Giải bài toán nhân sự ngành logistics, cần kéo gần khoảng cách đào tạo – thực tiễn

Theo nhận định của giới chuyên môn, để duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển, vấn đề cốt lõi của ngành logistics vẫn nằm ở việc cải thiện điểm yếu cố hữu về nguồn nhân lực.

Thời gian qua, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 14 - 16% mỗi năm; ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Sự tăng trưởng tích cực cùng những cơ chế, chính sách phát triển ngành logistics cũng kéo theo xu hướng phát triển đào tạo và sử dụng nhân lực logistics.

Cụ thể, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 công bố Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học.

Theo đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có mã ngành riêng là 7510605 thuộc nhóm ngành Quản lý công nghiệp (mã 75106). Điều này đã thúc đẩy các cơ sở đào tạo trong cả nước xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ở bậc đại học. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học cũng đồng thời tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành liên quan đến logistics thuộc 07 mã ngành.

logistics-1664179267.jpeg
Nhân sự là “điểm yếu” cố hữu của ngành logistics nhiều năm qua.

Tuy có được những số liệu “đẹp”, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ nhưng năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế. Trong đó, nhân lực chính là một trong những vấn đề cấp thiết của ngành này.

Khảo sát của Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2021 cho thấy, đối với một số tiêu chí, đánh giá của doanh nghiệp đều thấp hơn so với tự đánh giá của các trường đại học.

Đặc biệt, các tiêu chí liên quan đến kỹ năng (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tin học văn phòng) và đạo đức nghề nghiệp đang có khoảng cách rất lớn giữa đánh giá của doanh nghiệp và của các trường đại học. Đây chính là những tiêu chí mà các trường đại học cần cải thiện trong quá trình đào tạo của mình nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Phân tích về vấn đề này, bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VINAFCO cho rằng, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nếu có nguồn nhân lực chất lượng.

Tuy nhiên, bà Hương cũng khẳng định, mỗi doanh nghiệp lại có mục tiêu, định hướng phát triển riêng. Do đó, nhu cầu và những yêu cầu đối với nhân lực logistics sẽ có sự khác nhau.

"Với VINAFCO, bên cạnh trình độ chuyên môn thì chúng tôi đề cao những kỹ năng mềm của nhân sự; có thể nói đó chính là yêu cầu đối với việc tuyển dụng nhân sự của Công ty và cũng là Văn hóa VINAFCO mà chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng và phát triển: Tận tụy - Học hỏi và Sáng tạo không ngừng - Xông pha - Cam kết - Hiệu quả", bà Hương chia sẻ.

Để “kéo” khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) cho hay, nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội là kết nối giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp.

anh-hai-cuc-xnk-1664179318.jpg
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự VALOMA.

Qua các hoạt động, các hội viên VALOMA đến từ các cơ sở đào tạo nhân lực logistics có cơ hội tìm hiểu thực tế, trao đổi với các doanh nghiệp logistics về nhu cầu, chất lượng nhân sự.

"Đây là hoạt động thiết thực cho các nhà trường, các giảng viên ngành/chuyên ngành đào tạo nhân lực logistics và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các hội viên - giảng viên", ông Hải nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Hải cũng cho hay, hoạt động logistics rất quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế, giúp cho các hoạt động sản xuất thương mại, phân phối tiêu dùng được diễn ra trơn tru, thông suốt.

Trong bối cảnh nhu cầu nhân sự ngành logistics cần có thời gian để trưởng thành, các doanh nghiệp cũng có thể tính tới việc thuê dịch vụ, chuyên gia nước ngoài tùy thuộc nhu cầu và điều kiện.

“Việc thuê hay không, sử dụng các dịch vụ tư vấn, chuyên gia thì cũng có những lợi ích. Hiện nay, các doanh nghiệp của chúng ta ở quy mô nhỏ, lượng nhân sự thấp nên cũng là một trở ngại. Chúng ta cũng có những doanh nghiệp lớn và trung bình nên điều này cũng có thể xem xét và tính đến, trên cơ sở thông tin và tư vấn đấy phù hợp với các doanh nghiệp.

Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự lựa chọn, quyết định có sử dụng các dịch vụ tư vấn không và sử dụng ở mức độ nào? Từng doanh nghiệp sẽ căn cứ vào hoạt động cụ thể của mình để đưa ra quyết định”, ông Hải phân tích.

Cẩm Ly