ĐBQH: Quy định rõ phương pháp xác định giá đất

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ cho hay nội dung về phương pháp xác định giá đất được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, do đó cần nêu rõ các phương pháp định giá.

Đảm bảo tính khả thi

Tiếp tục chương trình, sáng 7/4, Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp ý kiến, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến nhân dân của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua.

Nhấn mạnh nội dung về phương pháp xác định giá đất là vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ đề cập đúng một câu về nội dung này và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, để dự thảo Luật này đảm bảo tính khả thi và có hiệu lực cao, đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá và các trường hợp áp dụng cụ thể…

Đối thoại - ĐBQH: Quy định rõ phương pháp xác định giá đất

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ góp ý kiến.

Ngoài ra, về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật này đang quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến hai chủ thể: cơ quan quản lý Nhà nước và người sử dụng đất. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, trong thực tế có các chủ thể liên quan đến giao dịch đất đai, ví dụ như người chuyển nhượng đất, người môi giới đặc biệt.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định nghiêm cấm đối với hành vi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật. Đại biểu Thơ cho rằng, đây là hành vi mang tính thụ động. Nữ đại biểu bày tỏ băn khoăn, vậy hành vi chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật, mang tính chủ động thì có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm không? Bởi nếu như quy định dự thảo Luật thì trường hợp này không thuộc điều bị nghiêm cấm.

Để giá đất sát với giá thị trường

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) ghi nhận dự thảo Luật đã có nhiều thay đổi nhằm khắc phục những hạn chế vướng mắc trong thực tiễn, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển.

Quan tâm đến vấn đề chính sách, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tại Chương 11 về tài chính đất đai, giá đất dù đây là vấn để khó, phức tạp để có thể xác định giá đất sát với giá thị trường. Đại biểu cơ bản đồng tình với các nguyên tắc xác định trong luật song vẫn còn có những băn khoăn.

Đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ: Nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 3 thì khó có thể chính xác đảm bảo nguyên tắc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường có sự chênh lệch bằng hoặc là thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành.

Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định giá đất quy định tại khoản 4 Điều 150. Đây cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.

Đối thoại - ĐBQH: Quy định rõ phương pháp xác định giá đất (Hình 2).

ĐBQH Tạ Thị Yên góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ thống nhất với quy định của dự thảo Luật và đề nghị làm rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước như một phương thức hỗ trợ người dân sau khi di dời, tái định cư có việc làm thu nhập, điều kiện sống tốt hơn trước.

Về đất sử dụng vào mục đích kinh doanh thương mại được hình thành từ việc lấn biển, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết thực tế hiện nay đã có một số địa phương cho phép doanh nghiệp lấn biển làm các công trình cảng, kho chứa, hình thành các khu đô thị du lịch và dự báo xu thế này có thể gia tăng trong thời gian tới do lợi ích của việc lấn biển mang lại. Do đó đại biểu cho rằng nên hình thành quy định chặt chẽ về vấn đề này.

Đại biểu cũng lưu ý trong nguyên tắc áp dụng pháp luật để có thể vận hành thông suốt trong thực tiễn, cần chú ý tới tính thống nhất đồng bộ khả thi của Luật Đất đai, sửa đổi với hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, pháp luật về xây dựng, quy hoạch, đấu thầu, kết cấu hạ tầng quản lý công sản.

Xem thêm: 

Nghiên cứu chế độ quản lý đất công đặc thù tại Luật Đất đai (sửa đổi)