“Thần thánh hóa” thực phẩm chức năng: "Cần xử lý hình sự để răn đe"

Với những quảng cáo “thần thánh hóa” về công dụng của thực phẩm chức năng, Dược phẩm Hoàng Hường đã bị công khai xử phạt. Tuy nhiên, phạt 65 triệu đồng liệu đã thực sự đủ sức răn đe?

Tước đi cơ hội chữ bệnh, cơ hội sống của con người

Mới đây, công ty cổ phần Dược Phẩm Hoàng Hường (địa chỉ: Tầng 6, số 36, Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị xử phạt 65 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.

Ngoài ra, còn có 4 công ty cũng bị xử phạt liên quan đến công bố, quảng cáo sản phẩm: Công ty TNHH MTV Dược phẩm Y tế Quốc tế MEDISTAR; công ty cổ phần y dược Ngũ Phúc Đường; công ty cổ phần Thiên Dược Sơn; công ty cổ phần thương mại quốc tế Đại Lâm Mộc.

untitled-1937-1650370646.jpg
Quảng cáo của Dược phẩm Hoàng Hường “thổi phồng” quá mức khiến người tiêu dùng lầm tưởng vào công dụng của sản phẩm. (Ảnh minh họa).

Trước những thông tin trên, dư luận một lần nữa lại lo lắng về tình trạng bát nháo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng đang tràn lan trên thị trường.

Trao đổi với PV Phụ nữ & Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhìn nhận: “Thực tế, việc quản lý thuốc và thực phẩm chức năng của Việt Nam hiện nay làm hoàn toàn chưa tốt. Biểu hiện ở chỗ vẫn xuất hiện nhan nhản những quảng cáo quảng cáo sai sự thật, mua bán tràn lan các sản phẩm.

Có thể kể đến gần đây nhất, như khi dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng rao bán thực phẩm chức năng và thuốc điều trị tràn lan trên mạng, có thể gọi là “chợ mạng”, ai cũng có thể tư vấn, ai cũng có thể mua bán được. Trong khi, cơ quan chức năng thì chưa có những khuyến cáo nhất định. Bên cạnh đó, những thực phẩm chức năng mặc dù được cấp phép hẳn hoi nhưng lại quảng cáo “thổi phồng” công dụng quá mức như thuốc chữa bệnh, quảng cáo một cách nhập nhèm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, cũng rất nhiều…”.

Vị ĐBQH cũng chỉ ra, việc quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng mang lại tác hại rất lớn, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-thi-viet-nga-phu-nu-can-vung-len-1650370822.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra hệ lụy của việc quảng cáo phóng đại quá mức của thực phẩm chức năng đến sức khỏe con người.

“Sản phẩm thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng bổ trợ cải thiện sức khỏe, cải thiện một số chức năng của cơ thể, nhưng qua một số lời lẽ quảng cáo phóng đại, lại có chức năng như thuốc chữa được bệnh này bệnh kia. Người tiêu dùng mà sử dụng như thuốc thì tác động rất xấu đến sức khỏe con người.

Sử dụng thực phẩm chức năng một cách tràn lan, đã là có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người tiêu dùng, mà lại sử dụng như thuốc chữa bệnh, thì có khi sẽ tước đi cơ hội chữa trị của người bệnh.

Bởi vì, khi một người đang bị bệnh, đáng lẽ sẽ phải chữa bằng thuốc, nhưng lại thấy sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc, nên thay vì mua thuốc, người đó rất có thể sẽ mua sản phẩm này để sử dụng. Nếu chữa bằng thuốc, bệnh tình đã có thể tiến triển, nhưng bây giờ lại “lao theo” thực phẩm chức năng, rõ ràng không có tác dụng chữa bệnh, thì nhiều khi bệnh tình lại thêm nặng vì không được chữa trị kịp thời.

Chính vì vậy, những thực phẩm chức năng “thổi phồng” công dụng đó không chỉ tước đi cơ hội chữa trị mà đôi khi còn là tước đi cả cơ hội sống của con người” - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga lý giải.

Cần xem xét, xử lý hình sự để răn đe

Về góc độ pháp lý, luật sự Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang & Cộng sự) cũng cho biết: “Trước đây, Thông tư số 08/2004/TTBYT Thông tư hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng do bộ Y tế ban hành đưa ra khái niệm “Thực phẩm chức năng” là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Song, hiện nay Thông tư 43/2014/TT-BYT (Thông tư quy định về quản lý thực phẩm chức năng) không còn đưa ra khái niệm về “Thực phẩm chức năng” nữa.

Thay vào đó, dựa trên quy định tại khoản 1 Điều 1, Thông tư số 43/2014/TT-BYT có thể hiểu thực phẩm chức năng bao gồm: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học, kể cả thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng yêu cầu tuân thủ các điều kiện hết sức nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, thời gian gần đây lợi dụng nhu cầu người dân phục hồi sức khỏe sau đại dịch Covid-19, có rất nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp pháp luật để “thần thánh hóa” thực phẩm chức năng, “thổi phồng” công dụng các sản phẩm này khiến người dân lầm tưởng về công dụng như thuốc chữa bệnh, khiến cho thị trường thực phẩm chức năng rất bát nháo, gây bức xúc trong dư luận. Nổi lên gần đây là vụ việc liên quan đến “Dược phẩm Hoàng Hường”.

Chưa bàn đến các vấn đề về kiểm nghiệm chất lượng, công bố sản phẩm, đối với hành vi quảng cáo “thần thánh hóa” thực phẩm chức năng, thổi phồng công dụng sản phẩm khiến người dân lầm tưởng về công dụng của các cá nhân, tổ chức (trong đó có Dược phẩm Hoàng Hường) đã là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo…

Hiện nay, đa số các quảng cáo về các sản phẩm thực phẩm chức năng thông qua mạng xã hội thường không được đăng ký và kiểm duyệt về nội dung. Dẫn đến thực trạng “hô biến” các sản phẩm thực phẩm chức năng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh thành các loại “thần dược” chữa trị “dứt điểm”, “loại bỏ” “diệt”… bệnh tật. Việc quảng cáo với các nội dung như trên là hết sức nguy hiểm cho người tiêu dùng thiếu hiểu biết”.

1192106666556651720199197202354663656691668o1-1650370822.jpg
Luật sư Nguyễn Cao Đạt cho rằng mức đô xử phạt chưa thực sự hợp lý.

Đề cập đến mức độ xử phạt, luật sư Nguyễn Cao Đạt cũng cho rằng chưa thực sự hợp lý: “Có thể thấy, liên quan đến chế tài xử phạt về hành vi này hiện nay là khá thấp. Ví dụ: Vụ việc của Dược phẩm Hoàng Hường, chỉ bị xử phạt 65 triệu đồng. So với khoảng lợi nhuận thu về, số tiền bị xử phạt này là chưa tương xứng, chưa có tính răn đe, ngăn chặn đối với các cá nhân, tổ chức có tương tự trong tương lai.

Tuy nhiên đối với các hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197, Bộ luật hình sự năm 2015.

“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Để giải quyết triệt để thực trạng nêu trên, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý về hoạt động quảng cáo. Tiến hành xử lý sớm các sai phạm, nhằm hạn chế hậu quả xảy ra”.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cũng phân tích thêm: “Tất cả những tình trạng như trên xuất hiện là do khâu quản lý làm chưa tốt, các chế tài xử lý vi phạm cũng còn quá nhẹ. Vì vậy, để siết chặt quản lý, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cũng cần phải có sự rà soát, xem xét để sửa đổi các quy định, làm sao để chế tài xử phạt thật nghiêm minh, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính”.

“Xử phạt hành chính dù số tiền có ít hay nhiều, cũng không giải quyết được vấn đề. Chưa kể, một cơ sở bị “tuýt còi” một sản phẩm thực phẩm chức năng này, thì rất có thể sau đó lại tung ra một sản phẩm khác, thậm chí, bị tước giấy phép có khi lại thành lập một công ty mang một cái tên khác.

Phải xem xét mức độ nguy hiểm có thể gây ra cho xã hội, để nâng mức xử phạt. Không xử phạt vi phạm hành chính nữa, mà phải xem xét xử lý hình sự đối với những trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, mới đủ sức răn đe”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

Theo luật sư Nguyễn Cao Đạt, đối với hoạt động quảng cáo liên quan đến sản phẩm thực phẩm chức năng ngoài tuân thủ các theo quy định chung của Luật Quảng cáo, thì phải tuân thủ các quy định liên quan như sau:

- Tại Điều 7 Thông tư số 43/2014/TT-BYT, Thông tư quy định về quản lý thực phẩm chức năng, quy định:

“Điều 7. Quảng cáo thực phẩm chức năng

1. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo.

2. Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường.”

- Tại khoản 1, Điều 26; khoản 1,2,3 Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

“Điều 26. Các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo

1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

...”

“Điều 27. Đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm

Việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định sau:

1. Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

2. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

3. Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

a) Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;

b) Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.

…”