Đề xuất đầu tư 12 dự án nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam

Trong 12 dự án, Bộ GTVT đề xuất đầu tư 8 dự án bằng đầu tư công, còn lại 4 dự án triển khai bằng hình thức đối tác công tư (PPP).

Pháp luật TP.HCM thông tin, ngày 9/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) diễn ra vào đầu tháng 11.

Theo đó, sau khi nghe ý kiến các đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện đầu tư 654 km thuộc giai đoạn 1 (2017-2020), tuy nhiên trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dự kiến đến năm 2024 mới có thể hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần.

p9-mau-yvme-1636503102.jpg
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong các dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất một phương án lựa chọn hình thức đầu tư các dự án thành phần dự án trên cơ sở tính toán bảo đảm tính khả thi, thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư đường cao tốc…

Cùng ngày, Bộ GTVT cho biết vừa có văn bản gửi Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2. Trong đó, đề xuất đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần để nối thông tuyến cao tốc này.

Cụ thể, 4 dự án thành phần triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) là đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang. 8 dự án thành phần còn lại đầu tư công gồm đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Thông tin trên Giao thông cho biết thêm, sơ bộ tổng mức đầu tư của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 148.492 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 131.217 tỷ đồng vốn Nhà nước và 17.275 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Về phương án huy động vốn, nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 91.852 tỷ đồng (khoảng 70%), phần còn lại khoảng 38.365 tỷ đồng (khoảng 30%) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2021 - 2026.

“Ngoài phần vốn nhà nước đã được Quốc hội bố trí cho dự án khoảng 47.169 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 44.683 tỷ đồng, kiến nghị cân đối từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội”, tờ trình của Bộ GTVT nêu rõ.

Đối với 4 dự án thành phần triển khai bằng hình thức PPP, đề đảm bảo tính khả thi, Bộ GTVT kiến nghị ho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP từ 54 - 65% tổng mức đầu tư của dự án và kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong trường hợp triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP không thành công.

Đáng chú ý, phương án đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ có nhiều điểm khác biệt so với phương án được trình vào cuối tháng 9/2021. Bởi, theo phương án trước đây, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bằng hình thức đối tác công tư (PPP). Trong khi, phương án mới chỉ có 4 dự án đầu tư bằng PPP, còn lại 8 dự án thực hiện bằng đầu tư công.

Hơn nữa, trong phương án mới, Bộ GTVT đề xuất triển khai đầu tư xây dựng cả 12 dự án thành cao tốc Bắc - Nam ngay trong giai đoạn 2021 - 2025, còn phương án cũ sẽ xây dựng trước 9 dự án (Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau), còn 3 dự án (Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ) chỉ tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, cấu phần xây dựng chỉ thực hiện khi cân đối được nguồn vốn.

Hải Đăng (T/h)