GS.TS Đặng Đình Đào: Trọn một tình yêu với ngành Logistics

Trong không khí cả nước rộn ràng chào đón 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982 - 2023), chúng tôi rất may mắn có cơ hội được gặp mặt và trò chuyện với “Nhà giáo ưu tú”, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Logistics của Việt Nam - GS.TS Đặng Đình Đào. Đã bước sang tuổi bóng xế tà nhưng hình ảnh giản dị của ông vẫn tỏa sáng trên bầu trời nghiên cứu khoa học cũng như trong sự nghiệp trồng người của đất nước.

Từ đam mê vươn đến chân trời tri thức...

Năm 1954, một người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đã được sinh ra trên mảnh đất Châu Hóa bên bờ sông Gianh đã đi vào lịch sử, huyện Tuyên Hóa.

Tuổi thơ với những năm tháng gian khổ, thiếu thốn khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lo cái đói, cái nghèo từng ngày, mong cái no, cái ấm từng đêm, vậy mà chẳng điều gì có thể làm nản lòng, nản chí cậu học trò Đặng Đình Đào lúc bấy giờ, một người vốn mang trong trái tim truyền thống cách mạng, hiếu học với tất cả niềm khát khao được chạm tới bến bờ tri thức, đi trên con đường mới, và bước tới chân trời tươi sáng.

Suốt những năm tiểu học và trung học miệt mài đèn sách, ông luôn là tấm gương mẫu mực, nghiêm túc trong học tập, rèn luyện và tu dưỡng. 

gs-dao-1700446888.png

GS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Năm 1971, ước mơ bước chân vào giảng đường đại học đã trở thành hiện thực khi ông trúng tuyển với số điểm xuất sắc vào ngành Kinh tế và Quản lý cung ứng (MTC), của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Kiev, Ukraine, Liên Xô (cũ). 

Người học trò lúc ấy đã phải rời xa quê hương, gia đình, mang theo trái tim, ý chí, khát vọng của tuổi trẻ và khăn gói lên đường sang xứ người, hằng mong sau này đem tất cả trí tuệ, sự học hỏi để dựng xây đất nước.

Năm 1976, hoàn thành chương trình học tại Đại học Kinh tế Quốc dân Kiev với tấm bằng loại ưu, ông đã trở về nước công tác giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân - nơi “đóa hoa của tâm huyết và trí tuệ” đã thực sự nở rộ qua những bài giảng, buổi thuyết trình hấp dẫn, lôi cuốn, tràn đầy hứng khởi.

Chẳng thế mà, những tiết học của thầy giáo Đào lúc nào cũng kín giảng đường, sinh viên nào cũng mong muốn được gặp thầy, nghe thầy giảng và truyền cảm hứng.

... đến “Người đưa đò” tuyệt vời

“Thiếu thốn, khó khăn mà tràn đầy nhiệt huyết” đó là những gì mà thầy Đặng Đình Đào đã tâm sự với chúng tôi về những ngày đầu tiên chân ướt, chân ráo bước vào sự nghiệp giáo dục tại ngôi trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Khoảng thời gian đó cũng là lúc đất nước vừa mới thoát khỏi mưa bom bão đạn của chiến tranh chống đế quốc Mỹ, quân và dân cùng một lúc phải dồn sức bắt tay thực hiện công cuộc hàn gắn vết thương sau chiến tranh, khôi phục và phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng. 

khao-sat-1700447017.jpg

GS.TS Đặng Đình Đào cùng đồng nghiệp trong chuyến khảo sát Logistics tại Cảng Chân Mây, Thừa Thiên - Huế năm 2018.

Thời ấy, đời sống của cán bộ giáo viên còn nhiều khó khăn, thầy giáo Đào nhớ mãi về những tháng ngày sinh sống trong các khu nhà tập thể, cơ sở vật chất thô sơ, ăn chẳng đủ no mà áo chẳng đủ mặc, bo bo, mì hạt đã trở thành những món ăn thường lệ.

Để cải thiện kinh tế gia đình, một số thầy cô đã tự tìm cho mình “nghề phụ” sau những phấn trắng, bảng đen, thậm chí là buộc phải từ bỏ cái nghề “cao quý nhất trong các nghề cao quý” ấy vì gánh nặng “cơm áo gạo tiền”.

Tuy vậy, bởi ba tiếng “tình yêu nghề” cùng sự nặng lòng trách nhiệm với thế hệ tương lai mà GS Đặng Đình Đào khi ấy vẫn cố gắng bám trụ lại với trường, với bao thế hệ sinh viên để cống hiến và nuôi dưỡng những ước mơ cao cả. 

GS bồi hồi nhớ về những ngày tháng khó quên: “Mặc dù khó khăn, nhưng tinh thần học tập của sinh viên khi ấy rất cao. Trước những năm 2000 - 2005, các giảng đường của Kinh tế Quốc dân từ sáng đến 11h đêm đều có sinh viên ngồi đọc và học. Đó là tinh thần hiếu học truyền thống đáng quý của dân tộc ta mà thế hệ sinh viên ngày nay nên noi gương và học tập. Gần 50 năm, nhờ có bao nhiêu kỉ niệm gắn bó cùng với trường Kinh tế quốc dân, trải qua bao thế hệ sinh viên mà các thầy mới trưởng thành và phát triển.”

Thầy giáo Đặng Đình Đào được phân công giảng dạy tại trường Kinh tế Quốc dân từ năm 1976 thì sau đó một năm, ông được chủ nhiệm lớp đầu tiên khóa 20, chuyên ngành Cung ứng vật tư.

Từ đó đến nay, dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng thầy trò vẫn liên hệ, vẫn ghi nhớ và gắn bó với nhau. Dưới sự dìu dắt tận tụy, tâm huyết của thầy Đào, biết bao thế hệ học trò đã chắp cánh bay xa trưởng thành, thăng tiến trên con đường đời và nhiều người trong số họ luôn biết ơn, quý trọng “người đưa đò” tuyệt vời đã đưa họ đến với bến bờ tri thức, khơi nguồn sáng tạo, tình yêu cuộc sống, và phông văn hóa ứng xử văn minh.

le-bao-ve-1700447068.jpg

GS. TS Đặng Đình Đào trong buổi lễ Bảo vệ Luận án Tiến sĩ của học trò mình.

Là một người cầu toàn, không dừng lại ở công việc giảng dạy đơn thuần, ông còn đặc biệt chú trọng đến vấn đề nghiên cứu khoa học, và coi đó là một phần không thể thiếu trên con đường chinh phục những dấu ấn đỉnh cao của tri thức.

Năm 1985, ông thi đỗ nghiên cứu sinh chuyên ngành Kinh tế và Quản lý cung ứng tại Đại học Kinh tế Quốc dân Kiev, Ukraine. Sau 4 năm học tập và nghiên cứu nghiêm túc, ông đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ ở Trường Đại học Kinh tế Plêkhanốp, Matxcơva, Liên Xô (cũ).

Trở về nước sau một thời gian tích lũy kiến thức, ông tiếp tục giảng dạy tại Đại học Kinh tế Quốc dân và được đề cử nhiều vị trí chủ chốt trong trường. 

Từ năm 1994 đến năm 2011 ông là Phó Chủ nhiệm bộ môn rồi Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế và Kinh doanh Thương mại, kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Hiện nay, dù đã nghỉ quản lý nhưng với chuyên môn kiến thức uyên thâm, bề dày kinh nghiệm giảng dạy, nên GS Đặng Đình Đào vẫn gắn bó với công việc trồng người. Ông đang là giảng viên cơ hữu của Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân; thành viên Hội đồng khoa học Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế; Thành viên Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sĩ kinh tế, Thạc sĩ kinh tế của các trường đại học và các viện nghiên cứu trong cả nước.

Một cuộc đời cao cả

Khi nhắc tới công trình nghiên cứu tâm đắc nhất của bản thân, giáo sư Đặng Đình Đào phấn khích chia sẻ về đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước: “Phát triển các dịch vụ Logistics ở nước ta trong hội nhập quốc tế” (mã số ĐTĐL 2010T/33). “Xây dựng và phát triển hệ thống logistics theo hướng bền vững – Kinh nghiệm của Đức và bài học đối với Việt Nam” (mã số B2012 – 06 – 10SP); Đề tài “Giải pháp phát triển bền vững các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”, (Mã số 01X – 07/05 – 2008/2); Đề án “ Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước".

Năm 2017, những ý tưởng, đề xuất trong công trình nghiên cứu của ông rất vinh dự đã được ghi nhận trong Quyết định số 200/QĐ-TTg của chính phủ việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025.

tien-si-1700447148.jpg

GS.TS Đặng Đình Đào cùng nghiên cứu sinh trong Lễ Bảo vệ Luận án Tiến sĩ tháng 11/2023.

Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học đã giúp cho GS.TS Đặng Đình Đào vận dụng “tư duy Logistics” không chỉ trong công tác nghiên cứu mà còn trong cả những khía cạnh khác của đời sống: Logistics trong giảng dạy, trong cuộc sống hôn nhân và gia đình…  Ngay trong chính mái ấm của mình, người giáo sư, đồng thời là người chồng, người cha ấy luôn đề cao vai trò mỗi thành viên trong gia đình bởi theo ông, mỗi cá nhân trong gia đình nói riêng hay xã hội nói chung, đều có những điểm mạnh, trách nhiệm, công việc riêng cần phát huy, trau dồi và phân bổ hợp lí.

giang-vien-1700447202.jpg

GS.TS Đặng Đình Đào phát biểu với vai trò là giảng viên hướng dẫn khoa học.

Bên cạnh đó, người thấy ấy vẫn luôn trăn trở về công tác nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Cụ thể, ông chỉ ra điểm bất cập trong Luật giáo dục 2019 khi chưa thực sự đề cao vai trò của các bộ môn khoa học. Ngoài ra, vấn đề tích hợp các môn học trong những cấp học thấp khiến cho những kiến thức nền trong từng môn học không được củng cố, dẫn đến chất lượng đào tạo bị suy giảm. “Tích hợp trong giáo dục là điều nên hạn chế, càng cao càng nên tích hợp, càng thấp càng nên phân tách” - Giáo sư nhấn mạnh.

Với những cống hiến to lớn của mình, ông đã xứng đáng được Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương khen thưởng: Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (2010); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm học 2009-2010); Bằng khen của Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (2008); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục -đào tạo (năm học 2008-2009), Bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và nhiều kỷ niệm chương, giấy khen khác. Ông còn được Hội Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam vinh danh Tri thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến (năm 2016) và vinh dự có mặt trong Bộ sách “100 Giáo sư Việt Nam - trọn đời cống hiến” NXB Hồng Đức 2018.

Gắn bó với Thủ đô Hà Nội hơn 40 năm, và nhiều năm học tập, nghiên cứu nơi xứ sở Bạch Dương xa xôi nhưng cốt cách mộc mạc, dung dị, tình cảm, mà vô cùng khoáng đạt của người con Quảng Bình trong ông vẫn cứ vẹn nguyên, tự nhiên chẳng đổi thay.

GS.TS NGƯT Đặng Đình Đào thực sự đã cống hiến với tất cả trí tuệ và tài năng của mình, để lại dấu ấn trong lòng mọi người trên con đường nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Đó là một cuộc đời, một sự nghiệp, một nhân cách thực sự cao cả và đáng tôn vinh.

Khánh Xuân - Nhật Lệ