại sao chỉ vì lý do thời gian hơi muộn, lý do cần phải ăn uống mà chúng ta bỏ sân khấu’. Lúc đó, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư rất là khó chịu, lúc cần ra lại không đủ, trong khi các anh lớn tuổi vẫn đang đứng ở đó.
Nói không phải để giận dỗi hay trách các bạn mà do thông tin không chuẩn. Có người bảo tập xong rồi thì nghỉ, thế là mọi người tản đi. Lúc bấy giờ mình lên dây cót anh em một chút. Khi phát lên mạng thì mọi người thấy có vẻ hơi căng thẳng một chút. Tất cả câu chuyện là vì chương trình, chứ không phải mình thể hiện mình là ai. Yên tâm, mọi người đều hiểu tôi”.
Tự Long là người luôn nói to nhưng mọi người vẫn hiểu và quý anh.
Tự Long cho biết khi đến với chương trình, có những người rất sợ, rất ghét anh. Vì anh luôn nói to, hành động mạnh và có những thứ xuất thần, bất thình lình. Điển hình là Tăng Phúc và Binz, mỗi lần nam NSND nói to là “hú hồn” luôn, Duy Khánh thậm chí chửi thề.
Có rất nhiều câu chuyện từ việc Tự Long tạo bất ngờ hay xuất hiện bất thình lình. Anh kể: “Có một ông gọi là ông ‘Sleep’ vì chuyên môn ngủ, là trợ lý của Tiến Luật. Nó đang ngủ mà tôi qua nói to ‘Làm đi, làm đi, trời ơi’. Nó giật bắn mình, la trời la đất. Đến lúc nó quay ra nó thấy anh, nó bảo: ‘Trời ơi, chú ơi, con xin lỗi chú’.
Tôi là vậy, không bao giờ thay đổi được. Con người tôi, tính cách của tôi, tôi không muốn giấu nó. Tôi rất thích mang lại bầu không khí, nguồn cảm hứng”.
Có rất nhiều câu chuyện từ việc Tự Long luôn tạo những sự "bất thình lình".
Khi được hỏi "Làm thế nào để người trẻ yêu đất nước hơn, từ đó họ sẽ làm được những giá trị thiết thực để đóng góp cho đất nước?", NSND Tự Long cho rằng điều đó cần 3 yếu tố: Truyền thống gia đình, môi trường sống và giáo dục, nói cách khác là nhà trường, gia đình và xã hội.
Anh bày tỏ: "Từ xưa đến nay, 3 yếu tố ấy vẫn tạo dựng, xây dựng nên nhân cách, hồn cốt và giá trị của một con người mang tâm hồn Việt. Tôi rất mong các trường từ cấp 1, cấp 2 ít nhất có một tiết học để các con trẻ hiểu được thế nào là lời ru, thế nào là những làng điệu dân ca, thế nào là ca cổ, thế nào là hát then, hát xoan, hát chèo, hát cải lương, hát quan họ. Đó cũng chính là một trong những môi trường để tạo dựng cho một thế hệ tương lai.
Những đứa trẻ sinh ra từ làng như tôi, đều yêu đất, yêu nước. Yêu từ những con mương, những thửa ruộng. Khi lớn lên, chúng tôi biết yêu đất nước của mình, yêu quê hương, yêu giang sơn gấm vóc".
Đại tá - NSND chia sẻ thấm thía về lòng yêu nước.