Hà Nội: Hiệu trưởng được quyền quyết định việc chuyển trường của học sinh

Hiệu trưởng được phép quyết định việc chuyển trường đối với học sinh THPT, quyết định việc xin học lại tại trường khác đối với học sinh THPT.

Theo Vietnam+, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD&ĐT) vừa ban hành Quyết định số 1257/QĐ-SGDĐT về việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.Hà Nội.

Theo đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và trường trung học phổ thông (THPT) có nhiều cấp học (trong đó có cấp học cao nhất là THPT) về việc chuyển trường và việc xin học lại tại trường khác đối với học sinh THPT.

Sở GD&ĐT Hà Nội giao Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện các thủ tục đã phân cấp trên. Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính đã được phân cấp theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Trước đó, việc quyết định cho học sinh chuyển trường và xin học tại trường THPT khác thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội.

Thông tin thêm trên Sức khỏe & Đời sống, những năm trước đây, theo quy định của UBND Tp.Hà Nội, việc chuyển trường đối với học sinh THPT thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GD&ĐT Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 11/5/2022, UBND Tp.Hà Nội công bố danh mục thủ tục hành chính, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực giáo dục trung học thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở GD&ĐT Tp.Hà Nội. Trong đó, có thủ tục chuyển trường đối với học sinh THPT.

Không chỉ có Hà Nội, trước đó Sở GD&ĐT Tp.HCM cũng đã ký quyết định phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục chuyển trường cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12. Theo đó, hiệu trưởng các trường THPT và trường phổ thông nhiều cấp học (cao nhất là THPT) có trách nhiệm giải quyết việc chuyển trường và xin học lại đối với học sinh THPT theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Tp.HCM.

Sở GD&ĐT Tp.HCM yêu cầu, các trường thực hiện chuyển trường và tiếp nhận học sinh chuyển trường không lấy sách giáo khoa làm căn cứ, gây khó khăn cho học sinh khi chuyển trường. Học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sau khi học sinh hoàn thành chương trình và được lên lớp trên thì được chuyển trường. Việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh không phụ thuộc vào sách giáo khoa được lựa chọn khác nhau giữa trường nơi chuyển đi và trường nơi chuyển đến.

Theo VTC News, Bộ GD&ĐT quy định hồ sơ chuyển trường gồm: Đơn xin chuyển trường do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký; học bạ (bản chính); giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp đầu cấp THPT quy định cụ thể loại hình trường được tuyển (công lập hoặc tư thục); giấy giới thiệu chuyển trường do hiệu trưởng nhà trường nơi đi cấp; giấy giới thiệu chuyển trường do trưởng phòng GD&ĐT (đối với cấp trung học cơ sở), giám đốc sở GD&ĐT (đối với cấp THPT) nơi đi cấp (trường hợp xin chuyển đến từ tỉnh, thành phố khác).

Về thủ tục chuyển trường, quy định của Bộ GD&ĐT nêu rõ: Đối với học sinh trung học cơ sở, nếu chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố thì hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết theo quy định của giám đốc sở GD&ĐT.

Nếu chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác, phòng GD&ĐT nơi đến tiếp nhận và giới thiệu về trường theo nơi cư trú, kèm theo hồ sơ đã được kiểm tra.

Đối với học sinh THPT chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố sẽ do hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết theo quy định của giám đốc sở GD&ĐT.

Trường hợp chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác sẽ do sở GD&ĐT nơi đến tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường.

Việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ 1 của năm học hoặc trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới.

Trường hợp ngoại lệ về thời gian do trưởng phòng GD&ĐT (đối với cấp trung học cơ sở), giám đốc sở GD&ĐT (đối với cấp THPT) nơi đến xem xét, quyết định.

Trúc Chi (t/h)