Bệnh nhân L.T.D (68 tuổi, Hà Nội) vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai với lý do đau bụng. Trước ngày vào viện khoảng 3 tháng, bệnh nhân xuất hiện cơn đau bụng vùng hố chậu trái, thỉnh thoảng rối loạn tiêu hóa (lúc lỏng, lúc táo), mệt mỏi, ăn kém, gầy sút 5 kg trong 3 tháng.
Trước đây ông D. là người khỏe mạnh (cao 165cm, nặng 50kg), cũng không bị dị ứng, không hút thuốc lá và gia đình không ai bị ung thư. Tuy nhiên khi nội soi đại trực tràng, các bác sĩ phát hiện khối u sùi loét vùng đại tràng sigma gây hẹp lòng đại tràng.
Sinh thiết tổn thương làm mô bệnh học, bệnh nhân nhận kết quả ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy hình ảnh khối nhu mô gan hạ phân thùy V gan phải, kích thước 25x36 mm. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại tràng sigma di căn phổi, gan (giai đoạn IV).
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật triệt căn (phẫu thuật cắt đoạn đại tràng Sigma và nhân di căn gan), sau đó điều trị bổ trợ sau phẫu thuật. Tuy nhiên gia đình và ông D. không đồng ý phẫu thuật. Vì vậy các bác sĩ đã lựa chọn phương án liệu pháp toàn thân kết hợp với đốt sóng cao tần nhân di căn gan. Kết quả, bệnh đáp ứng với phương pháp điều trị, các triệu chứng lâm sàng được cải thiện tốt. Phác đồ đã giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Theo các chuyên gia tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư đại trực tràng gồm chế độ ăn ít rau, nhiều chất béo, mắc các bệnh lý đại - trực tràng (viêm loét mạn tính, polyp, bệnh Crohn, bệnh đa polyp đại trực tràng...).
Trong các loại ung thư đường tiêu hóa, ung thư đại trực tràng là loại ung thư có liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng như các yếu tố di truyền.
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, nếu được chẩn đoán sớm tiên lượng tốt, có thể khỏi bệnh hoàn toàn, do vậy việc sàng lọc, chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng.
Chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng. Khi bệnh ở giai đoạn sớm, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Các phương pháp hóa trị, điều trị đích trong bệnh ung thư đại trực tràng thường được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, đã có di căn xa.
Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, mới đây tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn có đột biến gen EGFR dương tính được điều trị thành công với phương pháp điều trị nhắm trúng đích.
Bệnh nhân là Đ.V.T. (56 tuổi), tiền sử khỏe mạnh. Trước khi vào viện 2 tuần, ông T. ăn uống kém, sụt 2 kg, đau tức ngực phải, khó thở khi gắng sức, có ho khan. Nam bệnh nhân đi khám, chụp phim X-quang ngực có hình ảnh tràn dịch màng phổi phải, được nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai.
Các bác sĩ đã tiến hành chọc hút dịch màng phổi xét nghiệm Cellblock (kỹ thuật khối tế bào). Kết quả cho thấy ông bị ung thư biểu mô tuyến phổi phải di căn hạch, màng phổi, xương đa ổ giai đoạn IV, đột biến gen EGFR trên exon 19.
Sau khi điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai 3 tháng, bệnh nhân ổn định, hết đau ngực, không khó thở, không xuất hiện các tác dụng phụ ảnh hưởng điều trị.
GS.TS Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cho biết, ung thư phổi là một trong những ung thư phổ biến nhất về tỉ lệ mắc, đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư hiện nay ở Việt Nam, cũng như trên phạm vi toàn thế giới.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư phổi cần đề phòng
Ung thư thường được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng. Các triệu chứng của bệnh này chỉ xuất hiện khi tiến trình của bệnh đã đến giai đoạn muộn. Do đó các bác sĩ, chuyên gia y tế luôn khuyên mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau:
Ho nhiều ngày: Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.
Thường xuyên khó thở: Cũng là một triệu chứng hay gặp trong ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở. Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.
Đau tức ngực: Hay gặp khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u, người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai. Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.
Hạch mọc ở cổ: Khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.
Sụt cân: Trong các trường hợp sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra.
Khàn tiếng: Thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.
Các triệu chứng thường gặp: Đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mi măt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.
Theo các bác sỹ, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân ung thư phổi có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 40 đến 50%. Do đó, hàng năm, người dân cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín.