Hôm nay (1/9), còn 5 ngày nữa Hà Nội sẽ kết thúc thực hiện giãn cách xã hội đợt 3 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Liệu sau ngày 6/9, Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội? Nếu tiếp tục giãn cách thì sẽ theo nguyên tắc nào, nới lỏng thì sẽ nới lỏng ra sao?
Trả lời Tuổi Trẻ Online về vấn đề trên, ông Khổng Minh Tuấn cho biết với số lượng ca F0 trong cộng đồng vẫn tăng và ý thức chấp hành giãn cách của người dân như hiện nay, thì việc thực hiện giãn cách xã hội có thể sẽ phải tiếp tục sau thời điểm 6/9.
"Người dân, doanh nghiệp ra đường nhiều quá. Từ nay đến ngày 4/9, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá nguy cơ trên kết quả xét nghiệm, tuy nhiên từ nay đến ngày 6/9 cứ tình hình như thế này thì chắc sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ít nhất là nửa chu kỳ", ông Tuấn nói.
Trước câu hỏi đối với các quận huyện "vùng xanh" hoặc một số địa phương đã hơn 30 ngày không phát hiện ca nhiễm mới, liệu TP có nới lỏng giãn cách đối với các địa phương trên sau ngày 6/9? Ông Tuấn cho biết, các quận ngoại thành hiện nay cơ bản đã "sạch", tuy nhiên việc giãn cách một nửa là vấn đề lớn.
"Thực hiện giãn cách một nửa rất là khó, giãn cách toàn TP dân còn không chấp hành, bây giờ chia nửa thì nguy cơ rất lớn. Tuy nhiên đó cũng là một ý kiến tốt, cần xem xét nhưng cái này tùy thuộc vào ý thức người dân. Ví dụ nội thành đang giãn cách mà người dân lại ra khu vực nới lỏng, nếu là F0 thì rất nguy hiểm", ông Tuấn nhận định.
Ông Tuấn cho biết thêm, nếu thực hiện nới lỏng một phần như trên thì phải xây dựng hệ thống kiểm soát rất chặt thì mới có thể áp dụng.
Về tình hình dịch chung của Hà Nội thời điểm hiện tại, ông Tuấn cho biết số ca mắc mới vẫn tăng cao. Ông Tuấn nói: "Hy vọng TP sẽ không phát sinh ổ dịch mới nữa mà chỉ là tàn dư của các ổ dịch cũ, đó là tín hiệu đáng mừng. Số ca mắc cao nhưng hiện tại nằm trong khu vực đã được phong tỏa, các trường hợp phát hiện ho sốt ngoài cộng đồng có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt tại các ổ dịch lớn".
Ông khuyến cáo đợt nghỉ lễ 2-9 tới, người dân nên tuyệt đối tuân thủ giãn cách xã hội, không được lấy lý do ngày nghỉ lễ để đi lại, gặp gỡ, liên hoan gia đình thì rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến thành quả chống dịch toàn TP.
Trả lời báo Người lao động, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc có tiếp tục giãn cách xã hội ở Hà Nội hay không phải đánh giá trên nhiều nguy cơ và xét trên nhiều bình diện chứ không phải nhìn vào số ca bệnh. Ví dụ, các ca bệnh ở Thanh Xuân Trung thì cũng chỉ nằm ở trong một khu vực nhỏ, chứ không phải ở khắp TP.
Hà Nội cần đánh giá các yếu tố như số ca bệnh, tính chất phức tạp của các ổ dịch, sự đáp ứng của TP trước tình hình dịch bệnh, kể cả các yếu tố bên trong và ngoài TP. Mọi biện pháp cần phải đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
Lý giải nguyên nhân tại sao sau gần 45 ngày giãn cách xã hội, số ca Covid-19 ở Hà Nội vẫn không có dấu hiệu giảm, ông Phu cho biết khi đã có những ca F0 trong cộng đồng thì để đưa dịch trở về 0 là rất khó.
"Dịch có những ca âm thầm, lẩn khuất trong cộng đồng, không thể hết được. Ngoài ra, chúng ta vẫn có những người đi lại bên ngoài, đi lại từ vùng dịch về, các chuỗi cung ứng vẫn hoạt động, người ra vào TP vẫn có, nên thời gian 'năm bữa nửa tháng' mà không còn ca nhiễm nữa là rất khó'.
Ông Phu lưu ý TP Hà Nội cũng nên cân nhắc các giải pháp trong trường hợp gỡ giãn cách thì không để dịch bùng lên, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Báo Lao động dẫn thông tin từ sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay địa bàn thành phố hiện có 7 ổ dịch mới phức tạp
Ổ dịch phức tạp nhất và có số ca mắc nhiều nhất là ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (từ ngày 24/8 đến ngày 31/8/2021). Ông Khổng Minh Tuấn nhận định, đến thời điểm này, chưa thể khẳng định một cách chuẩn xác tình hình dịch bệnh tại Hà Nội.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, chùm ca bệnh tại cửa hàng tiện ích ở Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân cũng khá phức tạp.
Được biết, chùm ca bệnh này khởi điểm từ bệnh nhân là chủ cửa hàng tiện ích D&H ở số Lê Trọng Tấn. Tính đến hết ngày 31/8, tại đây đã ghi nhận 8 ca dương tính gồm chồng và con của bệnh nhân này; 1 nhân viên tại cửa hàng tạp hóa, 4 trường hợp mua hàng gồm hai mẹ con ở Lê Trọng Tấn và 2 người ở Định Công (Hoàng Mai), ông Tuấn nêu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo: “Chùm ca nhiễm ở Lê Trọng Tấn là chùm có 2 cửa hàng. Từ chủ cửa hàng sau đó lây lan sang nhân viên, người mua hàng. Người mua sau đó lan sang người thân, tức vòng lây thứ 3. Tôi cho rằng, vẫn còn ca không liên quan về dịch tễ, không rõ nguồn lây, đó mới là khó. Có rất nhiều người không khai báo hoặc khai báo chậm gây khó trong điều tra truy vết. CDC Hà Nội mong những người có triệu chứng ho sốt, đau họng, mất vị giác… cần khai báo y tế lấy mẫu xét nghiệm ngay”.
Trong sáng 1/9, Hà Nội ghi nhận thêm 30 trường hợp mắc mới Covid-19, trong đó có 8 ca tại khu cách ly và 22 ca tại khu vực phong tỏa.
Tính từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (27/4), Hà Nội có 3.841 ca, trong đó số ca mắc từ thời điểm thực hiện chỉ thị 16 (24/7) là 2.633 ca.