Quá trình phục hồi sẽ chậm lại
Tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2022 - Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng”, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH&ĐT cho rằng, dự báo phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo là rất khó và phức tạp vì điều kiện hoàn cảnh dịch bệnh đã đặt Việt Nam vào bối cảnh mới.
Theo đó, ông Quang đánh giá, với yếu tố nước ngoài, tính toán của Ngân hàng Thế giới dự sẽ có những tín hiệu tích cực đến từ việc mở cửa các quốc gia, điều này sẽ hỗ trợ cho việc phục hồi sản xuất, hàng hóa, đầu tư trên toàn cầu.
Tuy nhiên trong bối cảnh này cũng nổi lên những yếu tố tiêu cực như áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia, bên cạnh đó nguy cơ bùng phát dịch bệnh mạnh ở năm 2022 và các năm tiếp theo có thể khiến quá trình phục hồi của các chuỗi giá trị sẽ chậm lại.
Sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ có những biến động mạnh, có xu hướng tăng trong năm 2022. Ông lấy ví dụ về việc giá dầu lửa đã tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020. “Mặc dù một số cơ quan kinh tế, các đơn vị có dự báo giữa năm 2022 trở đi có thể giảm nhưng rõ ràng việc giá dầu lửa tăng sẽ tác động lớn đến kinh tế thế giới và cả Việt Nam”, ông nói.
Về các yếu tố trong nước, các kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 cũng đã được đưa ra và lên quan đến chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tương đối thấp “nhưng rõ ràng chúng ta không thể coi thường nguy cơ áp lực lạm phát trong nước”.
Bên cạnh đó, sẽ có sự tác động đến từ các yếu tố liên quan đến các gói kích thích tài khóa lớn trong nước, nới lỏng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo tính toán của NCIF, nếu thực hiện các gói kích thích tài khóa tương đương 1% GDP, tức có khoảng 37.000 tỷ đồng để tác động làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP.
“Nếu không không có gói kích thích này thì cần có những gói tăng chi tiêu công, đầu tư công hay giảm lãi suất, giảm VAT,... đây là những yếu tố cần lưu ý khi tính toán đến sự phát triển của các ngành trong năm 2022”, ông Quang cho hay.
5 nhóm ngành trọng tâm
Theo Phó Giám đốc NCIF, kịch bản tăng trưởng kinh tế có thể dao động từ khoảng 5,8 - 6,5% trong năm 2022. Từ những dự báo như vậy, với các ngành dẫn đường kinh tế năm 2022 được phân thành 5 nhóm ngành cụ thể:
Nhóm thứ nhất ông Quang chỉ ra là các nhóm ngành đóng vai trò trọng tâm, đồng thời là “vốn mồi” kích thích đầu tư tư nhân phát triển. Theo đó, đầu tư công được dự kiến sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số và nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển năm 2022.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ KH&ĐT đã có đánh giá lại về giải ngân đầu tư công năm 2021, giải ngân đã đạt trên 47% so với kế hoạch. Do vậy, dư địa để thúc đẩy đầu tư công năm 2022 đang rất lớn, đây là cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển tốt từ năm 2022.
Nhóm thứ hai là nhóm ngành có tỉ trọng xuất khẩu lớn, cùng với sự phục hồi nhu cầu thế giới, đặc biệt là do sự giảm cung từ Trung Quốc, kích thích xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép.
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, có 17,8% doanh nghiệp thiếu lao động nghiêm trọng, điều đáng ngại nhất là thiếu lao động khu vực liên quan đến xuất khẩu.
Nhóm thứ 3 là nhóm ngành được kích thích do phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước. Với việc kiểm soát, chính sách thích ứng dịch bệnh được triển khai có hiệu quả thì tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi. Doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và hàng không sẽ hưởng lợi do sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước sau thời gian giãn cách và chính sách hạn chế đi lại.
Nhóm thứ 4 là thương mại điện tử và logistics. Những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh dịch bệnh cũng thay đổi mạnh mẽ, là lực đẩy khiến thương mại điện tử khiến thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ trong năm 2022.
Bên cạnh đó, kỳ vọng tăng trưởng thương mại quốc tế của Việt Nam do tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, cùng với sản xuất phục hồi, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước tăng theo, kéo theo các ngành phụ trợ như logistics cũng hưởng lợi.
Nhóm thứ 5 là nhóm ngành công nghệ thông tin sẽ phục hồi với mảng phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ. Ông Quang cho rằng, tiềm năng lớn của các kênh ngân hàng số mở ra xu hướng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số trong khối ngân hàng, đang tăng về cả tốc độ lẫn quy mô.
Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI chỉ ra, 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Với Nghị quyết 128 được Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp đánh giá đây là giải pháp kịp thời, giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp.
Theo Người Đưa Tin