Trước đà tăng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước được dự báo có thể được liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh tăng từ 900 - 1.300 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 1/8.
Theo báo Vietnamnet, giá xăng dầu trên thị trường thế giới hôm nay (28/7) tiếp đà tăng, tiến sát mức cao nhất trong 3 tháng. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h17' ngày 28/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 83,8 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 79,72 USD/thùng.
Giới phân tích nhận định, giá dầu tăng lên trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (còn gọi là OPEC+) cắt giảm sản lượng khiến nguồn cung thắt chặt.
Lo ngại thâm hụt nguồn cung vẫn đang là mối bận tâm chính của nhiều nhà đầu tư. Reuters cho rằng Saudi Arabia có khả năng duy trì chính sách cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng nhu cầu dầu tăng của Trung Quốc.
Dự báo về diễn biến giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành sắp tới ngày 1/8, báo VTC News dẫn lời lãnh đạo 1 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh cho rằng giá xăng trong nước sắp tới có thể tăng từ 900 - 1.300 đồng/lít, giá các loại dầu có thể tăng nhẹ hơn, từ 500 - 1.000 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn, mức tăng có thể cao hơn, từ 1.000 - 1.500 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện tại đang được áp dụng theo giá điều chỉnh từ ngày 21/7.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 1.220 đồng/lít, lên 21.639 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.295 đồng/lít, lên 22.792 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 884 đồng/lít lên 19.500 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 869 đồng/lít lên 19.189 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 437 đồng/kg lên 15.725 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 11 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, đối với hạ tầng dự trữ xăng dầu, phấn đấu hạ tầng dự trữ sản xuất: Đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm theo thiết kế các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu hoạt động ổn định, đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.
Hạ tầng dự trữ thương mại: Đảm bảo hạ tầng dự trữ thương mại ổn định nhu cầu thị trường trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2,5 - 3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021 - 2030, đạt sức chứa tới 10.500.000 m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30 - 35 ngày nhập ròng.
Vân Anh (T/h)