Giá xăng tăng, đạt mức hơn 30.000 đồng/lít, tài xế công nghệ tắt app nghỉ chạy vì...lỗ

Tại TP.HCM, việc bắt xe ôm công nghệ ngay cả trong thời gian không thuộc giờ cao điểm cũng khó hơn trước đây, nếu có chuyến thì tài xế thường ở khá xa điểm đón. Nguyên nhân xuất phát từ giá xăng tăng mạnh nhưng giá mỗi cuốc xe vẫn không thay đổi. Nhiều tài xế tắt app, nghỉ chạy vì "lỗ".

Giá xăng liên tục tăng cao và đạt mức gần 31.000 đồng trong tuần cuối tháng 5/2022. Việc xăng tăng đã khiến cho nhiều dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, ăn uống... phải điều chỉnh mức giá để đảm bảo doanh thu. Tuy nhiên, các hãng xe ôm công nghệ hoạt động tại TP HCM vẫn giữ nguyên mức chiết khấu đối với tài xế, giá mỗi cuốc xe tính trên số km vẫn không thay đổi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập hàng tháng của những người làm việc trong nghề này.

1-1653662738.jpg
 

Là một người chạy xe ôm công nghệ cho hãng Gojek lâu năm, ông Đ.M.T (52 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) cho biết mình vẫn bám trụ với công việc này mặc dù nhiều đồng nghiệp đã nghỉ để chuyển sang tìm công việc mới. Mỗi ngày ông T. chạy xe từ 9h sáng đến 6h tối, nhận giao đồ ăn, chở hàng và chở khách. Thu nhập trung bình 600.000 đồng một ngày chưa trừ các chi phí. 

Ông T. cho biết: "Ví dụ trước đây mỗi ngày chạy xe có thể kiếm được 450.000 đồng sau khi đã đổ xăng, ăn uống, trả phí cho công ty thì bây giờ chỉ còn khoảng 300.000 đồng. Một ngày làm việc ở ngoài nắng liên tục, chạy hàng chục có khi cả trăm cây số, xăng tăng giá nên thu nhập không bõ bèn gì". 

Ông cũng không đồng tình với quan điểm của nhiều người cho rằng chạy xe ôm công nghệ có thu nhập 300.000 đồng/ngày là mức ổn, cao hơn nhiều người đang làm công việc văn phòng. Bởi các tài xế làm việc ngoài trời, nắng mưa khá vất vả, đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn giao thông, bị bùng hàng... 

2-1653662738.jpg

Xăng tăng tiến sát mốc 31.000 đồng/lít. Ảnh: Báo Người Lao Động. 

TP HCM có lượng xe ôm công nghệ sử dụng cả xe máy và ô tô lớn nhất trên cả nước. Tại đây tập trung các hãng xe lớn như Gojek, Be, Grab... Trước đây, nếu người sử dụng app đặt xe chỉ hơi khó gọi xe trong khung giờ cao điểm, khi trời mưa lớn thì hiện tại ngay cả trong các khung thời gian khác cũng khó đặt xe. Nếu có, tài xế thường có quãng đường di chuyển khá xa, 5,7 phút thậm chí là 10 phút mới đến điểm đón. Nhiều tài xế thấy điểm đón khá xa sẽ chủ động huỷ chuyến hoặc nhờ khách hàng huỷ chuyến vì đủ lý do khác nhau.

Anh N.M.H (23 tuổi, quận 9, TP HCM) đăng kí chạy xe ôm công nghệ được 2 năm, anh dùng tiền kiếm được để trang trải chi phí học tập. Hiện tại anh H chỉ chạy khoảng 4 tiếng thời gian buổi tối, phần vì bận học, phần vì thời tiết nắng nóng ban ngày khiến anh mệt mỏi nếu chạy xe liên tục ngoài đường. Từ khi xăng tăng giá, số tiền kiếm được mỗi ngày của anh giảm đi đáng kể: "Nhiều khi giao đồ ăn liên tục mấy tiếng mà kiếm được hơn 100.000 đồng, đổ xăng xong cũng không còn bao nhiêu", anh kể. Chàng trai trẻ đang suy nghĩ lên phương án tìm kiếm công việc khác để có thêm thu nhập. 

Hiện nay, một số hãng xe đã có một số điều chỉnh để hỗ trợ tài xế, còn hãng xe của anh N. M. H vẫn chưa có động thái nào kể từ khi xăng bắt đầu tăng từ tháng 3/2022. Các hãng chủ động tặng thêm điểm thưởng hoặc ra thêm các chính sách mới để tạo thêm thu nhập, khuyến khích tài xế làm việc tuy nhiên không đáng kể. 

Chị N.N.M (35 tuổi, quận 2, TP HCM) đã chủ động xin nhận thêm một số công việc làm tại nhà để bù vào khoản thu nhập bị hụt, số tiền kiếm được từ việc chạy xe giảm do xăng tăng làm chị áp lực bởi phải lo tiền học phí cho các con. Trước đây chị dành hơn 10 tiếng 1 ngày cho việc chạy xe, nhưng hiện tại chị chủ động tắt app vào giờ cao điểm, chỉ chạy các khung giờ bình thường. 

3-1653662738.jpg

"Giờ cao điểm có khi mình chở một khách từ quận 3 về Gò Vấp quãng đường chỉ hơn 9km mà mất tới 1 tiếng. 1 tiếng cao điểm đó chạy xe mình kiếm được hơn 50.000 đồng mà lại rất mệt. Nên bây giờ mình chạy giờ bình thường để mình có thể kiếm được nhiều cuốc xe hơn, giao nhiều hơn hàng hơn cũng tránh quá lao lực, về nhà không làm được việc khác", chị M tâm sự.

Khi được hỏi về việc dạo gần đây khách hàng than phiền việc khó bắt xe, chị cho biết nhiều tài xế đã chuyển nghề vì càng chạy, càng "lỗ". Chi phí xăng và chiết khấu đã chiếm phần nhiều trong doanh thu, số còn lại không đủ chi phí trong cuộc sống hàng ngày. 

Nhiều nhân viên văn phòng tại TP HCM cũng "kêu trời" khi gần như không thể đặt xe, hoặc nếu có sẽ phải chờ rất lâu. Chị M.K làm việc tại quận 3, TP HCM thường xuyên sử dụng xe ôm công nghệ để di chuyển, chị nói: "Khoảng tầm 5h chiều đến 7 tối giá xe tăng rất cao, nhiều khi gấp đôi giá bình thường nhưng tăng giá là một chuyện, đặt được xe hay không lại là chuyện khác. Tài xế giờ họ ngại chạy giờ cao điểm vì xăng tăng, mà di chuyển trong thời gian này quá vất vả". 

Đến TP HCM du lịch và thăm người thân được 5 ngày, chị Hải Yến cho biết cô khó khăn trong việc gọi xe kể cả xe máy lẫn ô tô công nghệ. Nhiều hôm cô phải bắt taxi trên đường để di chuyển và phải trả giá khá đắt cho một cuốc xe. 

4-1653662739.png

Hải Yến đặt xe sang quận Gò Vấp để thăm họ hàng nhưng mất hơn 1 tiếng vẫn không đặt được. 

Đối với các tài xế công nghệ 4 bánh, gánh nặng lại càng lớn hơn khi nhiều người vừa phải lo chi phí sinh hoạt vừa phải trả nợ ngân hàng khi vay tiền mua xe để chạy. Các tài xế này chỉ còn cách tìm mối nhận chở khách du lịch đi các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, Vũng Tàu.., nhiều bác tài còn nhận làm thêm giao hàng cho các shop quần áo, thực phẩm...

Việc tắt app, khó gọi xe do chi phí đầu vào quá cao, áp lực giao thông khó khăn khiến việc di chuyển của tài xế không hiệu quả, ngoài ra cách vận hành các app đã khiến tài xế phát sinh nhiều chi phí. Trong thời gian tới, một số hãng xe cần cân bằng lợi ích của tài xế, khách hàng để điều chỉnh phù hợp với giá cả thị trường.

Nối gót hãng xe Grab, Gojek cũng đã bắt đầu tăng giá các dịch vụ xe 2 bánh và giữ nguyên các dịch vụ còn lại. Mức tăng giá dao động từ 500 - 1000 đồng, không đáng kể. Theo các tài xế của hãng xe này, giá cước tăng vẫn chưa thể bù lại được các chi phí khác. 

H.G