Giang 36 cùng đàn em lãnh án vì vây chặn xe công an

Với những hành vi ngông cuồng và coi thường pháp luật, Giang "36" cùng đám đàn em đã phải trả giá đắt.

Bốc đồng gây họa

Sau 1 ngày xét xử thì chiều 18/5, TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã tuyên phạt các các bị cáo: Nguyễn Tấn Lương 4 năm tù; Ngô Đình Giang 4 năm tù; Nguyễn Duy Kỷ (tổng hình phạt 7 năm tù) trong đó 3 năm 6 tháng tù trong vụ án này, 3 năm 6 tháng tù bị cộng thêm do Kỷ đang trong thời gian thử thách của thời gian chấp hành án treo nhưng phạm tội; Mai Văn Căn 2 năm 6 tháng tù và Nguyễn Văn Sơn 2 năm 6 tháng tù cùng về tội Gây rối trật tự công cộng. Nhóm trên là các bị cáo đã vây chặn xe công an vào giữa năm 2019 gây xôn xao dư luận.

Giang "36" buồn bã tại tòa

Theo cáo trạng, vào 13h ngày 12/6/2019, tại nhà hàng L.V. (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), Nguyễn Tấn Lương cùng ông Lê Vũ Trường Hải (45 tuổi, ngụ Đắk Lắk) và một số người quen cùng nhau ăn nhậu tại phòng VIP 8.

Cùng thời điểm, tại phòng VIP 2 có ông Phạm Văn Hiền (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai), ông Huỳnh Bảo Hùng (nguyên cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai), ông Nguyễn Quang Trường và ông Đinh Tú Anh (cùng là cán bộ đang công tác tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai; mặc thường phục) cũng đang ăn nhậu.

Trong lúc ăn uống, Lương đi ra ngoài hành lang đứng nói chuyện điện thoại. Lúc này, ông Hiền cũng đi ra ngoài và nôn ói, văng vào người Lương.

Sau khi lời qua tiếng lại, Lương đánh vào mặt ông Hiền nhưng được ông Hải can ngăn. Khoảng 13h30 cùng ngày, ông Hiền cùng ông Trường và ông Tú Anh sang phòng VIP 8 để gặp Lương xin lỗi. Nhưng khi nhóm ông Hiền vào phòng thì hai bên lại tiếp tục chửi bới nhau rồi sử dụng chén, đĩa, ghế trong phòng đánh, ném nhau.

Tình hình căng thẳng, Lương điện thoại cho Ngô Đình Giang đến hỗ trợ. Giang gọi thêm Kỷ, Bùi Văn Thái (còn gọi là Thái “đen”) đến “giải cứu”.

Sau khi xảy ra xô xát, ông Hiền cùng ông Trường, Tú Anh và ông Hùng lên ô tô 4 chỗ định rời khỏi quán thì bị Lương và một số người (chưa rõ lai lịch) chặn lại, lớn tiếng yêu cầu xuống xe.

Thời điểm này nhóm của Giang “36” cũng đến nơi, tiếp tục yêu cầu những người trong xe phải xuống xe. Nhóm Giang “36” la hét, hăm dọa, làm náo loạn khu vực trước cổng nhà hàng L.V.

Thấy vậy, ông Trường gọi điện thoại đến Tổng đài 113 thông báo sự việc, đề nghị can thiệp. Khi lực lượng cảnh sát 113 xuất hiện, nhóm Giang đứng dạt ra hai bên, ông Tú Anh điều khiển xe rời khỏi quán.

Lúc này, Giang “36” hô hào cả nhóm đuổi theo chặn xe ông Tú Anh lại, la hét lớn tiếng dọa đánh, dọa giết những người ngồi trong xe, gây náo loạn và ùn tắc giao thông nhiều giờ liền.

Mặc dù Công an phường Hiệp Hòa và Công an Biên Hòa được tăng cường đến yêu cầu Giang “36” và đồng bọn giải tán nhưng nhóm của Giang không chấp hành.

Khoảng 16h30 cùng ngày, Công an TP.Biên Hòa phải tăng cường thêm lực lượng, điều động xe cẩu đến giải quyết, nhóm Giang mới giải tán. Sau đó, các bị cáo lần lượt bị bắt giữ.

Những cái vẫy tay ngoài phòng xử án

Tại phiên tòa Lương nói rằng sự việc mà cáo trạng nêu còn nhiều chỗ chưa đúng vì theo Lương, Tú Anh cũng đã đe dọa tấn công nhiều người phía Lương nhưng cáo trạng không đề cập. Việc Lương gọi điện cho Giang đến quán chỉ với một mục đích là nhờ Giang chở Hải (người bị đánh trong vụ án) đi khỏi quán còn những việc xảy ra bên ngoài quán Lam Viên thì Lương không biết.

Lương trình bày cảnh sát 113 đã đến nhưng chưa làm đúng chức trách nhiệm vụ nên mới để dẫn đến sự việc nghiêm trọng như vậy. Đồng thời Lương cũng cho rằng Lương bị truy tốtheo điểm d, khoản 2, Điều 318 về tội Gây rối trật tự công cộng (tức là có hành vi xúi giục) là chưa chính xác. Lương thừa nhận bản thân có một phần lỗi là để dẫn đến vụ việc tụ tập đông người, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng còn lại không xúi giục ai.

“Vụ việc căng thẳng thì 15 phút sau, cảnh sát 113 đến nên Giang dạt sang bên đường đứng. Thời gian này Thiếu tá Nguyễn Tấn Hùng, cán bộ cảnh sát 113, đến thì bị cáo nói muốn những người trong xe Camry xuống xe nhưng anh Hùng lại để xe của Tú Anh chạy luôn. Khi xe của Tú Anh đi rồi, bị cáo đứng lại tranh luận với anh Hùng là tại sao không giữ xe lại để giải quyết, còn mấy vấn đề khác bị cáo không biết. Bị cáo chỉ gọi Giang đến chở anh Hải đi bệnh viện, không thấy xe của Giang ngăn cản xe Camry màu đen. Bị cáo thấy rất nhiều cảnh sát mang cả súng, áo giáp. Việc giải tán đám đông không phải trách nhiệm của bị cáo và bị cáo chưa kịp ngăn Giang chứ không phải là không can ngăn”, bị cáo Lương khai.

Khi được chủ tọa hỏi có liên quan và mâu thuẫn gì với nhóm người ngồi trên xe của Tú Anh không, bị cáo Giang cho rằng không mâu thuẫn. Nhưng khi nghe bị cáo Lương gọi đến để hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn với người khác thì Giang đã gọi một số người khác cùng đến hiện trường. Giang cũng thừa nhận đã cùng một số người tham gia chặn xe ô tô của Tú Anh.

Bị cáo Kỷ khai rằng lúc xảy ra vụ việc, Giang gọi Kỷ đến quán Lam Viên “có tí việc” nên Kỷ và Căn đến. Đến được một lúc thì thấy chiếc xe Camry của Tú Anh chạy ra khỏi quán nên cả hai và một số người lấy xe đuổi theo chiếc xe trên chặn lại. Kỷ cũng thừa nhận hành vi của mình là sai. Căn, Sơn cũng cùng thừa nhận đến hiện trường tham gia chặn xe là do Giang gọi đến và hành vi đó là sai trái.

HĐXX xác định Lương là người đã gọi điện cho Giang đến hiện trường, sau đó dẫn đến những sự việc nghiêm trọng. Lương đã khởi xướng sự việc và tích cực giúp sức còn Giang đã thực hiện sự việc một cách tích cực nhất nên Giang và Lương phải chịu chung mức án ngang nhau.

Khi tòa đã tuyên án, các bị cáo đều tỏ ra buồn bã. Con cái, gia đình, người thân chỉ dám đứng từ xa nhìn họ và chính bản thân họ cũng thế. Những trụ cột của gia đình sẽ ngồi sau song sắt để tu dưỡng bản thân còn người thân của họ phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, gồng mình mưu sinh vất vả. Đây chắc chắn sẽ là bài học đắt giá của rất nhiều người, không riêng gì Giang, Lương hay Kỷ…. 

Tiếng còi hú của những chiếc xe bít bùng đã đưa các bị cáo về trại giam nhưng người thân của họ vẫn đứng đó, đưa ánh mắt buồn bã nhìn về hướng chiếc xe cho đến khi khuất dần.

NHÂM NGUYỄN