"Đế chế" Kinh Bắc của đại gia Đặng Thành Tâm: Nợ tăng vọt, vay lại tiền từ công ty con mới thành lập

Ông Đặng Thành Tâm tuyên bố tại ĐHĐCĐ: "Ai bỏ Kinh Bắc sau này sẽ ân hận". Thế nhưng, nợ của doanh nghiệp này tăng vọt, hàng loạt dự án thế chấp vay ngân hàng.

Tìm lại vị thế một thời "ông trùm" khu công nghiệp

Ông Đặng Thành Tâm (SN 1964), sinh ra tại quê mẹ ở Hải Phòng và lớn lên tại TP.HCM. Sau đó, ông quay trở quê mẹ theo học và tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư Hàng hải và học thêm về quản trị kinh doanh.

Tên tuổi ông cũng gắn liền với người chị gái nổi tiếng - cựu đại biểu Quốc hội, doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Ông Tâm chính là người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc; MCK: KBC) từ khi thành lập năm 2002. Do đó, hai chị em ông được coi là “trùm” khu công nghiệp một thời. 

Năm 2007, khi Kinh Bắc và Tân Tạo niêm yết trên sàn chứng khoán, ông được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam. Ba năm liên tiếp sau đó, ông Tâm đứng ở vị trí thứ ba. 

dang-thanh-tam-1622865670.jpg

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc.

Ở thời điểm đỉnh cao đó, ông Đặng Thành Tâm đã mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, viễn thông, năng lượng, khoáng sản... Bản thân ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 13. 

Tuy nhiên từ sau năm 2012, tình hình kinh doanh của ông Tâm cũng bắt đầu lao dốc. Nhất là sau động thái rút lui khỏi hai nhà băng Navibank và Western Bank - là những kênh dẫn vốn quan trọng cho "hệ sinh thái" doanh nghiệp của ông Tâm. Năm 2013, ông Tâm cùng các doanh nghiệp của mình chìm trong khối nợ khổng lồ.

Tới nay, dù không được như thời hoàng kim, song ông Đặng Thành Tâm về cơ bản đã ổn định được tình hình kinh doanh tại các doanh nghiệp chủ chốt như Kinh Bắc và CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel; MCK: SGT). Hiện, ông trực tiếp điều hành tại hai doanh nghiệp này.   

Ngoài ra, ông Tâm còn là cổ đông lớn của Tân Tạo khi sở hữu hơn 29 triệu cổ phiếu tương ứng tỉ lệ 3,1%.

Điểm mặt các dự án của Kinh Bắc

Ông Đặng Thành Tâm dồn hết tâm tư tập trung vào doanh nghiệp do mình sáng lập. Đến nay, Kinh Bắc trở thành một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và hiện có 11 công ty con với lĩnh vực kinh doanh chính: Đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Tính đến 31/12/2020, quỹ đất khu công nghiệp (KCN) của KBC đã tạo lập là 4.713ha, chiếm gần 5% tổng số diện tích đất KCN của cả nước. 

Đến nay, KBC đã có 4 KCN đầu tiên kể từ khi thành lập công ty năm 2002 có tổng diện tích là 1.013ha đã được lấp đầy 100% vào năm 2019, thu hút hơn 250 nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc… 

du-an-kinh-bac-1622865699.jpg

Các dự án của Kinh Bắc trải dài từ Bắc vào Nam.

Cụ thể, tại Bắc Ninh: Hai KCN Quế Võ có tổng diện tích 611ha, với 70 căn nhà xưởng xây sẵn có diện tích tiêu chuẩn là 5.160 m2/căn. Trong đó KCN Quế võ hiện hữu có diện tích 300ha đi vào hoạt động từ năm 2003, KCN Quế Võ mở rộng có diện tích 311 ha đi vào hoạt động từ năm 2006. 

Tại Hải Phòng: KCN Tràng Duệ 1 có diện tích 187,8 ha, với 17 căn nhà xưởng xây sẵn có diện tích trung bình là 5.200 m2/căn đi vào hoạt động từ năm 2008; KCN Tràng Duệ 2 có diện tích 214,2 ha, không có nhà xưởng xây sẵn.

Các dự án khác KBC đang tập trung triển khai đầu tư hạ tầng gồm: KĐT Tràng Cát; KCN Nam sơn Hạp Lĩnh; KCN Quang Châu; KĐT Tràng Duệ; KCN Tân Phú Trung; KĐT Phúc Ninh.

Ngoài ra, Kinh Bắc còn có dự án Khu Ngoại Giao Đoàn - Hà Nội với tổng diện tích 20.000 m2, nằm trên đường Phạm Văn Đồng Hà Nội, ngay sát cạnh Công viên Hòa Bình. Năm 2017, công ty đã lập công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư NGD để quản lý phát triển dự án. Dự án đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để hợp tác phát triển. 

Trong năm nay, KBC đang lập các dự án mới ở Hưng Yên, Hải Dương, Long An, Vũng Tàu với tổng diện tích dự kiến tăng lên đáng kể từ năm 2021 và các năm tiếp theo.

Ngoài quỹ đất KCN, Kinh Bắc còn đang sở hữu quỹ đất khu đô thị (KĐT) từ Bắc vào Nam là 917,9ha. Phát triển KĐT từ quỹ đất sẵn có, mô hình KCN gắn liền phát triển KĐT là định hướng xuyên suốt của KBC từ khi khởi đầu phát triển KCN. 

Tuy nhiên, đến năm 2017, KBC mới đưa sản phẩm KĐT vào kinh doanh để đáp ứng nhu cầu nhà ở, nhà cho thuê, nhu cầu đầu tư BĐS thương mại ở TP. Bắc Ninh. 

Năm 2019 KBC đã đưa sản phẩm KĐT Tràng Duệ Hải Phòng vào kinh doanh, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài, các nhà đầu tư, người dân ở Hải Phòng.

Kinh Bắc đang kinh doanh ra sao?

Mới đây, Kinh Bắc công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, từ 556 tỷ đồng lên 2.002 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản là 1.904 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ và chiếm tới 95% số tổng. Nguồn thu còn lại đến từ cho thuê kho, nhà xưởng, văn phòng (26 tỷ đồng) và cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ và xử lý nước thải (71 tỷ đồng).

Giá vốn hàng bán của Kinh Bắc tăng 182% lên 879 tỷ đồng, nhưng vì tăng chậm hơn doanh thu nên lãi gộp quý đầu năm tăng gấp gần 5 lần, lên 1.123 tỷ đồng. 

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng mạnh từ 17 tỷ đồng lên 42 tỷ đồng. Các loại chi phí cũng biến động đi lên: Chi phí tài chính tăng 46 tỷ đồng lên 94 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 94 tỷ đồng lên 107 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng.

kinh-bac-1622865776.jpg

Kinh Bắc báo lãi khủng trong quý I/2021.

Kết thúc quý đầu năm, Kinh Bắc báo lãi ròng 715 tỷ đồng, cao gấp 7,6 lần cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp. 

Lý giải về mức tăng trưởng “khủng” trên, lãnh đạo của Kinh Bắc cho hay, kết quả này nhờ doanh thu tăng từ hợp đồng cho thuế đất khu công nghiệp và đô thị.

Cùng với khoản lợi nhuận gia tăng, nợ phải trả cũng tăng vọt. Tính đến ngày 31/3, nợ phải trả của Đô thị Kinh Bắc là 13.911 tỷ đồng, tăng thêm gần 800 tỷ so với con số cuối năm 2020 và tăng gần gấp 2 lần so với quý 1/2020.

Trong đó, riêng khoản vay nợ tài chính là 6.045 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số đầu năm, chiếm 24% tổng nguồn vốn. Để vay được ngân hàng, KBC cũng phải mang hàng loạt dự án cầm cố, làm tài sản thế chấp như toàn bộ dự án Tràng Cát, Nhà xưởng nhà văn phòng gắn liền với đất tại khu công nghiệp Quế Võ và khu công nghiệp Quang Châu, hàng trăm ha tại các khu Công nghiệp Nam Sơn, Hạp Lĩnh, Khu đô thị Phúc Ninh…

Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của KBC tăng 6,3% so với đầu năm lên 25.279 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 11.201 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng tài sản, khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.643,2 tỷ đồng, chiếm 34,2% tổng tài sản, tăng 30,2% so với đầu năm.

Cụ thể, danh mục hàng tồn kho của Kinh Bắc tập trung chủ yếu tại dự án KCN và KĐT Tràng Cát (7.272 tỷ đồng), KCN Tân Phú Trung (1.005 tỷ đồng), KĐT Phúc Ninh (1.077 tỷ đồng), KCN Quang Châu (465 tỷ đồng), KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (671 tỷ đồng), KĐT Tràng Duệ (676 tỷ đồng), KCN Tràng Duệ (21 tỷ đồng). 

Trong khi đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp ở mức 912 tỷ đồng, tập trung tại 3 dự án là Viễn Đông Meridian Towers (729 tỷ đồng) và khu Ngoại giao đoàn Hà Nội (107 tỷ) và nhà xưởng KCN Quang Châu (61 tỷ đồng).

Điều đáng chú ý, hôm 11/5, KBC ban hành Nghị quyết HĐQT về giao dịch với bên liên quan là công ty con – CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên. 

Trong đó, ban lãnh đạo Kinh Bắc đã quyết định vay 1.080 tỷ đồng và là vay tín chấp không có tài sản bảo đảm từ công ty con – Phát triển Hưng Yên để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Số dư nợ cho vay có thể được giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể đến khi giải ngân hết. Thời hạn vay tối đa là 2 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết về việc vay vốn.

Ngoài ra, khoản vay này cũng có thể được tất toán trước hạn, đúng hạn hoặc gia hạn thời gian bằng văn bản. Lãi suất sẽ tùy theo thỏa thuận tại từng hợp đồng vay nhưng tiền lãi chỉ được thanh toán một lần khi tất toán các khoản vay.

Điều đặc biệt, khoản vay kể trên đúng bằng số vốn mà Kinh Bắc đã góp vào Công ty Phát triển Hưng Yên khi tiến hành thành lập doanh nghiệp này vào giữa tháng 2 vừa qua.

Năm 2021, Kinh Bắc đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 6.600 tỷ đồng, gấp 2,7 lần doanh thu thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng là 2.000 tỷ đồng, tăng 573%.

Kết thúc quý I, doanh nghiệp đã thực hiện được 30% kế hoạch doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật