Giá cà phê tăng: Cơ hội vàng cho cà phê Việt phá vỡ kỷ lục xuất khẩu 4 tỷ USD

Giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD.

Giá cà phê trong nước trên đà tăng, kỳ vọng xuất khẩu cả năm 2023 phá vỡ kỷ lục 4 tỷ USD

Theo khảo sát, giá cà phê trong nước đồng loạt tăng 300 đồng/kg, hiện trong khoảng 65.800 - 66.500 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng thấp nhất khu vực là 65.800 đồng/kg.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882 nghìn tấn, trị giá 2,02 tỷ USD. Mặc dù xuất khẩu cà phê giảm 2,2% về lượng nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Hiện giá cà phê thu mua trong nước đã vượt mức 65.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt mức 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia dự báo với đà tăng giá này, Việt Nam đang tiến rất gần với mục tiêu phá vỡ kỷ lục giá trị xuất khẩu cà phê 4 tỷ USD của năm 2022.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê biến động trái chiều. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2023 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,20% (tương đương 33 USD) lên mức 2.792 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2023 trên sàn ICE Futures US giảm 1,16% (tương đương 2 US cent) về mức 170,25 US cent/pound.

Kinh tế vĩ mô - Giá cà phê tăng: Cơ hội vàng cho cà phê Việt phá vỡ kỷ lục xuất khẩu 4 tỷ USD

Xuất khẩu cà phê có cơ hội duy trì mức 4 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Những tháng đầu năm xuất khẩu cà phê vượt mốc 2 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, theo ước tính, tháng 5/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 165 nghìn tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 0,9% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 tăng 15,7% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882 nghìn tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 5/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 4/2023, nhưng tăng 5,3% so với tháng 5/2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ cấu chủng loại 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa và cà phê chế biến tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 4/2023 đạt xấp xỉ 145 nghìn tấn, trị giá 312,67 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 16% về trị giá so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam đạt 647,74 nghìn tấn, trị giá 1,29 tỷ USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 2,0% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường Tây Ban Nha, Nhật Bản, Bỉ, Anh, Hà Lan giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Đức, Italia, Hoa Kỳ, Nga tăng.

Báo Công Thương dẫn nguồn Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Dự báo, sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10% - 15%/năm do thời tiết không thuận lợi.

Dù vậy, không chỉ nông dân mà một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết, họ không được hưởng lợi từ giá cà phê tăng. Tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các doanh nghiệp Việt không dám trữ hàng.

Kinh tế vĩ mô - Giá cà phê tăng: Cơ hội vàng cho cà phê Việt phá vỡ kỷ lục xuất khẩu 4 tỷ USD (Hình 2).

 Ảnh minh họa.

Xu hướng cà phê tăng giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng người dân mở rộng vùng trồng. VICOFA cũng cảnh báo, theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm cà phê xuất xứ từ vùng rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 30/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

Do đó, lưu ý không trồng trên diện tích đất có rủi ro về nguồn gốc phá rừng vì sẽ ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tương lai.

Bên cạnh hỗ trợ từ nguồn cung khan hiếm, ưu thế giá thành rẻ hơn so với cà phê Arabica mở ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Robusta trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Việt Nam.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 tiếp tục ảm đạm với mức dự báo 2,8%, giảm 1 điểm phần trăm so với mức 2,9% được đưa ra hồi tháng 1, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo mới nhất. Đặc biệt, hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều được dự đoán mức tăng trưởng khá khiêm tốn, lần lượt dưới 1% và 2%.

5 tháng đầu năm xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 20,26 tỷ USD

Thông tin trên báo Chính Phủ, theo thống kê, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 36,96 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 8,7%; xuất siêu 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%.

Chỉ tính riêng tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm nông sản đạt 2,42 tỷ USD, tăng 27,8%; chăn nuôi đạt 44 triệu USD, tăng 25,5%; thủy sản đạt 900 triệu USD, giảm 14,4%; lâm sản đạt 1,31 tỷ USD, giảm 12,3%; đầu vào sản xuất đạt 178 triệu USD, giảm 16,1% và muối đạt 0,5 triệu USD, giảm 8,6%.

Tổng 5 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1%. Trong đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; thuỷ sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%; đầu vào sản xuất đạt 779 triệu USD, giảm 25,9% và muối đạt 2,0 triệu USD, giảm 11,9%.

Năm tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 9,73 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 4,42 tỷ USD, giảm 34,6%; châu Âu đạt 2,42 tỷ USD, giảm 13,2%; châu Phi đạt 327 triệu USD, giảm 5,6%; châu Đại Dương đạt 280 triệu USD, giảm 28%.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%.

Thông tin thêm trên Kinh tế & Đô thị, trong bối cảnh nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn phát huy vai trò trụ đỡ, góp phần ổn định an ninh, lương thực trong nước, đáp ứng mục tiêu xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ giao.

Để nông nghiệp xuất khẩu mạnh mẽ, Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp cần tận dụng các Hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực. Đồng thời, các bộ ngành, cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, phối hợp bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài...

Trúc Chi (t/h)