Ngày 24.9, PV Báo Thanh Niên đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng để giải đáp các thắc mắc của bạn đọc liên quan đến du lịch mạo hiểm.
Ảnh: Lâm Viên - Trò chơi đu dây vượt thác
Theo bà Nguyên, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 10 đơn vị được Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cấp phép tổ chức các loại hình du lịch mạo hiểm. Trong 9 tháng đầu năm 2018, các loại hình du lịch mạo hiểm đã thu hút hơn 21 ngàn lượt du khách tham gia, trong đó đa số là du khách nước ngoài.
Cũng theo bà Nguyên, du lịch mạo hiểm ngày càng phát triển nhưng Luật Du lịch vẫn chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về du lịch mạo hiểm cũng như chưa có một quy chuẩn chung nào để quản lý loại hình du lịch này. Sau vụ tai nạn khiến 3 du khách người Anh thiệt mạng tại thác Datanla (tháng 2.2016), Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tổ chức và khai thác kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15.8.2016, trong đó Chương IV ghi rõ điều kiện đối với du khách khi tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm.
Ảnh: Lâm Viên - Du khách tham gia tour du lịch mạo hiểm
Du khách phải ký cam kết về sức khỏe, tuổi tác
Ảnh: Lâm Viên - Hướng dẫn du khách sử dụng các thiết bị an toàn
Theo Điều 11 của Quy định, nếu du khách có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp và một số bệnh khác thì tuyệt đối không được tham gia vào các hoạt động du lịch mạo hiểm. Du khách phải ký cam kết về đảm bảo điều kiện sức khỏe, độ tuổi phù hợp với chương trình du lịch mạo hiểm đăng ký, đồng thời chịu trách nhiệm nếu xảy ra bất cứ tai nạn, sự cố nào liên quan đến việc cung cấp thông tin sai về độ tuổi, điều kiện sức khỏe cá nhân hoặc do không tuân thủ hướng dẫn của hướng dẫn viên (HDV).
Thế nhưng, theo bà Nguyên không loại trừ có những du khách trẻ vì háo hức tham gia nên cung cấp thông tin sai lệch về tình trạng sức khỏe, để rồi khi tham gia các trò chơi dễ bị choáng hoặc rối loạn tim mạch.
Theo Quy định của tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp tham gia tổ chức và kinh doanh du lịch mạo hiểm phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế do Tổng cục Du lịch cấp hoặc giấy xác nhận kinh doanh lữ hành nội địa do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cấp; phải có hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm du lịch với công ty bảo hiểm; trang thiết bị phải có giấy biên nhận chứng minh số lượng, xuất xứ, chủng loại... HDV phục vụ tour phải có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đã qua huấn luyện loại hình du lịch thể thao mạo hiểm...
Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm dịch vụ lữ hành Đà Lạt (Công ty cổ phần du lịch Lâm Đồng- Dalat Tourist) cho biết, đơn vị này đã đưa ra quy trình an toàn rất cụ thể cho khách và HDV khi tham gia dịch vụ leo dây vượt thác (canyoning) tại thác Datanla. Trước khi bước vào khu vực tập luyện kỹ năng, du khách phải ký vào waiver (bản miễn trừ truy cứu trách nhiệm) và đơn vị tổ chức không chịu trách nhiệm cho các vấn đề sức khỏe xảy ra đối với du khách trong quá trình sử dụng dịch vụ này.
Tại khu vực huấn luyện, du khách được giới thiệu mục đích, nhấn mạnh đến mức độ nghiêm trọng và an toàn của chương trình tour. Du khách phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của mình. Du khách được giới thiệu cách sử dụng các dụng cụ và thiết bị cũng như kỹ thuật cần thiết, đồng thời phải tập luyện động tác di chuyển trên địa hình gần giống với địa hình ở thác…
Ảnh: Lâm Viên - Trước khi tham gia trò chơi mạo hiểm, du khách được tập luyện kỹ năng
Theo ông Quang, khi đến khu vực thác nước, HDV đều mô tả địa hình thác và cách thức để khách có sự chuẩn bị tâm lý và nắm được nguyên tắc an toàn cho bản thân. Tùy theo độ cao của thác, các HDV sẽ hướng dẫn cách di chuyển, điều chỉnh độ ngã của thân người…
Với trò chơi nhảy tự do (free jump) chỉ nhảy ở độ cao từ dưới 11m, khách bắt buộc phải mặc áo phao theo đúng yêu cầu.
Không tùy tiện làm theo ý riêng
Ảnh: Lâm Viên - Trò chơi đu dây vượt thác nước
Tại khóa tập huấn nghiệp vụ cho HDV du lịch mạo hiểm do Sở VH-TT-DL phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao và Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt vào tháng 3.2017, ông Edwin Siew, chuyên gia du lịch mạo hiểm thuộc Liên đoàn leo núi Singapore (giảng viên khóa học) chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Những người tham gia du lịch mạo hiểm có thể là những người chuyên nghiệp, có người lần đầu muốn trải nghiệm, khám phá nên họ thường tự tin thái quá, có khi không tuân thủ sự hướng dẫn của HDV. Đây là điều tối kỵ bởi vì khi đến 1 địa điểm mới thì chỉ có HDV ở đó mới hiểu rõ địa hình, địa vật, những mối nguy hiểm tiềm ẩn". "Do đó, những du khách khi tham gia du lịch mạo hiểm phải nhập gia tùy tục, không tùy tiện làm theo ý riêng”, ông Siew cho biết.
Cũng theo ông Siew, Đà Lạt là nơi có nhiều lợi thế về thiên nhiên để tổ chức du lịch mạo hiểm như leo núi, vượt thác, đua xe, nhảy dù… Du khách quốc tế sẽ đến Đà Lạt ngày càng nhiều nếu loại hình du lịch này được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Ông Võ Đức Trung, Giám đốc Công ty CP Du lịch mạo hiểm Việt, người có kinh nghiệm hơn 10 năm làm du lịch mạo hiểm cho rằng: “Đà Lạt đang là một điểm đến mới dành cho các nhóm du khách ưa thích các hoạt động dã ngoại. Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch đặc thù, có điều kiện, phải có trang thiết bị chuyên dùng đạt chất lượng. Các đơn vị thực hiện phải thiết kế lộ trình rõ ràng, yêu cầu quản lý rủi ro phải được đề cao, HDV phải buộc du khách tuân thủ lộ trình, không thể để du khách “ngẫu hứng” thay đổi lộ trình”.
Theo Thanh niên