‘Giải thưởng Sách Quốc gia góp phần phát triển văn hóa đọc’

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Giải thưởng Sách Quốc gia đã tôn vinh giới làm sách, giới thiệu ra công chúng những sách hay, lan tỏa giá trị của sách.

Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam lần thứ nhất trao vào ngày 19/4/2018. Giải nâng cấp, phát triển từ Giải thưởng Sách Việt Nam. Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản - có những trao đổi về sự kiện quan trọng của giới xuất bản.

Quy trình chấm giải chặt chẽ hơn

- Theo ông, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam lần đầu tổ chức có gì khác so với những năm trước?

- Để phát triển văn hóa đọc, chúng tôi có đề án nâng tầm Giải thưởng Sách Việt Nam trước đây thành Giải thưởng Sách Quốc gia. Giải thưởng trao cho sách có giá trị lớn về lý luận, tư tưởng, tri thức, giá trị thẩm mỹ. Giải tôn vinh các tác giả, nhà xuất bản, đơn vị tham gia xuất bản nói chung.

Thể loại sách dự giải năm nay phong phú, chia làm các tiểu ban nội dung như: sách lý luận - chính trị, giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật, văn học, thiếu nhi, khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn…

‘Giai thuong Sach Quoc gia gop phan phat trien van hoa doc’ hinh anh 1
Ông Hoàng Vĩnh Bảo trong buổi thẩm định kết quả chấm Giải thưởng Sách Quốc gia. Ảnh: Việt Hùng

Về cơ cấu giải có những hạng mục mới, như trao giải cho sách của người nước ngoài viết về Việt Nam, sách có lượng phát hành tốt… Tuy nhiên, năm nay do nhân sự Ban chấp hành Hội Xuất bản đều là những người mới, đề án phê duyệt chậm, nên mùa giải này chúng tôi tập trung 2 giải chính: Sách Hay, Sách Đẹp.

- Quy trình chấm giải năm nay có gì khác với những năm trước?       

- So với năm trước, quy trình giải chặt chẽ hơn. Những năm trước, chỉ có hội đồng sơ khảo và chung khảo chấm giải, rồi quyết định giải. Năm nay, trên cơ sở tuyển chọn sơ khảo, chúng tôi tìm ra những cuốn sách vào chung khảo, rồi có Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia xét giải.

Hội đồng gồm 22 thành viên, có đại diện Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, trưởng các tiểu ban chấm giải chuyên ngành... Các cuốn sách từ Hội đồng Chung khảo đưa lên, phải nhận được ít nhất 50% phiếu bầu của Hội đồng Sách Quốc gia mới được giải.

Một ưu điểm nữa của giải thưởng lần này là tất cả sách đề cử giải A phải có phản biện. Người phản biện độc lập không nằm trong hội đồng xét giải, họ là chuyên gia ở lĩnh vực mà nội dung cuốn sách đề cập.

- Điều lệ, quy chế của giải thưởng tới nay đã hoàn thiện?

- Qua quá trình triển khai giải thưởng, chúng tôi thấy có một số điều cần điều chỉnh, ví dụ mối quan hệ giữa tác giả và NXB thế nào khi dự giải. Trước đây, việc đề xuất, lựa chọn các cuốn sách dự thi đều do NXB, nhưng khi trao giải lại tôn vinh cả tác giả. Bởi vậy, có thể từ năm sau, nếu tác giả muốn tham gia thì có thể gửi sách dự thi.

‘Giai thuong Sach Quoc gia gop phan phat trien van hoa doc’ hinh anh 2
Những cuốn sách được đề cử cho Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất. Ảnh: Việt Hùng

Giải thưởng nhận sự quan tâm của giới xuất bản

- Giải thưởng thu hút sự quan tâm như thế nào từ giới xuất bản và công chúng?

- Có một thực tế khi thực hiện giải năm nay là thời gian ngắn, thêm nữa Ban chấp hành Hội Xuất bản toàn người mới, đề án giải thưởng chuyển sang giai đoạn mới, phê duyệt chậm. Tuy nhiên, số lượng NXB, số lượng tác phẩm dự thi không thua kém những năm trước.

Năm nay có trên 500 cuốn sách gửi tới dự thi, có khoảng 400 cuốn vào sơ khảo. Khi trình vào Hội đồng Chung khảo còn khoảng 200 cuốn.

Tôi cho rằng, trong thời gian ngắn như vậy, các NXB, phát hành sách đã rất quan tâm với giải này. Quá trình làm việc về phát triển văn hóa đọc, tôi thấy một số doanh nghiệp cũng quan tâm giải này. Làm sao để có những doanh nghiệp đồng hành cùng giải, đó cũng là mong muốn của chúng tôi.

- Có ý kiến cho rằng ở những mùa giải trước, một số cuốn sách tuy rất ý nghĩa, nhưng chưa gần gũi với bạn đọc. Ông nghĩ sao?

- Bởi thực tế đó nên quy chế mới có thêm giải sách được bạn đọc yêu thích nhất, giải phát hành nhiều nhất. Trong đề án Giải thưởng Sách Quốc gia, chúng tôi đã chủ trương có những hạng mục như vậy, tuy nhiên năm nay do thời gian gấp rút, nên chỉ tập trung hai hạng mục Sách Hay và Sách Đẹp. Sang năm, khi đã ổn định và có thời gian, các hạng mục này sẽ được triển khai đầy đủ.

Tất nhiên, vẫn có những sách chuyên sâu thì không thể có đông đảo công chúng quan tâm, mà chủ yếu dành cho giới chuyên môn, học thuật đọc. Trong giải có những cuốn nặng về chuyên môn nhưng giá trị cao, ta phải nhìn nhận như thế.

‘Giai thuong Sach Quoc gia gop phan phat trien van hoa doc’ hinh anh 3
Một buổi làm việc của Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Sách Quốc gia. Ảnh: Việt Hùng

- Năm nay giải thưởng rút gọn còn 35 cuốn, trong khi Giải thưởng Sách Việt Nam trước đây có khoảng 90 cuốn đạt giải. Có phải lượng sách hay sách đẹp đang ít đi?

- Tôi nghĩ do cách chấm giải chặt chẽ thì đúng hơn. Trong 7 thể loại sách tham gia dự thi, chỉ có 3 thể loại có sách đạt giải A, còn lại giải B và giải C. Riêng sách thiếu nhi không có giải A, giải B. Điều đó cho thấy hội đồng làm việc rất nghiêm túc, khách quan. Khi Hội đồng Chung khảo đưa lên đề cử, còn có Hội đồng Sách Quốc gia quyết định.

Một nguyên nhân nữa là do cơ cấu giải thưởng thay đổi. Ngay cả cơ cấu giải trong điều lệ quy định, sau mùa giải này sẽ tổng kết đánh giá, nếu cần điều chỉnh sẽ điều chỉnh, ví dụ có hạng mục cho tác giả trẻ chẳng hạn. 

- Ebook ngày một trở nên quan trọng với giới xuất bản, vì sao Giải thưởng Sách Quốc gia chưa có thêm hạng mục cho eboook?

- Thực tế ta đang thiếu và yếu về mảng ebook. Đã có một số NXB thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao. Đây là xu thế, phát triển khoa học công nghệ là bắt buộc. Chúng ta sẽ làm, và có thể những năm tới có những NXB thí điểm đi theo mô hình này.

Tuy nhiên, khi ebook phát triển chậm, có thể phản ánh việc bạn đọc vẫn có nhu cầu đọc sách truyền thống. Chúng ta phải nhìn vấn đề ở hai mặt. Một mặt ta phải quảng bá khuếch trương đọc sách truyền thống, một mặt phải làm ebook vì giới trẻ sẽ tiếp cận mảng này.

Vấn đề là chúng ta làm thế nào để họ tiếp cận dễ dàng mà vẫn đảm bảo giá trị sách.

Theo Thu Hiền (Zing.vn)