Ân hận vì giận chồng nên bỏ đi chữa lành để rồi bị sinh non
Đó là trường hợp vừa được tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa tâm thần Ngô Thị Thanh Hương (Viện Ứng dụng công nghệ y tế) chia sẻ, khi nói về những lưu ý khi đi chữa lành, nhất là với phụ nữ mang thai. Theo bác sĩ Hương, thai phụ trên ở Hà Nội, mang thai lần đầu, ở tuần thai thứ 30. Tuy nhiên, vì một mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, thai phụ đã giận chồng, rồi dọa sẽ đi chữa lành vì cho rằng bản thân bị tổn thương.
Nói là làm, người phụ nữ sau đó một mình bỏ nhà vào Đà Nẵng và không nói với chồng. “Thực ra, đây là thói quen của cô gái này. Trước đây, mỗi khi gặp chuyện gì, hay có căng thẳng là cô ấy lại đi du lịch, nhằm thay đổi không khí, không gian để chữa lành”, bác sĩ Hương chia sẻ.
Vừa vào đến Đà Nẵng một ngày, người mẹ trẻ đã xuất hiện cơn đau bụng và được đưa đến viện cấp cứu. Đáng buồn, cô gái đã sinh con ngay sau đó khi thai mới 30 tuần tuổi. Dù sau đó, mọi thứ đã được các bác sĩ xử lý ổn thỏa, nhưng người mẹ cảm thấy rất hối hận và ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý.
Mẹ bầu đi chữa lành là nhu cầu hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên cần lắng nghe cơ thể và có tư vấn của bác sĩ. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Thanh Hương cho biết, hiện nay từ khóa “chữa lành” khá phổ biến, không ít mẹ bầu cũng “đu trend” này bằng nhiều cách khác nhau. Thực tế, việc mẹ bầu chữa lành không hề xấu, vì khi mang bầu chị em chịu không ít áp lực, thậm chí là những tổn thương cả thể chất và tinh thần. Do vậy, các hoạt động giúp tinh thần thoải mái, cuộc sống tích cực hơn là điều cần thiết.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất là mẹ bầu cần lắng nghe cơ thể mình khi bản thân đang ở giai đoạn khó khăn trong việc di chuyển và tham gia các hoạt động khác bởi nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng của mẹ và con.
Mẹ bầu không bốc đồng đi chữa lành
TS.BS Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, chăm lo đời sống tinh thần cho các mẹ bầu là điều rất quan trọng, bao gồm cả việc chữa lành nếu người mẹ thấy cần thiết.
Tuy nhiên, các mẹ không nên bốc đồng, mà cần cân nhắc và đưa ra những phương án an toàn nhất cho hai mẹ con, đồng thời phải chuẩn bị thật tốt trước khi đi.
Cụ thể, bác sĩ Thành khuyên các mẹ bầu cần lưu ý những điều sau khi di chuyển:
- Thời điểm di chuyển xa tốt nhất là quý 2 của thai kỳ. Đây được coi là “giai đoạn vàng”, khi đó người phụ nữ khỏe mạnh nhất, thăng hoa nhất ở đời sống vợ chồng, vì thế hãy tận dụng giai đoạn này để đi du lịch, chữa lành.
Còn trong quý 1, tình trạng ra máu bất thường rất dễ xảy ra. “Trường hợp đang đi chơi mà thai phụ ra máu, dù chưa biết có ảnh hưởng gì đến em bé hay không, nhưng sẽ khiến bản thân lo lắng, cả đoàn mất vui”, bác sĩ Thành nói.
Còn ở giai đoạn 3 của thai kỳ, trọng lượng cơ thể tăng nhiều, việc đi lại rất nặng nề và có thể dễ ngã, ảnh hưởng đến cả mẹ và con.
Khi đi du lịch hay chữa lành, các mẹ bầu cần lưu ý, nhất là di chuyển bằng máy bay. Ảnh minh họa.
- Chú ý đến phương tiện di chuyển. Hiện nay, phương tiện và đường giao thông khá tốt nên mẹ bầu có nhiều sự lựa chọn, tùy vào khả năng kinh tế. Tuy nhiên, nếu đi máy bay, các mẹ nên khám thai và mang giấy khám thai trước khi đi.
“Thực tế, đã có trường hợp mẹ bầu đẻ rơi trên máy bay. Hay tôi có bệnh nhân mang thai 30 tuần đi du lịch Trung Quốc, nhưng 32 tuần không được bay về nước vì thiếu giấy khám thai. Khi đó, thai phụ phải quay lại khám thai xong, có giấy tờ đảm bảo họ mới cho về nước”, bác sĩ Thành chia sẻ.
- Nếu di chuyển trên phương tiện giao thông kéo dài trên 6 tiếng, thai phụ nên chọn nơi rộng rãi, có chỗ đi lại thuận tiện để tránh nguy cơ bị huyết khối, tắc mạch. Cứ sau 1-2 tiếng ngồi hoặc nằm, mẹ bầu cần phải đứng dậy đi lại để lưu thông huyết khối, tránh tắc mạch.