Đề xuất nhiều quy định mới về xử phạt giao thông từ thiết bị cá nhân

Lực lượng chức năng có trách nhiệm hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện cung cấp dữ liệu và thực hiện việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu từ các nguồn quy định.
xu-phat-giao-thong-1630198551.jpg
 

Mới đây, bộ Công an đã hoàn thành hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.

Về phạm vi điều chỉnh, hiện nay Nghị định 165/2013/NĐ-CP mới chỉ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Còn thiếu quy định trong 3 lĩnh vực mới được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020. 3 lĩnh vực mới đó là phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống ma túy, phòng và chống tác hại của rượu, bia. Do vậy, dự thảo đã bổ sung thêm các lĩnh vực này vào phạm vi điều chỉnh.

Tương ứng với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo cũng bổ sung danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong các lĩnh vực mới được bổ sung.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là các máy móc, thiết bị có công năng ghi âm, ghi hình, đo lường, phân tích, lưu trữ, trích xuất thông tin, dữ liệu, được trực tiếp sử dụng trong thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính của cơ quan, đơn vị.

Phương tiện, thiết bị kỹ thuật là các máy móc, thiết bị có công năng ghi hình, đo lường, phân tích, lưu trữ thông tin, dữ liệu do cá nhân, tổ chức tự mua sắm, trang bị. Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật (sau đây viết chung là dữ liệu) là bản ảnh, hình ảnh, chỉ số đo, thông tin, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

Vì vậy, Điều 10 dự thảo Nghị định quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm…

Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi có quyết định, kế hoạch phê duyệt của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 10.

Một nội dung đáng chú ý khác trong dự thảo là xây dựng một chương mới để quy định “quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp” theo quy định tại Khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp quy định dữ liệu được cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt thông qua một trong các hình thức sau:

- Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để cung cấp.

- Thông qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng.

- Thông qua dịch vụ bưu chính.

- Thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền cung cấp dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền và được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp.

Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp sẽ được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm hành chính nếu đáp ứng được yêu cầu: Phản ánh khách quan, đầy đủ, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức; còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Căn cứ dữ liệu tiếp nhận, thu thập được, người có thẩm quyền theo quy định phải nhanh chóng tiến hành xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, kết luận vụ việc.

Trường hợp phát hiện có vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trường hợp khi xác minh, xem xét vụ việc, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp có dấu hiệu làm giả, thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.

Kim Thành - Người Đưa Tin Pháp Luật