Gia đình - Nơi con trẻ vượt qua áp lực

GD&TĐ - Mỗi mùa thi đến, hầu hết sĩ tử nào cũng có tâm lý lo lắng và căng thẳng. Tuy nhiên, người học sẽ dễ dàng vượt qua kỳ thi nếu luôn được gia đình động viên và chăm sóc.

Cha mẹ cần bổ sung cho con những thực phẩm có nhiều lợi ích. Ảnh minh họa.

Chú trọng tới tâm lý con

Đối với gia đình anh Lê Tuân (Ba Đình, Hà Nội), mỗi giờ học của con đều biến thành khoảng thời gian gia đình "to tiếng". Mặc dù mới học lớp 3, nhưng bé Vy - con anh Tuân luôn cảm thấy căng thẳng khi học, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị thi cuối kỳ.

"Tôi cũng rất muốn nhẹ nhàng với con, nhưng thực tế, khi nhìn con mất tập trung mà kiến thức chưa nắm vững, vợ chồng tôi vô cùng lo lắng và bực bội. Do khó kiềm chế, nên tôi thường mắng cháu khi ôn bài", anh Tuân chia sẻ.

Do thường xuyên bị bố mẹ lớn tiếng, bé Vy dần có tâm lý sợ mỗi khi được yêu cầu lấy sách vở ra học bài. Thậm chí, anh Tuân cho biết, thay vì đạt được hiệu quả tích cực, Vy thường trở nên mệt mỏi mỗi lần ôn thi và thể hiện thái độ "ghét học".

Trái lại, anh Quang Huy (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, để con có tâm lý tốt mỗi khi chuẩn bị thi, gia đình luôn cố gắng ở bên và động viên cháu.

"Vợ chồng tôi cũng khá lo lắng khi con sắp thi. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng, các cháu mới là người lo lắng hơn ai hết. Do đó, tôi không gây áp lực mà chỉ nhẹ nhàng chia sẻ, giúp con có động lực học bài hơn", anh Huy nói.

Phụ huynh này khẳng định, vì biết luôn được gia đình quan tâm, nên con có ý thức học tập rất cao. Ngoài ra, gia đình anh Huy cũng thường xuyên "treo giải thưởng" nếu con đạt điểm tốt trong bài kiểm tra hoặc kỳ thi.

"Tôi sẵn sàng thưởng cho con món đồ cháu thích, hoặc cho cháu đi du lịch, nếu con chăm chỉ ôn tập và hoàn thành tốt bài thi", anh nói thêm.

Không quá tạo áp lực

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, giảng viên Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: "Cũng giống như khi chúng ta làm việc, nếu không có bất kỳ áp lực nào thì đôi khi, chúng ta cũng sẽ không tích cực trong công việc.

Đối với học sinh, nếu quá nhiều áp lực thì năng lượng đáng lẽ để tập trung cho việc học và ghi nhớ đã bị lo âu đốt cháy hết. Stress như một chất muối làm cuộc sống thêm gia vị, nhưng trên thực tế hiện nay, cha mẹ đang cho các con quá mặn".

PGS Trần Thành Nam cho rằng, cha mẹ nên xác định cho con mục tiêu cuộc sống và tầm quan trọng của những cột mốc như kỳ thi, theo dõi con để bảo đảm trẻ cân bằng giữa những hoạt động tư duy và vận động, giữa thời gian học các môn logic và ghi nhớ sáng tạo.

"Năng lực chịu đựng áp lực của con sẽ được nâng lên từ từ để đối diện với những kỳ thi lớn khác trong cuộc đời, nếu cha mẹ luôn ở bên và động viên từng cố gắng của trẻ, thay vì áp kỳ vọng, tiêu chuẩn cao lên con", chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS Trần Thành Nam khuyến cáo, để giúp con tự tin hơn, cha mẹ nên khen ngợi khi trẻ làm điều tốt. Ngoài ra, việc để con có cơ hội được trải nghiệm và tự đưa ra quyết định cũng là những yếu tố vô cùng quan trọng.

"Hãy phê bình con mang tính chất xây dựng. Thay vì la mắng, cha mẹ nên giúp con trở nên tốt nhất có thể", PGS Trần Thành Nam cho biết.

Trong khi đó, cô Bùi Thuý Nga - giảng viên môn Tiếng Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho biết: "Mỗi khi sắp đến kỳ thi, tôi không tạo áp lực quá lớn lên sinh viên. Thay vào đó, tôi thường nhắn tin hỏi thăm, xem liệu các bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi chưa, đã nắm được kỹ kiến thức và bí quyết để đạt điểm cao chưa".

Nữ giảng viên cũng chia sẻ, cô thường gửi lời chúc sinh viên thi tốt thông qua mạng xã hội. "Nhờ vậy, sau mỗi kỳ thi, sinh viên sẽ chủ động nhắn tin chia sẻ tình hình", cô Nga nói.

Vì vậy, cô Nga cho rằng, hơn lúc nào hết, giai đoạn thi cử là khi người học cần sự động viên từ gia đình. Bên cạnh việc ôn tập kỹ lưỡng, sự quan tâm của cha mẹ cũng vô cùng quan trọng trong việc giúp con đạt kết quả như mong muốn.

Quan tâm sức khỏe con

Bên cạnh việc tạo tâm lý thoải mái và động viên con, cha mẹ cũng cần chú trọng tới sức khỏe để trẻ tự tin bước vào kỳ thi.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, một chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng, các vi chất cần thiết cho sĩ tử.

Ngoài ra, việc kết hợp lối sống, nếp sinh hoạt khoa học sẽ bảo đảm học sinh có sức khỏe tốt, giúp trí não tỉnh táo, nhận thức và tư duy nhanh. Vì vậy, phụ huynh nên ưu tiên cho con bổ sung một số loại thực phẩm có nhiều lợi ích như: Trứng, nấm, đậu phụ, các loại hạt (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, hạt sen), cá, các loại rau có màu xanh đậm, hoa quả, sữa chua, sữa...

Bên cạnh đó, các sĩ tử nên tránh những loại thực phẩm chứa nhiều chất bột - đường - chất béo như: Nước ngọt, bánh kẹo, các loại bánh tiêu, quẩy, nem chua rán, bánh khoai, chuối, ngô, phomai que, bim bim…

Các thực phẩm này tuy mang năng lượng ngay cho cơ thể nhưng là "năng lượng rỗng" không chứa các thành phần vitamin, chất khoáng, chất xơ. Chúng gây cảm giác no bụng, khiến mọi người không ngon miệng khi dùng bữa chính.

Ngoài ra, việc thường xuyên ăn những thực phẩm trên vào bữa phụ sẽ khiến cơ thể luôn bị thiếu chất. Hậu quả là, sau một thời gian sẽ gây rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Ngoài ra, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, các sĩ tử cần tránh dùng những thức uống như cà phê, trà, nước tăng lực... Những thực phẩm này mang đến sự tỉnh táo giả tạo, không thực sự giúp trí não trở nên khỏe mạnh hơn.