Điện ảnh Việt 2020: Có phim trăm tỷ, nhưng thiếu sự đột phá

Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trải qua một năm khó khăn bởi dịch Covid-19. 'Ròm' hay 'Tiệc trăng máu' là những điểm sáng hiếm hoi có thể kể tới.

Điện ảnh Việt Nam có một năm đặc biệt khó khăn trong khoảng một thập kỷ qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các rạp chiếu buộc phải đóng cửa suốt hơn một tháng. Khi mở lại, việc tuân thủ quy định giãn cách khiến lượt người xem trên mỗi suất chiếu bị hạn chế. Đồng thời, khán giả cũng mang tâm lý lo ngại tới nơi công cộng.

Thời điểm này, Hollywood chưa thể hồi phục khi các bom tấn lần lượt bị gỡ khỏi lịch phát hành. Phòng vé nước nhà gần như chỉ còn dựa vào những bộ phim kinh phí thấp của nước ngoài và các tác phẩm của điện ảnh nước nhà.

Song, các nhà làm phim Việt dường như chưa thể tận dụng thời cơ để lấy lại niềm tin của khán giả khi mặt bằng chung chất lượng vẫn còn ở mức thấp.

Dám thử sức với những đề tài mới lạ

Tuy giảm sút về mặt số lượng, điện ảnh Việt 2020 đã mạnh dạn khai thác những đề tài mới lạ hơn so với những năm trước. 30 chưa phải Tết lấy câu chuyện vòng lặp thời gian còn tương đối mới mẻ đối với khán giả nước nhà. Sắc đẹp dối trá nói về người chuyển giới đi thi hoa hậu.

Ròm xoay quanh nạn lô đề tại một khu chung cư nghèo chờ giải tỏa với những mảnh đời lao động nghèo khó mơ ước đổi đời qua những con số may mắn. Bí mật của gió là câu chuyện “tình người duyên ma” giữa bối cảnh Đà Lạt thơ mộng, còn Trái tim quái vật là tác phẩm giật gân pha lẫn trinh thám về một vụ án mạng bí ẩn. Hay Hoa phong nguyệt vũ là bước thử nghiệm táo bạo của đạo diễn Phạm Thanh Hải khi kể chuyện qua góc nhìn méo mỏ của một con nghiện.

Điện ảnh Việt tiếp tục nỗ lực khai thác đề tài mới lạ trong năm qua.

Song, bên cạnh những ý tưởng mới đáng khích lệ, một số phim Việt lại “xào nấu” nội dung từ tác phẩm ngoại. Gái già lắm chiêu 3 khiến nhiều người liên tưởng đến Crazy Rich Asians (2018) ngay từ trailer đầu tiên. Không chỉ ý tưởng xung đột nàng dâu tri thức, hiện đại với mẹ chồng danh gia vọng tộc, cổ hủ, mà cả cách triển khai câu chuyện, tình tiết cũng mang nét tương đồng.

Đôi mắt âm dương thì mang nội dung giống với Shutter (2004) của Thái Lan. Chuyện phim cũng xoay quanh việc một hồn ma nữ đi theo ám để giành lại nhân tình đã có vợ. Đặc biệt, kết phim giống với bản gốc khiến mọi chuyện trở nên dễ đoán.

Ngoài ra, năm 2020 còn đánh dấu sự trở lại của dòng phim remake sau quãng thời gian chững lại. Có hai phim làm lại từ tác phẩm ngoại trong năm nay là Bằng chứng vô hình từ Blind (2011) và Tiệc trăng máu từ Perfect Strangers (2016). Con số này lẽ ra đã cao hơn nếu như một số phim như Song song (làm lại từ Mirage) không dời lịch công chiếu.

Chất lượng chưa có nhiều tiến bộ

Trong buổi họp báo “giải cứu phòng vé” hồi mùa thu, ông Tạ Quang Đông - Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho rằng đây chính là “thời điểm vàng” để phim Việt trở lại mạnh mẽ. Song, điện ảnh nước nhà dường như chưa thể tận dụng tốt cơ hội do chất lượng không có sự cải thiện.

Kịch bản vẫn là điểm yếu mà các nhà làm phim Việt chưa thể khắc phục. Bí mật đảo Linh XàTiền nhiều để làm gì? là hai thảm họa mùa Tết 2020 với nội dung phi lý, nhạt nhòa và những màn tấu hài kém duyên, dù sở hữu dàn sao Hong Kong hay những cái tên gạo cội của phim Việt.

Kịch bản tiếp tục là điểm yếu khiến nhiều bộ phim Việt mất điểm, thậm chí có thể bị gọi là thảm họa.

Yếu tố vòng lặp thời gian từng được Hollywood khai thác nhiều lần chỉ được thể hiện một cách rời rạc trong 30 chưa phải Tết. Khái niệm khó hiểu với khán giả đại chúng chưa được ê-kíp giải thích rõ ràng, trong khi yếu tố hài hước và cảm xúc đồng thời đều chơi vơi.

Có kịch bản gốc từ Blind, nhưng đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh lại tỏ ra non tay với thể loại giật gân. Những cải biên của anh chưa thể khắc phục được điểm yếu của nguyên tác, mà thậm chí còn tạo ra thêm lỗ hổng mới. Mọi thứ cứ thế diễn ra một cách sơ sài và thiếu kịch tính.

Chồng người ta khai thác cái nhìn thú vị về người đồng tính và gánh nặng của họ trong cuộc sống. Song, thông điệp cuối cùng trở nên lơ lửng bởi kịch bản ôm đồm và cái kết phi lý. Bộ phim hành động Đỉnh mù sương được trông đợi nhờ sự góp mặt của Peter Phạm, Simon Kook, Trương Đình Hoàng cũng gây thất vọng bởi nội dung dài dòng, nhạt nhẽo.

Phần mở đầu hứa hẹn của Trái tim quái vật rốt cuộc bị yếu tố tình cảm làm lu mờ mất mảng trinh thám. Phim cũng đầy lỗ hổng và thiếu hẳn sự kịch tính cần thiết của thể loại giật gân. Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tửNgười cần quên phải nhớ là những hướng tiếp cận mới trên đề tài cũ. Song, cả hai vẫn vấp phải điểm yếu ở khâu kịch bản.

Ý tưởng người kể chuyện không đáng tin (unreliable narrator) đáng khen của Hoa phong nguyệt vũ không làm nên chuyện bởi kịch bản gốc lỏng lẻo, thiếu sức nặng và sự liên kết. Ngoài những tác phẩm trên, điện ảnh Việt 2020 còn chứng kiến một số bộ phim kém chất lượng khác như Tôi là não cá vàng, Thang máy

Không nhiều điểm sáng về mặt doanh thu

Năm 2019, tổng doanh thu phòng vé Việt Nam đạt hơn 1.250 tỷ đồng (theo CJ CGV Việt Nam). Nhưng năm nay, con số không đạt nổi một nửa thành tích cũ. Chỉ có 24 phim Việt ra mắt trong năm nay, so với con số 42 tác phẩm của năm 2019. Trước sức ép của Covid-19, nhiều tác phẩm buộc phải thay đổi kế hoạch phát hành.

Trên thực tế, điện ảnh Việt đã kém nhiệt ngay từ mùa Tết. 30 chưa phải Tết sớm hụt hơi và cuối cùng chỉ thu về 45 tỷ đồng. Con số này có lẽ còn thấp hơn nếu Trường Giang giữ đúng lời hứa “hoàn tiền vé nếu thấy phim dở”.

Tiệc trăng máu thắng lớn tại phòng vé. Bộ phim được làm lại từ Perfect Strangers của Italy và có nhiều nét giống với phiên bản Hàn Quốc Intimate Strangers.

Đôi mắt âm dương về nhì cũng chỉ dừng ở mức hơn 60 tỷ đồng. Gái già lắm chiêu 3 là bộ phim duy nhất vượt mốc 100 tỷ đồng khi thu về tổng cộng 165 tỷ đồng. Vào tháng 7, Bằng chứng vô hình từng được kỳ vọng là cú hích phòng vé sau thời kỳ giãn cách, nhưng cuối cùng chỉ đạt thành tích nhạt nhòa.

Tình trạng tương tự xảy ra với nhiều tác phẩm khác như Trái tim quái vật, Sài Gòn trong cơn mưa, Tôi là não cá vàng,… Nhìn vào những thành tích ấy, một số người cho rằng khán giả đang quay lưng với điện ảnh nước nhà. Điều đó dẫn đến một tình trạng trớ trêu là các nhà phát hành “sợ” rạp chiếu.

Trong suốt thời gian hậu giãn cách xã hội, không nhiều phim Việt dũng cảm ra rạp. Số còn lại thì im lặng chờ đợi một phát súng mở màn. Nếu như trước kia, các nhà làm phim nước nhà cho rằng mình bị tác phẩm ngoại chèn ép suất chiếu, thì giờ đây chính họ cũng không dám đưa “đứa con tinh thần” ra rạp khi thiếu đối thủ.

Con số hơn 60 tỷ đồng của Ròm là một tín hiệu vui đối với những nhà làm phim độc lập trong nước. Trong khi đó, Tiệc trăng máu của Nguyễn Quang Dũng với sự góp mặt của dàn diễn viên ngôi sao như Thái Hòa, Đức Thịnh, Thu Trang, Hồng Ánh… đã đứng đầu phòng vé nhiều tuần liên tiếp và mang về hơn 175 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng khán giả chỉ quay lưng với những bộ phim kém chất lượng, chứ chẳng hề tẩy chay điện ảnh nước nhà. Nhưng đằng sau số ít thành công phòng vé năm qua cũng là những câu chuyện khác nhau.

Ròm đạt doanh thu cao khi gây tò mò từ quá trình phát hành trắc trở và giải thưởng New Currents tại LHP Busan 2019. Chất lượng sau cùng của tác phẩm thực tế gây chia rẽ khán giả rất lớn. Trong khi đó, Tiệc trăng máu là tác phẩm remake có phần rập khuôn so với Intimate Strangers (2018) của Hàn Quốc.

Có thể thấy rằng 2020 là một năm đầy khó khăn của điện ảnh Việt với cả thách thức lẫn những cơ hội. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội - điều sẽ còn kéo dài sang năm 2021, khâu kịch bản vẫn là bài toán quan trọng nhất cần được giải quyết. Bằng không, remake sẽ tiếp tục là phương án an toàn được các nhà đầu tư lựa chọn.