Danh sách vẫn đang là một “ẩn số”
Ngày 27/12/2019, sở Nội vụ Hà Nội đã chính thức có văn bản hỏa tốc số 3269 về việc công khai danh sách giáo viên hợp đồng thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách theo công văn 5378 của bộ Nội vụ.
Theo đó, sở Nội vụ TP.Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã sau khi rà soát lập danh sách các giáo viên hợp đồng có đủ điều kiện được xem xét tuyển dụng đặc cách theo hướng dẫn tại khoản 2 công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của bộ Nội vụ, thực hiện các nội dung: Niêm yết công khai danh sách tại cổng thông tin điện tử của đơn vị; trụ sở UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; tại các trường học có giáo viên hợp đồng. Thời gian công khai từ ngày 28/12/2019 đến hết ngày 4/1/2020.
Văn bản của sở Nội vụ cũng yêu cầu, tổ chức tiếp nhận các thông tin bổ sung, điều chỉnh danh sách giáo viên hợp đồng; Đồng thời, kết thúc thời gian công khai, lập danh sách chính thức giáo viên hợp đồng đủ điều kiện được xem xét tuyển dụng đặc cách, chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách trên và gửi về sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo UBND thành phố trước ngày 7/1/2020.
Thực hiện chỉ đạo của sở Nội vụ, hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.Hà Nội đã công khai danh sách các giáo viên hợp đồng được xét đặc cách trên cổng thông tin điện tử.
Tuy nhiên, toàn bộ giáo viên hợp đồng huyện Đan Phượng vẫn đang mòn mỏi chờ đợi danh sách này được công khai. Đã quá một ngày kết thúc thười hạn công khai danh sách, huyện Đan Phượng vẫn chưa có động tĩnh gì.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, cô giáo T.T.T.H., một giáo viên với gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục huyện Đan Phượng bảy tỏ: “Hiện tại, tâm trạng của tôi cũng là tâm trạng chung của tất cả các thầy cô trong huyện. Đó là, thắc mắc vì sao, khi các huyện, thị xã khác đều đã công khia danh sách giáo viên đủ điều kiện xét tuyển đặc cách, thì huyện Đan Phượng vẫn còn chậm trễ?
Giáo viên hợp đồng Hà Nội vẫn mòn mỏi chờ kết quả xét tuyển, thấp thỏm lo câu chuyện nghề sẽ đi về đâu...
Nếu không công khai sớm, giáo viên hợp đồng chúng tôi sao có thể nắm được thông tin và kịp thời báo lại những thông tin chưa đúng để điều chỉnh phù hợp”.
“Trong suốt gần 20 năm gắn bó với nghề “phấn trắng, bảng đen”, mặc dù đồng lương eo hẹp của giáo viên cũng khiến gia đình gặp những khó khăn nhất định, nhưng tôi chưa một lần nghĩ mình sẽ bỏ nghề. Địa phương cũng nhiều lần tạo điều kiện cho chuyển ngành, sang chăm sóc y tế hoặc quản lý thư viện..., nhưng tôi vẫn kiên quyết bám trụ với nghề. Bởi tôi cũng như những tầy cô khác, vẫn còn yêu nghề, mến trẻ, vẫn muốn làm đúng chuyên ngành của mình.
Trong đợt thi tuyển viên chức vừa qua, tôi không đăng ký thi vì biết mình có thi cũng không đỗ được vòng 1. Trước đây chúng tôi học tiếng Pháp, giờ lại bắt thi tiếng Anh, mà bao nhiêu năm trôi qua, chúng tôi đâu còn nhanh nhạy như hồi trẻ để tiếp cận với ngoại ngữ mà ôn tập...
Chưa kể, trước khi thi, tôi đã cảm giác, ánh mắt của những thí sinh chỉ ngang tuổi với học trò của mình trước đây nhìn chúng tôi như ý: “Các cô có tuổi rồi còn đi tranh giành với tuổi trẻ...”. Tôi ngại lắm!”, cô giáo T.T.T.H. phân trần.
Sở Nội vụ đề nghị công khai danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét tuyển đặc cách trên cổng thông tin điện tử đến hết ngày 4/1.
Chưa công bố danh sách, vì bận chấm thi?
Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, giáo viên hợp đồng tại trường mầm non Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết: “Tôi cũng như rất nhiều giáo viên hợp đồng khác tại huyện Đan Phượng đều có chung một thắc mắc, về danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét tuyển đặc cách, đến khi nào mới “lộ diện”?”.
Với gần 8 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” tại địa phương, nay lại có nguy cơ mất việc, cô Liễu không ngần ngại giãi bày: “Sau đợt thi tuyển vừa rồi, tại huyện Đan Phượng, chỉ tiêu giáo viên mầm non vẫn còn thiếu rất nhiều, còn giáo viên tiểu học và THCS thì chỉ tiêu “nhỏ giọt” hơn nhưng dường như vẫn chưa tuyển được hết.
Vậy, tại sao, đến thời điểm này, địa phương vẫn chưa đưa ra những quyết định mang tính nhân văn cho tất cả giáo viên hợp đồng như chúng tôi?
Công văn 3269 của sở Nội vụ đã chỉ rõ, UBND các quận, huyện, thị xã cần có danh sách công khai hết ngày 4/1. Tuy nhiên, đã sang ngày 5/1, trên cổng thông tin điện tử Đan Phượng vẫn chưa có danh sách giáo viên đủ điều kiện xét tuyển đặc cách. Chỉ thấy danh sách giáo viên hợp đồng dạy lâu năm trên địa bàn huyện, được ký từ ngày 22/12/2019 mà đến ngày 30/12/2019, mới công bố danh sách này.
Trong khi đó, thông tin còn bị sai, ngày 31/12/2019 tôi có báo lại với văn thư, văn thư đã báo cho phòng GD&ĐT nhưng hiện tại vẫn chưa thấy động tĩnh gì hay điều chỉnh lại.
Chiều ngày 3/1, tôi cũng có lên phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng để hỏi tình hình nhưng không gặp được lãnh đạo, đến khi tôi gọi điện thì Trưởng phòng GD&ĐT cũng bảo đang bận nên không gặp được”.
“Hiện tại, huyện tôi cũng có những thông tin “lùm xùm” đến việc chấm phúc khảo bài thi, có thí sinh đang đỗ thành trượt nên sở GD&ĐT Hà Nội đang yêu cầu chấm lại toàn bộ bài thi. Chúng tôi tò mò, liệu có phải do huyện đang chấm lại bài thi nên chưa có thời gian rà soát và công khai danh sách này đúng thời hạn chăng?!”, cô Nguyễn Thị Liễu băn khoăn.
Trước đó, như báo điện tử Người Đưa Tin đã đăng tải, tại huyện Đan Phượng, có giáo viên hoang mang “cầu cứu” vì đang “đỗ” lại thành “trượt”.
Đó là câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Hoa, thi tuyển vào vị trí giáo viên Tin học, trường tiểu học Trung Châu B, huyện Đan Phượng.
Cụ thể, trong kỳ thi tuyển viên chức vừa qua, trường tiểu học Trung Châu B, huyện Đan Phượng có nhiều thí sinh cùng thi tuyển vị trí giáo viên Tin học.
Ngày 24/11/2019, kết quả ban đầu của cô Nguyễn Thị Hoa đạt 60,5 điểm, còn một thí sinh khác tên Nguyễn Thị Huyền đạt 57,0 điểm. Theo kết quả này, cô Hoa đáng lẽ đã “trúng tuyển”, trở thành giáo viên Tin học chính thức tại trường. Tuy nhiên, thí sinh Nguyễn Thị Huyền đã nộp đơn phúc khảo, sau khi có kết quả trả về vào ngày 12/12/2019, đạt 61,5 điểm (tăng 4,5 điểm so với điểm lần 1).
“Và theo quy định, chỉ khi chênh từ trên 5 điểm so với điểm lần 1 thì mới có sự đối chiếu giữa nhiều giám khảo... Nhưng tôi chỉ có một thắc mắc, đó là, hội đồng phúc khảo vì sao không công bố trước thời hạn “chốt”, hoặc ít nhất cũng cho tôi có thêm thời gian để được phúc khảo lại. Bởi vì, ban đầu điểm của tôi đang cao nhất, tôi đâu nghĩ đến chuyện sẽ phúc khảo. Nhưng sau khi thí sinh Huyền phúc khảo, cao hơn tôi 1 điểm, thành ra tôi bị trượt.
Điểm lần 1.
Điểm phúc khảo.
Tôi cũng muốn được phúc khảo, nếu bài tôi được hơn thì tôi vẫn còn cơ hội đỗ. Nhưng thời điểm công bố điểm phúc khảo của thí sinh đó cũng là thời điểm sát hạch bài thi đã khép lại, tôi hoàn toàn không có cơ hội nào để so lại… Điều đó có phải hơi vô lý hay không?!”, cô Nguyễn Thị Hoa trình bày.