Đưa con đi khám tâm lý, mẹ được yêu cầu chữa tâm thần, BS chỉ ra vấn đề cha mẹ dễ mắc khi con thi cử

Khi biết kết quả thi đại học, không chỉ thí sinh, các phụ huynh cũng dễ bị tác động nặng nề đến tâm lý và sức khỏe.

Đưa con đi khám không ngờ mẹ bệnh còn nặng hơn

TS.BS Nguyễn Hữu Chiến - Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E) cho biết, kết quả thi cử, nhất là những kỳ thi có tính chất quan trọng như đầu vào THPT hay Đại học có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe của cả thí sinh và phụ huynh. Thực tế, có không ít trường hợp, kết quả thi không tốt của trẻ khiến gia đình đảo lộn, thậm chí cả thí sinh và phụ huynh đều rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, lo âu, mất ngủ, phải đi khám sức khỏe tâm thần và điều trị.

Theo bác sĩ Chiến, kết quả thi thực chất chỉ là “giọt nước tràn ly”, là yếu tố tác động, còn sức ép lên học sinh và phụ huynh đã bắt đầu từ khi trẻ vào lớp 1. “Khi trẻ vào lớp 1, nhiều phụ huynh sẵn sàng đứng xếp hàng cả đêm để nộp hồ sơ cho con, đến khi tới bậc THCS, THPT, bố mẹ lại muốn con thi vào trường tốt nhất để sau này có tương lai tươi sáng. Và đại học là bước đi cuối cùng khi bố mẹ đặt bao nhiêu kỳ vọng vào con cái.

Khi con thi trượt, nếu bố mẹ không có tâm lý tốt, chưa chuẩn bị trước cho trường hợp xấu xảy ra thì họ có thể rơi vào tình trạng thất vọng nặng nề, coi sự đầu tư cho con bao năm là vô ích, chưa kể sự so sánh con cái với bạn bè… Tất cả những điều đó dễ gây ra vấn đề sức khoẻ tâm thần như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, căng thăng, trầm cảm… cho các phụ huynh”, bác sĩ Chiến chia sẻ.

Ngay từ khi trẻ đến trường bố mẹ đã có áp lực, vì thế kết quả thi đại học chỉ là giọt nước tràn ly. Ảnh minh họa. 

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Phan Thị Thanh Huyền (khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E) cho biết, nhiều trẻ bị rối loạn tâm lý, mất ngủ, lo âu sau khi thi trượt đại học được bố mẹ đưa đến khám, nhưng hỏi kỹ ra thì chính bố mẹ cũng đang gặp phải tình trạng tương tự hoặc nặng hơn, cần can thiệp.

Điển hình như hai vợ chồng chị Hoàng Thoa (47 tuổi) đều có học hàm, học vị cao, đang công tác tại một viện nghiên cứu tại Hà Nội. Con trai chị Thoa tên Hiếu được định hướng cho học khối B ngay từ năm cấp 2, để sau này theo nghề của bố mẹ. Ban đầu Hiếu không đồng ý vì thích được vẽ vời, thiết kế, sau này muốn làm một kiến trúc sư. Nguyện vọng này của em đã được đề đạt với bố mẹ, nhưng gia đình không đồng ý.

Khi con thi trượt, nhiều phụ huynh có phản ứng không phù hợp, đẩy cả con và gia đình mình vào tình huống tiêu cực. Ảnh minh họa. 

Dù vậy, những năm học phổ thông, Hiếu vẫn luôn là học sinh giỏi, các môn khối B đều đạt điểm tốt. Năm lớp 12, Hiếu đăng ký vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội theo nguyện vọng của bố mẹ nhưng thiếu 1,5 điểm mới đỗ. Hiếu muốn nộp nguyện vọng 2 vào trường mình thích, nhưng gia đình không đồng ý và đề nghị con ôn luyện năm sau thi tiếp. Điều này khiến Hiếu chán nản, mất ngủ thường xuyên, sụt cân nhiều và chị Thoa phải đưa con đi khám.

Trong quá trình thăm khám, sau khi nghe chia sẻ của Hiếu, các bác sĩ khai thác tiền sử tâm lý của người mẹ thì chị Thoa thừa nhận bản thân cũng bị áp lực lớn từ kết quả thi của của con. “Bố mẹ đều có chuyên môn, học vị cao nhưng con không đỗ đại học khiến tôi cảm thấy xấu hổ, ngại tiếp xúc với mọi người ở cơ quan. Tôi còn chẳng dám về quê vì trước đó cả họ tự hào về gia đình tôi nhưng giờ cháu trượt đại học. Vì điều này, tôi hay trút những căng thẳng, bực dọc lên con và dù không muốn nhưng ý nghĩ con là nguyên nhân chính khiến gia đình đảo lộn luôn xuất hiện trong đầu. Không ngờ, hôm nay không phải cánh cửa đại học, mà lại là bệnh viện mở ra trước con tôi”, chị Thoa chia sẻ với bác sĩ.

Hai mẹ con chị Thoa sau đó đã được hỗ trợ tâm lý, kết hợp dùng thuốc và điều khá bất ngờ là con trai chị năm sau thi lại và đã đỗ vào chính ngôi trường bố mẹ định hướng, chứ không phải ngôi trường cậu yêu thích.

Kỳ vọng quá lớn và so sánh con với người khác là sai lầm thường gặp nhất

Thạc sĩ Phan Thị Thanh Huyền cho biết, trong xã hội ngày nay, nhiều người coi kết quả học tập của con là “thước đo” thể hiện sự quan tâm, giáo dục và đầu tư của cha mẹ và từ đó phụ huynh chịu nhiều áp lực từ kết quả thi cử. “Rất nhiều gia đình đang tung hô con quá mức sau mỗi lần đạt giấy khen hay thành tích gì đó. Hoặc bố mẹ luôn muốn con phải thi vào trường top đầu để chứng tỏ con mình giỏi… nhưng khi con không đạt được như kỳ vọng, bố mẹ cảm thấy xấu hổ, tự trách, dằn vặt, lo âu mà mắc bệnh”, thạc sĩ Thanh Huyền chia sẻ.  

Bố mẹ hãy ở bên khi con gục ngã, hay định hướng tương lai thay vì quyết định thay con. Ảnh minh họa. 

TS Nguyễn Hữu Chiến cũng cho rằng, xưa kia việc ép con học theo nghề bố mẹ rất phổ biến, hiện tình trạng này có giảm nhưng vẫn còn và đây chính là vấn đề đáng cảnh báo, dễ khiến cả gia đình suy sụp, rơi vào vòng luẩn quẩn. “Việc bố mẹ kỳ vọng quá nhiều có thể tạo sức ép và gây nên áp lực tâm thần cho con như stress, mất ngủ; nặng hơn là rối loạn phân ly, trầm cảm và thậm chí dẫn tới hậu quả đau lòng. Do vậy, phụ huynh hãy là người định hướng cho trẻ, để trẻ quyết định tương lai của chính mình theo đúng năng khiếu và sở trường của con”, bác sĩ Chiến chia sẻ.

Để giảm áp lực thi cử, điểm số với cả phụ huynh và con trẻ, thạc sĩ tâm lý Phan Thị Thanh Huyền tư vấn:

- Bố mẹ nên giảm kỳ vọng của mình với con, tôn trọng ý kiến con;

- Cần đánh giá đúng năng lực và hiểu rõ năng khiếu của con để đưa ra định hướng đúng;

- Ngừng so sánh con với người khác. Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng tâm lý phụ huynh nhiều nhất. “Đa số cha mẹ đều không muốn thất bại ở trong gia đình mình, nhưng muốn làm được điều đó thì phải có sự tôn trọng, phát huy đúng năng lực của từng người. Còn nếu ép các con làm vì bố mẹ, có thể bước đầu thành công nhưng rồi sau rất dễ thất bại”, thạc sĩ Huyền chia sẻ.

Hãy động viên trẻ rằng, đại học không phải con đường duy nhất giúp ta trưởng thành và thành công. Ảnh minh họa. 

Để tránh xảy ra những vấn đề đáng tiếc khi con thi trượt, thạc sĩ Thanh Huyền tư vấn một số việc phụ huynh nên làm để đồng hành cùng con:

- Từ trước khi con thi, bố mẹ đã nên trang bị các kỹ năng ứng phó với stress nếu trẻ thi trượt hoặc gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống. Nếu đợi khi con thi trượt cha mẹ mới cuống cuồng tìm hiểu kỹ năng xử lý là quá muộn.

- Cần định hướng cho con rằng, đại học không phải là cánh cửa duy nhất đi đến thành công. Có thể lấy ví dụ những người thành công quanh mình mà trước đó không cần học quá giỏi, hay cố thi vào trường danh tiếng.

- Nếu trượt nguyện vọng 1, hãy động viên con còn những nguyện vọng 2,3 thậm chí học nghề cũng rất tốt.

- Phụ huynh cần tôn trọng kết quả của con, dù đỗ hay trượt.

- Cần ghi nhận quá trình con ôn tập, học tập, có định hướng để con lựa chọn. Nên mở cho con hướng đi, để con không thấy đường cùng, kể cả khi cơ hội vào đại học khép lại.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

LÊ PHƯƠNG.