Trong Dự thảo đề cương sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ. Phương án này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Chia sẻ với báo Lao Động, chị Lê Thị Phương Hoàn (thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) thể hiện sự không đồng tình: “Tôi thấy đề xuất trên không hợp lý. Không ai muốn rút BHXH một lần mà do hoàn cảnh khó khăn quá. Họ cần có một khoản để kinh doanh hay để chi tiêu tạm thời trước mắt trước khi đi kiếm kế mưu sinh khác. Đề xuất như vậy khác gì đẩy phần thua thiệt về phía những người vốn đang gặp khó khăn. Hơn nữa, số % giữ lại để làm gì thì chúng tôi không thể biết được”.
Chị Hoàn đã nghỉ làm công nhân tại một công ty từ năm 2020. Từ đó đến nay, chị đi bán hàng online để có thu nhập đảm bảo cuộc sống. “Tôi đã chốt sổ bảo hiểm từ khi nghỉ việc. Làm nghề tự do, hiện tôi chưa đóng tiếp theo hình thức bảo hiểm tự nguyện. Tôi dự định nếu hoàn cảnh quá khó khăn, kẹt tiền thì tôi sẽ rút BHXH một lần”, chị Hoàn cho biết. Vì tham gia BHXH mới được 3,5 năm, nên theo tính toán của chị Hoàn, số tiền BHXH một lần của chị nếu đi rút là không nhiều.
Tương tự, chị Nguyễn Thuỳ Dương (Bắc Giang) cũng bỏ làm công nhân như chị Hoàn. Sau gần 6 năm tham gia đóng BHXH bắt buộc, cách đây vài tháng, do sức khoẻ không đảm bảo, chị quyết định nghỉ việc, trở về quê. Sổ BHXH của chị đã được chốt.
Trước đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần, chị Dương cho rằng không hợp lý, gây thiệt thòi cho người lao động. Theo chị, dù 14% đóng BHXH hàng tháng là phần của doanh nghiệp, thì cũng có công sức làm việc của người lao động. Người lao động có máy móc, quản lý, nhưng nếu không có người lao động thì cũng không thể mang lại lợi nhuận. Vì vậy, có thể nói phần đóng của doanh nghiệp có sự đóng góp của chính những người lao động. Theo chị Dương, để giảm tình trạng rút BHXH một lần thì cần tìm giải pháp căn cơ hơn chứ không phải giải pháp đẩy phần khó về phía người lao động như vậy.
Trong khi đó, chị Trần Kim Đậm, công nhân một doanh nghiệp tại huyện Hóc Môn, Tp.HCM chia sẻ với báo Người Lao Động: "Phần của người sử dụng lao động đóng (14%) bản chất cũng là do người lao động đóng, nếu doanh nghiệp không đóng phần này thì sẽ chuyển thành tiền lương cho người lao động. Nếu đề xuất giữ lại 14% thì ban soạn thảo phải giải thích rõ lý do để người lao động an tâm".
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phân tích, khi chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, người lao động chỉ nên rút số phần trăm mình tham gia.
“14% chủ sử dụng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm xã hội. Đây là phần Nhà nước, doanh nghiệp đóng để lo tương lai của người lao động. Khi tuổi họ đã cao, không còn sức lao động sẽ có lương hưu để trang trải cuộc sống”, bà Hương nói.
Lương hưu là yếu tố cần thiết cho mỗi người khi về già, tránh sự phụ thuộc. Mức hưởng lương hưu căn cứ vào số năm đóng và mức đóng. Vì vậy, nếu người lao động rút BHXH một lần, sẽ mất đi số năm tham gia BHXH. Như vậy, nếu có đóng tiếp, mức hưởng lương hưu sau này của người lao động sẽ không cao.
Theo bà Hương, phần của doanh nghiệp đóng sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì được hưởng. Như vậy, đây thể hiện sự chia sẻ, vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp lo cho tương lai của người lao động. Không có quốc gia nào cho rút bảo hiểm xã hội một lần mà không có điều kiện.
“Doanh nghiệp tham gia đóng 14% vào quỹ bảo hiểm xã hội thể hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ rủi ro. Lúc còn trẻ, người lao động chưa đối mặt rủi ro như sức khoẻ suy giảm, không có thu nhập thì chưa thể chia sẻ”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Vì vậy, chúng ta làm chính sách phải linh hoạt, quan tâm đến nhu cầu của người lao động”.
Về đề xuất trên, Tổng Liên đoàn Lao Động (LĐLĐ) Việt Nam cũng từng góp ý bằng văn bản với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong đó, đại diện người lao động đồng tình cần có quy định để giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong những năm qua, tránh những áp lực về tài chính cho họ khi lớn tuổi.
Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân và người lao động. Cần cân nhắc để quy định lộ trình áp dụng thay đổi mức hưởng cho phù hợp, tránh gây "sốc" cho người lao động.