ĐBQH: Mâu thuẫn, thách đố nhau trên mạng dẫn đến ẩu đả ngoài đời thực

Theo đại biểu Ngọc Linh, giới trẻ đang dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội, đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng nghiện mạng xã hội ngày càng gia tăng.

Để giới trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn

Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội ngày 28/10, các ĐBQH thảo luận về việc phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) cho rằng ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và cách mạng công nghệ 4.0, mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ, đây là một trong những nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.

Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỉ lệ đến 92%, thứ hai là Facebook, tỉ lệ sử dụng là 91,7%, kế tiếp là Zalo, 76,5%... điều này cho thấy mức độ phổ biến của mạng xã hội rất rộng rãi.

Đại biểu cho rằng, nếu biết cách khai thác, sử dụng hợp lý thì mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội. Ngược lại, sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt, vì lượng thông tin nhiều, nhưng đan xen giữa thông tin tốt với thông tin xấu, khó kiểm chứng.

Nữ đại biểu nêu số liệu thống kê, trong hơn 30 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam thì có khoảng 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội nằm trong độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi, chiếm khoảng 71% và thời lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình là 5h/ngày.

Tiêu điểm - ĐBQH: Mâu thuẫn, thách đố nhau trên mạng dẫn đến ẩu đả ngoài đời thực                                                                  ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh.

Qua đó cho thấy giới trẻ đang dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội, đó cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng nghiện mạng xã hội ngày càng gia tăng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe học tập cũng như công việc và các hoạt động khác trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Ngọc Linh, một vấn đề đáng quan tâm nữa là hiện nay tình trạng vi phạm hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng các trang mạng, nhằm đăng tải các thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân.

"Điển hình như tài khoản Facebook Nguyễn Phương Hằng, Thành phố Hồ Chí Minh hay tài khoản Facebook của Đặng Như Quỳnh, Thành phố Hà Nội vừa qua đã bị cơ quan chức năng mời làm việc và xử phạt.

Hay một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, buôn bán hàng giả, hàng cấm, thậm chí có những trường hợp xuất phát từ mâu thuẫn, thách đố trên mạng xã hội dẫn đến hẹn nhau giải quyết ngoài đời thực", đại biểu Ngọc Linh nêu dẫn chứng.

Trước thực trạng nêu trên, đại biểu đề nghị các cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm túc và phối hợp với các ngành có liên quan quan tâm hơn nữa và có những định hướng, giải pháp tối ưu nhằm hạn chế vấn đề này.

Cùng với đó, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục, định hướng cho các em để các em biết cách khai thác thông tin tích cực, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chọn lọc các thông tin hữu ích và tránh xa những tin độc hại, giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng, kiểm soát hành vi, lời nói khi sử dụng mạng xã hội, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân nào và không vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội.

Đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với mạng xã hội, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng…

Phát triển văn hóa chưa tương xứng

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên – Huế) cho biết, mặc dù nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy, các sản phẩm văn hóa ngày đa dạng, phong phú nhưng phát triển văn hóa chưa tương xứng, chưa ngang tầm với phát triển kinh tế.

Nguyên nhân được đại biểu đưa ra là do các nguồn lực đầu tư cho phát triển cả cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng chưa đáp ứng.

Đầu tư không đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Tiêu điểm - ĐBQH: Mâu thuẫn, thách đố nhau trên mạng dẫn đến ẩu đả ngoài đời thực (Hình 2).                                                                   ĐBQH Nguyễn Thị Sửu.

Đặc biệt, môi trường sống, sự tác động của số hóa toàn cầu tạo ra những bất định, dễ bị cuốn đẩy chệch quỹ đạo văn hóa chuẩn mực... góc độ văn hóa ứng xử, những hình ảnh hay câu chuyện nghịch văn hóa, thiếu văn hóa vẫn hiện hữu ở nơi này, nơi nọ trong các môi trường sống.

Đại biểu nói: “Hành vi thiếu văn hóa ngày càng trẻ hóa, xảy ra ở bậc THCS và thậm chí là bậc cuối tiểu học”.

Để góp phần giữ vững hồn cốt của dân tộc và khắc phục những khuyết thiếu trong văn hóa ứng xử, đại biểu đoàn Thừa Thiên – Huế cho rằng, cần phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội;

Nghiên cứu cho phép, triển khai hợp tác công tư trong trùng tu, khai thác di sản để tận dụng nguồn lực xã hội hóa, tăng đầu tư cho văn hóa và chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.