Ưu tiên chống dịch, đảm bảo an toàn
Theo trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (bộ Công Thương), dịch Covid-19 đã khiến cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam chậm lại trong năm 2020, nhưng đã phục hồi nhanh từ những tháng cuối năm 2020 và bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021.
Số liệu thống kê sơ bộ cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 21% so với 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 4,25% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Song, con số kể trên là mức tăng trưởng khả quan của ngành dệt may trong nước khi tình hình dịch được kiểm soát ổn định. Ở thời điểm này, khi dịch đang diễn biến phức tạp, nhất là khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sản xuất ngành dệt may hoạt động phải cầm chừng, nhiều đơn vị phải dừng sản xuất.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc tổng công ty May 10 - nhìn nhận, việc áp dụng các biện pháp chặt chẽ nhằm hạn chế di chuyển của con người là cần thiết để chặn đường lây lan của dịch bệnh.
“Tại May 10 thì việc phòng chống dịch bệnh là ưu tiên số 1, đồng thời đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người lao động, những trường hợp liên quan đến F0, F1 thì công ty sẽ cho ở nhà tự cách ly. Thời điểm này, chúng tôi lên phương án sản xuất tính theo ngày chứ không phải tính theo tuần, theo tháng như trước kia nữa”, ông Việt nói.
Theo vị CEO của May 10, việc áp dụng phương thức “3 tại chỗ” - nghĩa là sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ - đối với ngành dệt may là khó khả khi. Bởi ngoài chi phí chống dịch rất cao, thì lực lượng lao động của ngành dệt may đông, khó có thể đáp ứng đầy đủ an toàn.
“Thay vào đó, chúng tôi lựa chọn phương án “1 cung đường - 2 địa điểm”. Tức là công ty không đón xe tập trung cho người lao động, mà yêu cầu người lao động cam kết việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân và quá trình di chuyển từ nhà đến công ty, hay từ công ty về nhà thì không "tạt ngang tạt dọc". Tại nơi cư trú không được tiếp xúc giao lưu khi không thực sự cần thiết, nâng mức cao nhất về việc ngăn ngừa nguồn lây nhiễm”, ông Việt cho hay.
Theo đánh giá của ông Việt, điều quan trọng nhất của ngành may là các đơn hàng xuất khẩu, cùng với đó là thị trường cung ứng sản phẩm.
Nếu thời gian giãn cách xã hội ngắn thì sẽ không ảnh hưởng, tuy nhiên việc kéo dài như thời điểm này, nhất là khi các doanh nghiệp dệt may phía Nam đang dừng hoạt động thì đơn hàng dệt may không thể giao hàng đúng tiến độ cho khách.
Việc chậm trễ thời gian giao hàng sẽ dẫn đến việc đối tác cắt đứt đơn hàng, chuyển đến những nơi đáp ứng đủ an toàn hơn, đảm bảo tiến độ. Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải đối diện với việc mất đơn hàng trong những tháng tiếp theo nếu dịch còn diễn biến phức tạp.
Áp lực giao hàng khi chuỗi cung ứng đang đứt gãy
Một thực tế đang cho thấy, hiện có trên 80% doanh nghiệp dệt may giảm năng suất hoặc phải dừng để phòng dịch, hoạt động sản xuất bị đứt gãy.
Ở một kịch bản lạc quan nhất, là hết tháng 8, nếu dịch được kiểm soát hoàn toàn tại các tỉnh thành, thì xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may chỉ có thể trở lại bình thường. Và với mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 39 tỷ USD được đưa ra hồi đầu năm nay, với kịch bản lạc quan nói trên thì con số có thể sẽ giảm nhẹ, đạt khoảng 33 tỷ USD.
Trong công văn mới đây gửi các địa phương, bộ Công Thương khẳng định “việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn”.
Theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thách thức lớn nhất của doanh nghiệp dệt may lúc này là áp lực giao hàng trong khi chuỗi cung ứng đang đứt gãy. Đơn hàng không được đáp ứng sẽ ảnh hưởng và kéo dài sang cả năm sau.
Nói về việc vận chuyển nguyên vật liệu của các đơn hàng ra khu vực phía Bắc để hỗ trợ, ông Giang nói điều này không quá khả quan, ảnh hưởng đến chi phí vận tải và thời gian giao hàng.
Ngoài nguồn cung ứng, vị Chủ tịch Vitas còn lo lắng về tình trạng thiếu hụt nguồn lao động rất nghiêm trọng trong thời gian tới.
“Có lao động đã nhiễm virus, lao động rời thành phố về địa phương tránh dịch. Khả năng họ quay lại sau khi thành phố đẩy lùi được dịch bệnh chỉ đạt 65%”, ông đánh giá.
Là 1 trong 4 hiệp hội cùng gửi công văn tới Thủ tướng, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc-xin để tiêm cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu, Chủ tịch Vitas nhấn mạnh “đây là vấn đề cấp bách và đặc biệt cần thiết, do tỷ lệ được tiêm vắc-xin của ngành dệt may hiện nay còn rất thấp”.
Theo số liệu mà Vitas cập nhật, tại TP.HCM, hàng loạt doanh nghiệp dệt may đã tiêm vắc-xin cho công nhân. Tuy nhiên, 18 tỉnh khác tỷ lệ tiêm vẫn còn rất thấp, trong khi các doanh nghiệp trọng tâm ngành may chủ yếu ở miền Tây và Đông Nam Bộ.
“Điều cấp bách hiện nay là Chính phủ cần đánh giá thực trạng ngành may để có chính sách phân bổ vắc-xin về các tỉnh”, ông Giang nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, muốn phát triển kinh tế thì cần phải kiểm soát được dịch bệnh. Một trong những ứng phó khẩn cấp nhất hiện nay đối với Việt Nam là vắc-xin phòng Covid-19. Bao gồm bố trí nguồn vốn, giải ngân nhanh mua vắc-xin và tổ chức tiêm cho người dân.
Để đạt được tốc độ tiêm chủng diện rộng, vấn đề này liên quan đến cả nguồn cung vắc-xin và việc triển khai tiêm vắc-xin đã có.
Nguyễn Thu Huyền - Người Đưa Tin Pháp Luật