Theo kết quả các nghiên cứu chuyên sâu cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tổng cục Thống kê công bố ngày 18/12, bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng vụ Thống kê Dân số và lao động (tổng cục Thống kê) cho biết, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Theo đó, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm.
Mặc dù vậy, mức sinh giữa các vùng, miền và các nhóm dân số có sự khác biệt đáng kể, trong đó mức sinh của một số dân tộc thiểu số còn rất cao (ví dụ dân tộc Mông là một trong 6 dân tộc ít người có quy mô dân số trên 1 triệu người có mức sinh cao nhất là 3,59 con/phụ nữ).
Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất; Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước.
Với thực trạng về mức sinh, cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Dự báo cho thấy, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa so với nữ giới cùng nhóm tuổi vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người.
Trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa: tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn là phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình đối với mục tiêu giảm sinh.
Theo phương án trung bình, dự báo dân số Việt Nam năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người. Trong 5 năm đầu của thời kỳ dự báo, 2019-2024, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước ta là 0,93%. Trong tương lai, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.
Tỷ số giới tính sẽ tăng nhanh trong giai đoạn 2019-2029. Theo phương án trung bình, dự báo đến năm 2026 dân số nam bằng dân số nữ (tỷ số giới tính đạt mức 100 nam/100 nữ); đến năm 2069, tỷ số giới tính của Việt Nam là 101,4 nam/100 nữ.
Tính toán của tổng cục Thống kê cho thấy, theo phương án trung bình, dự báo dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Dự báo đây là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007.
Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069).