Đề xuất mới về thời gian lái xe liên tục, cần lưu ý để không bị phạt

Quy định này làm rõ cách tính thời gian lái xe liên tục đối với xe buýt và xe taxi để phù hợp với quy định tại khoản 4, điều 11 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.

Liên quan đến quy định về dữ liệu giám sát hành trình, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian qua, có một số trường hợp khi phương tiện lưu thông tại các khu vực không thuận lợi, tín hiệu GPS bị nhiễu, chập chờn khiến việc xác định phương tiện đang di chuyển hay dừng lại gặp khó khăn ảnh hưởng tới việc tính toán thời gian lái xe liên tục và thời gian lái xe trong ngày của lái xe.

Bên cạnh đó, để tra cứu loại thiết bị giám sát hành trình được gắn theo mỗi phương tiện cần liên hệ trực tiếp với đơn vị vận tải để được cung cấp thông tin. Cách làm này mất một khoảng thời gian và công sức mà thông tin chưa chính xác hoàn toàn.

Tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất quy định dữ liệu giám sát hành trình phải được cập nhật liên tục các thông tin bao gồm: số giấy phép lái xe; tốc độ, thời gian, tọa độ của phương tiện.

Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được truyền từ máy chủ đơn vị kinh doanh vận tải/máy chủ dịch vụ về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam phải đảm bảo theo trình tự thời gian. Trường hợp dữ liệu truyền bị gián đoạn do mạng viễn thông, sự cố đường truyền hoặc sự cố hệ thống máy chủ truyền/nhận thì cho phép gửi đồng thời cả dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường trong thời gian không quá 03 ngày kể từ ngày cuối cùng máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam nhận dữ liệu; đối với các trường hợp quá 03 ngày, đơn vị truyền dữ liệu phải thông báo bằng văn bản đến Cục Đường bộ Việt Nam để bố trí kênh truyền lại dữ liệu.

Ngoài ra, tại dự thảo mới, Bộ GTVT đề xuất quy định rõ các phương pháp tính toán số km xe chạy, tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày. Việc truyền dữ liệu được tính toán, xác định theo một phương pháp thống nhất trên máy chủ đơn vị kinh doanh vận tải/máy chủ dịch vụ và máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo Bộ GTVT, kết quả về quãng đường xe chạy và số lần vi phạm trên 1.000km xe chạy có thể khác nhau trên các hệ thống. Điều này dễ gây nhầm lẫn và khiến đơn vị kinh doanh vận tải có nhiều băn khoăn và thắc mắc. Do đó, Bộ GTVT đề xuất tính toán về km xe chạy sẽ được thực hiện trên nền bản đồ số.

Dự thảo Thông tư cũng bổ sung cách tính toán thời gian lái xe. Quy định này để làm rõ cách tính thời gian lái xe liên tục đối với xe buýt và xe taxi để phù hợp với quy định tại khoản 4, điều 11 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2023.

Cụ thể, thời gian lái xe của một người lái xe được xác định kể từ khi người lái xe bắt đầu điều khiển phương tiện (xe bắt đầu chạy) đến khi xe dừng, đỗ trên 5 phút (áp dụng đối với xe buýt nội tỉnh và xe taxi), trên 15 phút (áp dụng đối với các loại xe còn lại) hoặc khi thay đổi lái xe.

Quá thời gian lái xe liên tục được xác định khi người lái xe điều khiển phương tiện liên tục từ 04 giờ trở lên nhưng không dừng, đỗ xe tối thiểu 5 phút (áp dụng đối với xe buýt nội tỉnh và xe taxi), tối thiểu 15 phút (áp dụng đối với các loại xe còn lại).

Tại dự thảo, Bộ GTVT cũng làm rõ cách tính về ngày làm việc của lái xe.

Bộ GTVT cho biết, với đặc thù nghề nghiệp, việc điều khiển phương tiện được thực hiện ở tất cả các ngày, tất cả các khung giờ và trên mọi tuyến đường, không kể ngày đêm, cuối tuần hay ngày nghỉ lễ.

Với quy định hiện tại: "ngày làm việc của người lái xe được tính từ khi lái xe bắt đầu điều khiển phương tiện (xe bắt đầu chạy) đến khi đủ 24 giờ hoặc đến khi lái xe nghỉ (không điều khiển phương tiện) đủ 14 giờ trở lên" gây khó khăn cho việc xác định thời điểm bắt đầu điều khiển phương tiện, cũng như khó khăn cho việc xác định thời điểm bắt đầu ngày làm việc của lái xe.

Do đó, tại dự thảo Bộ GTVT đề xuất ngày làm việc của người lái xe được tính từ 0h đến 24h. Thời gian làm việc của lái xe trong ngày được xác định vượt quá quy định khi tổng thời gian lái xe vượt quá 10 giờ.

Đánh giá tác động của đề xuất này, theo Bộ GTVT, quy định này không làm phát sinh chi phí, thủ tục hành chính giúp tính toán chặt chẽ thời gian làm việc của lái xe, đảm bảo tài xế đủ sức khỏe điều khiển phương tiện, từ đó đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao thông và tham gia hoạt động vận tải đường bộ.

Đồng thời, cũng tạo sự rõ ràng, minh bạch trong giải quyết tranh chấp, tranh cãi trong quá trình giải quyết quyền và lợi ích các bên khi xảy ra tai nạn giao thông.

Xử phạt vi phạm đối với hành vi lái xe quá số giờ quy định

Căn cứ tại điểm d, khoản 6 và điểm a, khoản 8, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), quy định người tài xế điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định (quá 10 giờ/ngày và lái xe liên tục quá 4 giờ) sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước bằng lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Căn cứ điểm d, khoản 8, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định trong trường hợp công ty là chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng vì là tổ chức.

Tuệ Minh