Nhân duyên vợ chồng là có từ kiếp trước, người phụ nữ luôn nghĩ rằng chính vì kiếp trước mình đã mắc nợ chồng nên kiếp này mới tìm đến chung sống cùng nhau để trả nợ. Còn mẹ chồng, không phải ngẫu nhiên mà mẹ chồng xuất hiện trong cuộc đời mình, chung sống cùng với mình dưới một mái nhà, không những thế mình còn phải chăm sóc, phụng dưỡng mẹ chồng nữa thì đó nhất định là do hai người đã có duyên nợ từ kiếp trước. Với lại, nếu như không có mẹ chồng thì sẽ không có người chồng tốt như hôm nay để cho mình gửi gắm cuộc đời nên phụ nữ nghĩ, người mình mắc nợ tiếp theo chính là mẹ chồng.
Nhưng sự thực thì lại không hề như những gì mà phụ nữ đang nghĩ. Vợ chồng là nhân duyên kiếp trước, chưa chung sống được trọn vẹn với nhau nên kiếp này tìm đến mà trả chứ không phải là mắc nợ mà phải ở bên cạnh trả cả đời. Còn mẹ chồng, phụ nữ chung sống là vì bổn phận và trách nhiệm. Nhưng đã có bao giờ phụ nữ nghĩ rằng, người mình mắc nợ nhiều nhất, nợ hết cả cuộc đời này lại chính là người mẹ đã sinh ra mình hay chưa??
Để có được mình trên cuộc đời này, mẹ đã phải mang nặng đẻ đau chín tháng 10 ngày, rồi sau đó là trải một cơn đau khủng khiếp, thập tử nhất sinh mới đưa được mình đến với thế giới này. Chưa dừng lại ở đó, người mẹ đã chịu đựng mấy chục năm trời khó khăn, vất vả, nhường hết tất cả những gì tốt đẹp nhất mình có cho con để nuôi dạy con khôn lớn, nên người. Ngày con còn bé, những đêm con khóc, những ngày con ốm đều do một tay mẹ chăm sóc. Rồi chuyện công việc, chuyện gả chồng cũng khiến mẹ chẳng đêm nào được ngon giấc. Mẹ chỉ lo con chọn nhầm chồng rồi cả cuộc đời này con sẽ khổ, sẽ chẳng có những tháng ngày sống vui vẻ.
Rồi nếu như con gái lấy chồng gần, con làm mẹ giống như mẹ, mẹ cũng lại tất tả ngược xuôi một lần nữa lo cho con, lo cho cháu. Những lúc con gái phải đi công tác, phải lo công việc, thế nào cũng sẽ đưa con qua bà ngoại để bà ngoại chăm sóc cho. Hình như cả cuộc đời người phụ nữ, luôn có hình bóng mẹ theo sát ở bên cuộc đời mình, luôn có mẹ ở bên cạnh để chia sẻ cùng mình như vui buồn, đau khổ của cuộc sống. Nhưng…
Những ngày tháng con còn nhỏ, con chưa thấm hết được những vất vả của mẹ. Rồi con gái đi lấy chồng, những vất vả kia của mẹ con cũng chẳng thể nhìn thấy được. Rồi những lúc mẹ ốm, mẹ đau, mẹ cũng cần con bên cạnh để động viên, an ủi thì khi đó, mẹ lại không muốn gọi con vì mẹ không muốn làm phiền đến cuộc sống riêng của con, con khi ấy còn phải chăm lo cho chồng con con, chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Dám chắc với các chị em rằng, nếu như mẹ chồng và mẹ đẻ cùng ốm thì người đầu tiên mà chị em chăm sóc sẽ là mẹ chồng chứ không phải mẹ đẻ. Có khi chăm sóc cho mẹ chồng xong mới qua được với mẹ đẻ. Rồi mà lỡ như lấy chồng xa thì việc quan tâm, chăm sóc cũng được thể hiện qua điện thoại bằng những lời hỏi han hoặc cùng lắm là gửi được ít quà về cho mẹ. Người mang nặng đẻ đau ra mình mình lại không thể chăm sóc được. Như vậy thử hỏi rằng người mà đáng ra phụ nữ phải mắc nợ cả đời này chính là mẹ đẻ của mình hay sao đây.
Vậy nên phụ nữ ạ, cho dù có làm gì, có sống như thế nào đi chăng nữa thì cũng phải luôn luôn ghi nhớ rằng, người mình mắc nợ cả cuộc đời này chỉ có thể là người mẹ đã sinh ra mình mà thôi. Mẹ chồng thì hãy chăm sóc như bổn phận còn mẹ đẻ, hãy chăm sóc bằng cả trái tim mình.
Khi mẹ cần, đừng vì bất cứ lý do gì mà không trở về bên cạnh mẹ. Mẹ sinh ra mình, đã vì mình mà chịu đủ mọi thiệt thòi rồi nên đừng vì sự vô tâm, đừng vì lý do phải chăm sóc gia đình chồng mà quên mất đi mẹ.
Theo Pháp Luật Net