Đây là nhận định của ĐBQH Trần Văn Tuấn (đoàn TP. HCM) khi trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật bên hành lang Quốc hội chiều 27/7.
Ông Tuấn cho hay, thời gian gần đây, lợi dụng tình trạng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, trên mạng xã hội nói riêng và mạng internet nói chung xuất hiện những hình ảnh, clip phản ánh việc các F0 chết hàng loạt, F0 nặng không được trợ giúp y tế… rồi thông tin rằng tình trạng này xảy ra tại TP. HCM.
Tuy nhiên khi lực lượng chức năng xác minh thì được biết, những hình ảnh, clip đó xảy ra ở nước ngoài. “Những thông tin bịa đặt, giả mạo đang gây ảnh hưởng đến nỗ lực và kết quả chống dịch của cả nước nói chung, TP. HCM nói riêng. Cơ quan quản lý đã đưa những vụ việc này lên báo chí để minh bạch thông tin cho người dân được biết. Những người tuyên truyền sai sự thật sẽ bị xử lý đích đáng”, vị ĐBQH là Phó Giám đốc sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM khẳng định.
Vẫn bên hành lang Quốc hội chiều 27/7, ĐBQH Tô Văn Tám (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho hay, tin giả tin xấu vẫn tồn tại bao lâu nay và xuất hiện nhiều hơn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc sống khó khăn, tâm lý người dân lo sợ.
“Hai vấn đề cần xử lý ở đây là: Nâng cao tuyên truyền cho người dân để họ không tin những tin tức bịa đặt xuyên tạc và sử dụng công cụ pháp lý để xử lý triệt để. Thời gian vừa qua tôi thấy việc xử lý tin xuyên tạc, giả mạo về dịch bệnh cũng đã mạnh mẽ, kịp thời rồi”, ông Tám nói.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho rằng: “Gần đây đại diện WHO tại Việt Nam nói rằng sẽ đồng hành cùng nước ta chống dịch. Một trong những lời khuyên mà đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra đó là phải làm tốt công tác truyền thông, bao gồm:
Truyền thông kịp thời các chủ trương, chính sách của Việt Nam đặc biệt truyền thông cụ thể các giải pháp để phát huy tác dụng, sớm đi vào cuộc sống; thêm nữa, truyền thông làm sao để người dân thấy được bản chất của Covid-19 và thấy được diễn tiến của nó để chủ động phòng tránh”.
Theo đại biểu Hồi, mạng xã hội tại Việt Nam đã luôn phát huy tác dụng thông tin nhanh đến với người dùng, nhưng thông tin nhanh, không kiểm chứng trên mạng cũng có hai mặt, kiểm soát được thì thành công, còn không kiểm soát được sẽ trở thành thách thức.
“Vì thế, tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm soát mạng xã hội, chúng ta cũng đã có những quy chế để xử phạt thông tin giả, hình phạt nghiêm lúc này là điều quan trọng”, ông Hồi nhấn mạnh.
Tính đến sáng ngày 27/7, Việt Nam có tổng 109.111 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 106.908 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 105.338 ca, trong đó có 18.570 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tính đến 18h ngày 26/7, sau hai ngày kể từ khi Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh - có thư ngỏ kêu gọi lực lượng y tế cả nước hỗ trợ TP. HCM chống dịch, đã có hơn 2.000 lượt người đăng ký, trong đó tình nguyện viên ngụ tại TP.HCM gần 1.900 người; các tỉnh khác hơn 200 người. TP. Hồ Chí Minh chuyển chiến lược sang điều trị, tổ chức khoa học để điều phối hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho công tác điều trị, giảm tỉ lệ tử vong.
Hoàng Yến - Hoàng Bích/ Người Đưa Tin Pháp Luật