Dùng giấy bạc để nướng thực phẩm có gây ung thư?

Nhiều người lo ngại nhôm từ giấy bạc có thể ngấm vào thực phẩm và gây hại sức khỏe, thậm chí gây ung thư. Vậy thực hư thông tin này ra sao?

Giấy nhôm làm bằng nhôm nhưng thường được gọi là giấy bạc vì có màu trắng của bạc kim loại. Giấy nhôm dễ uốn, dát mỏng. Trước đó, người ta dùng giấy thiếc (tin foil) để bọc thực phẩm nhưng giấy thiếc khiến đồ ăn có mùi kim loại thiếc nên dần được thay bằng giấy nhôm.

Công dụng nổi bật của giấy nhôm là giữ ẩm thực phẩm khi nấu nướng, giúp thực phẩm giữ được khá nhiều hương vị do không bị bay hơi, mất mùi như khi nấu nướng không có màng bọc nhôm.

Chưa hết, giấy nhôm bọc thực phẩm đem nướng trong lò, nhiệt đi qua giấy nhôm sẽ được phân bố đồng đều hơn, thực phẩm chín đều hơn, không bị cháy sém, chỗ sống, chỗ chín,…

Giấy nhôm bọc thực phẩm còn nhiều công dụng khác nhưng điểm mạnh nhất là giữ ẩm, chịu nhiệt, thích hợp với các món nướng mà bao nhựa không thể cạnh tranh nổi.

Tuy nhiên, một số ý kiến nghi ngại ở nhiệt độ cao khi nấu nướng, nhôm có thể thôi vào thực phẩm, gây ra những tác hại không tốt đối với sức khỏe, trong đó có ung thư.

Về vấn đề này, chuyên gia Hóa học Vũ Thế Thành phân tích trên Zing, nhôm không có ích lợi gì cho sức khỏe, cơ thể không cần nhôm. Nhưng nhôm lại có tự nhiên trong hầu hết loại thực phẩm, dù không đáng kể. Nhôm do con người đưa vào thực phẩm cũng có, như sử dụng hợp chất nhôm làm phụ gia thực phẩm (làm bột nở trong bánh), đánh phèn nhôm để lọc nước,…

Y học cũng dùng nhôm trong thuốc đau bao tử (antacid). Do đó, việc dùng màng nhôm để bao phủ thực phẩm cũng chỉ là một trong những nguồn cung cấp nhôm tương tự các loại thực phẩm. Vấn đề là đưa vào nhiều hay ít.

Đời sống - Dùng giấy bạc để nướng thực phẩm có gây ung thư?

Lượng nhôm thôi vào từ giấy nhôm không gây rủi ro đến sức khỏe người dùng khi nấu nướng thịt. Ảnh minh họa.

Việc thôi nhôm từ giấy nhôm vào thực phẩm nhiều hay ít tùy thuộc vào 2 yếu tố:

-Nhiệt độ càng cao, thôi nhôm càng nhiều hơn.

-Bản chất của thực phẩm: Thực phẩm có tính acid như cà chua, bắp cải, giấm làm thôi nhôm nhiều hơn. Mắm, muối, gia vị cũng làm thôi nhôm.

Theo kết quả một nghiên cứu, lượng nhôm thôi vào (từ giấy nhôm) trong thịt đỏ (heo, bò, cừu,…) tăng từ 89% đến 378% và trong gia cầm (gà, vịt) từ 76% đến 215%. Nếu nướng ở 150 độ C trong 60 phút, mức tăng thấp nhất là 76-115% và cao nhất là 153-378% khi nướng ở 250 độ C, dù chỉ trong 20 phút.

Điều này cho thấy, nhiệt độ cao ảnh hưởng đáng kể đến mức thôi nhôm, hơn nhiều so với thời gian nấu nướng.

Con số tăng cả vài trăm phần trăm lượng nhôm thôi vào thực phẩm khiến nhiều người lo ngại. Nhưng thực ra dư lượng nhôm tự nhiên trong thịt rất ít. Do đó, có tăng vài trăm phần trăm của “dư lượng tự nhiên rất ít” đó cũng không đáng kể.

Tác giả của nghiên cứu, Turhan S của Đại học Ondokuz Mayis (Thổ Nhĩ Kỳ), cũng thừa nhận điều này, khi so với khuyến cáo của Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO): Lượng nhôm thôi vào từ giấy nhôm không gây rủi ro đến sức khỏe người dùng khi nấu nướng thịt.

Trước đây, nhôm bị cáo buộc là thủ phạm gây ra bệnh alzheimer nhưng cáo buộc này cũng đã nhanh chóng được giải tỏa vì khoa học không thấy có mối liên hệ giữa nhôm và bệnh alzheimer. Ngay cả Hội Alzheimer của Anh cũng thừa nhận điều này.

Đối với lo ngại lạm dụng giấy bạc có thể gây ung thư, trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong thực tế, người ta sản xuất giấy bạc ở 2 dạng: Dạng 1 là màng nhôm, dạng 2 là màng nhôm kết hợp với màng chất dẻo hoặc màng giấy. Vì màng nhôm có khả năng chống xuyên thấm, chống ánh sáng, ngăn được không khí (bạn chỉ cần gấp thật chặt ở các nếp gấp) và không thấm nước nên sẽ ngăn được mùi, giữ được độ ẩm cho thức ăn.

Hiện nay với công nghệ hiện đại, người ta sản xuất màng nhôm có phủ thêm các lớp màu cho đẹp mắt (lớp màu này thường để mặt ngoài) và được dùng chủ yếu để gói các thực phẩm kẹo, bánh, chè rất kín… Do vậy, không thể nói dùng màng bọc nhôm gây ung thư, PGS. Thịnh nói.

Tuy nhiên, khi thử nhôm trên chuột, họ thấy chuột bị nhiễm độc thần kinh, thậm chí ảnh hưởng đến cả hệ thần kinh của thế hệ con cháu nhà chuột. Những người chạy thận nhân tạo cũng cho thấy bị nhiễm độc này nếu phơi nhiễm với nhôm nồng độ cao. Đây là điều giới khoa học còn e ngại.

Do đó, năm 2006, WHO và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đã siết chặt lại việc sử dụng nhôm trong thực phẩm và đưa ra khuyến cáo, mức dung nạp hàng tuần với nhôm là 1 mg/kg thể trọng, nghĩa là một người nặng 60 kg chỉ nên tiêu thụ tối đa 60 mg nhôm/tuần.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần ghi nhớ một số lưu ý khi sử dụng giấy bạc:

- Không nên dùng giấy bạc lót dưới đáy lò nướng để chống tràn và chống chảy nước, vì nó sẽ làm cho thực phẩm không chín hoàn toàn, đồng thời ảnh hưởng tới thời gian sử dụng của lò nướng.

- Không dùng để gói thực phẩm cho vào lò vi sóng. Nguyên nhân là lò vi sóng làm chín thực phẩm từ bên trong ra bằng sóng điện từ sẽ phá hoại giấy bạc cực nhanh, ion nhôm xâm nhập vào thực phẩm nhanh và dễ dàng hơn.

- Không dùng để gói thực phẩm có tính axit, có độ chua vì dễ phản ứng với giấy bạc nhôm (rõ nhất trong trường hợp nướng và hấp thực phẩm). Điều này vừa khiến món ăn có hương vị kém ngon, vừa tạo điều kiện cho ion nhôm xâm nhập vào cơ thể nhanh, nhiều hơn.

- Ngoài ra, bạn không nên ăn đồ nướng quá nhiều, mỗi tuần chỉ nên ăn 1-2 lần để cơ thể thải hết độc tố, đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh, tránh tích tụ những chất gây ung thư.