ĐBQH Hà Ánh Phượng: Lịch sử vẫn nên là môn học bắt buộc

Theo ĐBQH Hà Ánh Phượng, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay thì việc học Lịch sử là điều vô cùng cần thiết đối với thế hệ trẻ.

Việc Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông mới, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023 đang trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Trước những ý kiến trái chiều, bên hành lang Quốc hội, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với đại biểu - cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ).

NĐT: Thưa bà, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến cử tri, nhân dân và dư luận băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc. Là một giáo viên, xin bà cho biết quan điểm của mình?

ĐBQH Hà Ánh Phượng: Việc để môn Lịch sử trở thành một môn học tự chọn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã có lý do của mình. Điều đó, khẳng định Bộ đã và đang đi đúng hướng của chương trình đổi mới giáo dục căn bản toàn diện theo Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Mỗi một vấn đề đều có hai mặt, tuy nhiên quan điểm cá nhân của tôi thì môn Lịch sử vẫn nên là môn học bắt buộc thay vì một môn học tự chọn.

Tiêu điểm - ĐBQH Hà Ánh Phượng: Lịch sử vẫn nên là môn học bắt buộc

ĐBQH Hà Ánh Phượng trao đổi với NĐT bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Hoàng Bích).

NĐT: Theo quan điểm của bà thì môn Lịch sử vẫn nên là môn học bắt buộc, vậy lý do để môn học này vẫn là môn học bắt buộc là gì?

ĐBQH Hà Ánh Phượng: Đối với các em học sinh bậc THPT, nhân sinh quan thế giới quan của các em đã trưởng thành hơn nhiều so với các cấp học khác, vì thế khi học môn Lịch sử các em sẽ tiếp cận ở một góc độ khác hơn, nhất là bối cảnh toàn cầu hóa thì việc học Lịch sử là điều vô cùng cần thiết đối với thế hệ trẻ.

Thêm một lý do nữa, trên thế giới có rất nhiều quốc gia có để Lịch sử là môn tự chọn, nhưng quan điểm cá nhân của tôi mỗi quốc gia đều có quá trình hình thành lịch sử khác nhau.

Việt Nam rất tự hào vì chúng ta có hàng nghìn năm lịch sử, nhưng có quốc gia trên thế giới lịch sử chỉ tính bằng trăm năm thôi. Nên đối với bộ môn Lịch sử tôi hy vọng sẽ được đặt ở vị trí thích hợp hơn thay vì môn học tự chọn.

Nhìn rộng ra ở Châu Á có Nhật Bản, trước đây Nhật Bản để Lịch sử trở thành môn học tự chọn, nhưng sau này dưới áp lực của cộng đồng thì Nhật Bản đã để môn học Lịch sử trở thành bắt buộc.

Rồi nhìn vào Châu Phi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nam Phi đã phải lên tiếng và nói rằng năm 2023, Nam Phi lại lựa chọn Lịch sử là môn học bắt buộc…

NĐT: Để các em yêu thích môn học Lịch sử, theo bà các thầy cô cần phải có phương pháp giảng dạy thế nào?

ĐBQH Hà Ánh Phượng: Điều quan trọng nhất ngoài đổi mới phương pháp, nội dung sách giáo khoa thì yếu tố quan trọng mấu chốt là việc kiểm tra, đánh giá.

Bởi, trên thực tế khi trò chuyện với các em học sinh của mình, tôi thấy rằng không phải các thầy cô ngại đổi mới mà các thầy cô trong thời gian qua rất nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin dạy học môn Lịch sử. Những phương pháp mới như đồ họa thông tin… khiến các em rất say mê học Lịch sử.

Tôi thấy rằng, các em không hề chán Lịch sử mà rất thích môn học này, nhưng khi làm bài kiểm tra các em rất ngại do yêu cầu mô tuýp chúng ta vẫn làm từ trước đến nay có phần thiên về ghi nhớ, hạn chế phần sáng tạo của các em.

Nên, theo tôi cần học hỏi cách kiểm tra, đánh giá như một số quốc gia trên thế giới, thay vì ghi nhớ sẽ có nắm vững, liên hệ, dự đoán, phân tích… sẽ mang tính chất chiều sâu hơn.

Tôi hy vọng thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp tốt nhất để có thể đặt đúng lịch sử ở vị trí của một đất nước 4.000 năm văn hiến.

Tiêu điểm - ĐBQH Hà Ánh Phượng: Lịch sử vẫn nên là môn học bắt buộc (Hình 2).

Nữ đại biểu đoàn Phú Thọ mong muốn môn Lịch sử vẫn nên là môn học bắt buộc thay vì một môn học tự chọn.

NĐT: Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng kiến thức chuyên sâu về lịch sử thì cũng giống như các môn học và các ngành khác, không phải ép buộc học, bà suy nghĩ thế nào về điều này?

ĐBQH Hà Ánh Phượng: Ở đây là do định hướng và thiết kế chương trình, tôi mong muốn Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc. Nhưng thi tốt nghiệp không nhất thiết phải thi Lịch sử nếu như các em học khối A thiên về Toán, Lý, Hóa, như thế sẽ giảm được áp lực học hành cho các em.

Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn rằng trong chương trình thiết kế, phổ quát toàn bộ các em trong khối được học môn Lịch sử.

Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao truyền cảm hứng, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước. Tôi đánh giá rất cao về chương trình giáo dục mới, vì một trong những phẩm chất đầu tiên mà chương trình này đưa ra đó là phẩm chất yêu nước được đặt lên hàng đầu.

Chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão và hàng ngày các em tiếp cận từ nhiều luồng thông tin. Nếu không có một chương trình chính thống thì rất dễ dẫn đến việc bản thân các em không có lập trường vững chắc, tìm kiếm thông tin không chính thống, tôi cho rằng vẫn cần có hệ thống bài bản hơn.

NĐT: Xin cảm ơn đại biểu về cuộc trao đổi!

Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, trong đó có môn Lịch sử.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phân chia 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12).

Trong đó, chương trình môn học Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở), và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), được thiết kế theo hướng chuyên sâu.

Cấu trúc Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi căn bản, thể hiện rõ mục tiêu định hướng nghề nghiệp, được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính kết hợp đồng tâm.

Theo đó, Chương trình môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) được thiết kế theo hệ thống các chủ đề, chuyên đề học tập, với nội dung hệ thống hóa, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, khác với cách thiết kế các mạch nội dung Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là dựa trên nguyên tắc đồng tâm theo tiến trình lịch sử dân tộc và thế giới.

Chương trình giúp học sinh hình thành, phát triển tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật