Độc đáo bữa cơm ăn “xui” giải xui của người Tày

Nếu như mâm cỗ vào chiều 30 Tết của phần lớn người Kinh là thịt gà, bánh chưng, hành muối… thì với gia đình dân tộc Tày lại là các món ăn được chế biến từ thịt vịt. Người Tày quan niệm, đây là bữa ăn giải xui năm cũ, đón chào một năm mới mùa màng bội thu.

Chấp nhận xúi quẩy, đẩy lùi vận đen

Khi những cánh hoa đào, hoa mai hé nở báo hiệu mùa xuân về cũng là lúc kết thúc một năm làm lụng vất vả, đón chào năm mới với niềm vui mới, hy vọng mới. Nếu được cùng thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo của người Tày chắc chắn ai ai cũng sẽ ấn tượng sâu sắc.

Cũng giống như nhiều hộ gia đình Việt, mỗi độ Tết đến xuân về, người Tày cùng tập trung quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Việc chuẩn bị cho ngày Tết được phân công đều cho mọi người: đàn ông thịt lợn, sửa sang và quét dọn nhà cửa… đàn bà làm bánh khảo, chuẩn bị lá dong và gạo nếp để gói bánh chưng, sắm sửa quần áo mới cho các thành viên trong gia đình...

Theo lời bà Nông Thị Hiên, một người dân tộc Tày sống tại xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang thì Tết của người Tày thực sự bắt đầu bằng bữa cơm giải xúi chiều 30 tháng Mười Hai âm lịch (nhiều nơi coi đây là lễ Tất niên như người Kinh). Món chính của bữa này là thịt vịt (con vật xúi quẩy).

Giống như quan niệm cho rằng con vịt là con vật xúi quẩy nhưng khác người Kinh tìm cách tránh nó trong những dịp Lễ tết, người Tày chọn ăn thịt vịt vào cuối năm, nghĩa là chấp nhận xúi quẩy. Bởi vì cho dù xúi đến mức không còn gì xúi hơn được nữa thì cũng đã năm cùng tháng tận, hết năm lại sang vận mới và mọi rủi ro của năm cũ đều qua đi.

vit-tay-1-1674403894.jpeg

Thịt vịt được chế biến công phu

Các món ăn được chế biến từ thịt vịt cũng khá cầu kỳ. Thông thường, chiều 30 Tết, sau khi dọn dẹp nhà cửa, mua sắm bánh kẹo, quần áo mới… thì người lớn thường tập trung lại và bắt đầu chế biến món ăn từ vịt. Đầu tiên, họ chọn những con vịt béo không bệnh tật tiến hành chế biến. Chỉ sau vài giờ mâm cỗ thịt vịt của gia đình đã được bày biện khá đẹp mắt và ngon miệng với đầy đủ các món như hấp, nướng, xào lăn, tiết canh…

Cũng theo lời bà Hiên thì để các món ăn được hấp dẫn thì cũng không thể thiếu được các gia vị vốn đã có sẵn trong tủ bếp của mọi gia đình đó là hạt dổi, mắc khén, lá mắc mật, hành, sả, ớt….

vit-tay-2-1674404087.jpeg

Phong tục đẹp trong ngày Tết của người Tày được các thầy cô giáo đưa vào bài học tại trường. Trong ảnh là cô giáo Nông Thị Sen chụp ảnh với những học sinh của mình

Dẫn chúng tôi đi về phía khu nuôi nhốt vật nuôi của gia đình, bà Hiên vui vẻ cho biết: “Trước thì nhà nào cũng nuôi gà, vịt dành dụm cho cuối năm đón lễ Tết Nguyên đán rồi cúng rằm tháng Giêng. Nhưng giờ thì ít người nuôi hơn bởi họ còn có nhiều công việc khác. Tôi cũng có tuổi nên chỉ nuôi thêm mấy con gà, con vịt để kiếm thêm thu nhập”.

Nhìn đàn vịt mà bà Hiên đang nuôi, tôi cũng nhẩm tính: “Tết này gia đình bà cũng có thêm một khoản tiền không nhỏ, bởi từ bao đời nay, bữa cơm Tất niên của người Tày không thể thiếu thịt vịt”.

Không khấn vì sợ âm thanh mất thiêng

Một điều độc đáo nữa mà tôi cũng được ông Cường (chồng bà Hiên) tiết lộ trong quá trình đi tìm hiểu phong tục đón tết của người Tày đó là chuẩn bị bước sang năm mới, ở những bản người Tày có tục nhắc mọi người những điều kiêng kỵ trong những ngày đầu năm mới.

Thường thì các bậc cao niên trong bản hoặc thầy Mo, thầy Then, người có uy tín trong cộng đồng sẽ nhắc nhở các gia đình về những điều kiêng kỵ từ đêm giao thừa, mùng 1, mùng 2 tết Nguyên đán. Còn từ sáng mùng 3 trở đi được bỏ điều kiêng kỵ. Nếu ai vi phạm hoặc cố tình vi phạm điều kiêng kỵ sẽ không chỉ dông cả năm, mà còn làm liên lụy đến cộng đồng thôn bản, làng xã, cộng đồng người Tày.

vit-tay-3-1674404087.jpeg

Mâm cỗ ngày Tết của người Tày

Đúng giao thừa, mọi nhà đều thắp hương và mở toang cửa để lộc ùa vào. Hương thắp trên bàn thờ có bày quả, bánh và hai cây vạn niên. Ngoài ra hương còn được thắp trong bếp, ngoài cửa. Nhưng khác với người Kinh, người Tày chỉ thắp hương mà không khấn. Có thể họ cho rằng mọi lời nói có âm thanh đều giảm đi sự thành kính. Tổ tiên, ông bà… đã nhập vào họ, cùng ăn tết với họ, việc gì còn phải nói thành lời? Đêm ba mươi, đêm mồng một không được đốt lửa ngoài đường và đây có thể coi là điều cấm kỵ.

Ngày đầu năm hầu như người ta không ra khỏi nhà. Xông đất và mọi giao tiếp khác đều chờ sang mồng Hai. Những chàng rể mới phải lo đi tái bố mẹ vợ. Đồ lễ là các loại bánh trái, một đôi gà đủ sống - mái. Có nơi (phong tục xưa còn lưu lại) đồ lễ có thể tới 120 đôi bánh chưng, 120 đôi bánh dày. Có nơi nhất thiết phải có miếng thịt cheo cắt suốt chiều dài con lợn. Rể già thủ tục có phần xuề xòa hơn nhưng không được sơ suất. Vật quan trọng nhất là một con gà thiến. Ngày này ra đường, thấy tấp nập vợ chồng con cái đèo nhau, kèm theo lủng lẳng một con gà nhốt trong giọ kêu váng khắp đường ngang ngõ tắt, rất vui và ấm áp.

Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, ông Hoàng Văn Minh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình cho biết: “Trước đây, người Tày có nhiều tập tục khác và có phần dị biệt. Nhưng hiện nay, nhờ sự tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, người Tày ăn tết đơn giản hơn, nhưng vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tết lại, đón Giao thừa lần 2

Thông thường người Tày tiễn các cụ vào mồng Ba Tết bằng lễ hóa vàng, như tục dưới xuôi. Nhưng ở dưới xuôi, sau ngày tiễn các cụ là bắt đầu công việc của năm mới: nông dân thì xuống đồng, người buôn bán ra chợ…, còn với người Tày, công việc quan trọng nhất là chuẩn bị để ăn Tết lại vào rằm tháng Giêng, tiếp tục mổ lợn, gói bánh… y hệt Tết chính.

Đào Giang