Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn không ngủ? Điều đáng sợ nhất nhiều người chưa từng nghe tới

CTV
Có thể bạn từng trải qua cảm giác lờ đờ, mệt mỏi sau một đêm mất ngủ nhưng bạn có biết cơ thể và sức khỏe của mình sẽ ra sao nếu cứ thức mãi?

Năm 1965, Randy Gardner, một học sinh trung học 17 tuổi, đã thức suốt 264 giờ. Đó là thử nghiệm 11 ngày để xem nam sinh này có thể sống sót mà không cần ngủ. Vào ngày thứ 2, đôi mắt của cậu không còn tập trung. Tiếp theo, cậu mất khả năng nhận biết các vật thể bằng cảm giác. Vào ngày thứ 3, Gardner trở nên bực bội và không còn hợp tác. Tới cuối thí nghiệm, cậu gặp khó khăn trong việc tập trung, có vấn đề với bộ nhớ ngắn hạn, trở nên hoang tưởng và thấy ảo giác.

Mặc dù Gardner phục hồi mà không bị tổn thương tâm lý hay thể chất lâu dài nào, đối với những người khác, thiếu ngủ có thể gây ra mất cân bằng hoóc môn, bệnh tật và trong những trường hợp nghiêm trọng, dẫn đến tử vong. Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu một chút lý do mình cần ngủ, nhưng chúng ta đều biết ngủ là điều cần thiết. Người lớn cần từ 7 đến 8 tiếng ngủ mỗi đêm, và thanh thiếu niên cần 10 tiếng.

Thiếu ngủ không chỉ khiến bạn mệt mỏi, thiếu tỉnh táo mà còn gây nhiều hậu quả nặng nề khác. (Ảnh minh họa)

Vì sao chúng ta ngủ?

Chúng ta cảm thấy buồn ngủ do các tín hiệu từ cơ thể thông báo cho não rằng ta mệt mỏi và các tín hiệu từ môi trường báo hiệu rằng bên ngoài trời đã tối. Sự gia tăng các hợp chất gây buồn ngủ như adenosine và melatonin đưa chúng ta vào trạng thái mơ màng, làm cho nhịp thở và nhịp tim chậm lại và các cơ bắt đầu thư giãn. Giấc ngủ không-REM này là lúc DNA được sửa chữa và cơ thể tái tạo cho ngày mai.

Thiếu ngủ tác động đến cơ thể thế nào?

Ở Mỹ, ước tính có 30% người trưởng thành và 66% thanh thiếu niên thường xuyên thiếu ngủ. Điều này không chỉ là một rắc rối nhỏ. Thức lâu có thể gây ra hại nghiêm trọng cho cơ thể. Khi mất ngủ, khả năng học tập, trí nhớ, tâm trạng và thời gian phản ứng bị ảnh hưởng. Thiếu ngủ cũng có thể gây viêm nhiễm, ảo giác, tăng huyết áp và thậm chí liên quan tới bệnh tiểu đường và béo phì.

Nhiều người uống cà phê để tránh buồn ngủ. (Ảnh minh họa)

Năm 2014, một người hâm mộ bóng đá đã qua đời sau khi thức suốt 48 tiếng để xem World Cup. Mặc dù cái chết đột ngột của ông là do đột quỵ, nghiên cứu cho thấy ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm trong thời gian dài làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 4 lần nếu so sánh với những người thường xuyên ngủ đủ 7 đến 8 tiếng. Một số người có đột biến di truyền hiếm gặp có thể mất ngủ triền miên. Tình trạng này, được gọi là Chứng mất ngủ di truyền chết người, gây ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, khiến cơ thể luôn ở trạng thái thức. Trong vài tháng hoặc vài năm, tình trạng tồi tệ ngày càng tiến triển này dẫn đến sa sút trí tuệ và tử vong.

Làm sao thiếu ngủ có thể gây ra những đau khổ lớn như vậy? 

Các nhà khoa học cho rằng câu trả lời nằm ở việc tích tụ các chất thải trong não. Suốt lúc thức, các tế bào của chúng ta bận rộn sử dụng nguồn năng lượng trong ngày, được phân hủy thành các phụ phẩm khác nhau, bao gồm adenosine. Khi adenosine tích tụ, nó làm tăng cảm giác buồn ngủ. Trên thực tế, caffeine hoạt động bằng cách chặn con đường thụ thể của adenosine. Các sản phẩm chất thải khác cũng tích tụ trong não, và nếu không được loại bỏ, chúng cùng nhau gây quá tải não và có thể dẫn đến nhiều triệu chứng tiêu cực của việc thiếu ngủ.

Thức khuya xem điện thoại là thói quen xấu của nhiều người thời hiện đại. (Ảnh minh họa)

Vậy, điều gì xảy ra trong não khi chúng ta ngủ để ngăn chặn việc này? 

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một hệ thống gọi là hệ thống glymphatic - một cơ chế “quét sạch” những chất thải này và hoạt động mạnh mẽ hơn khi chúng ta ngủ. Nó phát huy hiệu quả bằng cách sử dụng chất lỏng tủy sống để rửa sạch các sản phẩm độc hại tích tụ giữa các tế bào. Các mạch bạch huyết, có chức năng như con đường cho các tế bào miễn dịch, đã được phát hiện gần đây trong não và chúng cũng có thể đóng vai trò trong việc loại bỏ các phế phẩm hàng ngày của não.

Trong khi các nhà khoa học tiếp tục khám phá các cơ chế phục hồi đằng sau giấc ngủ, chúng ta có thể chắc chắn rằng ngủ là điều cần thiết nếu muốn duy trì sức khỏe và sự minh mẫn.