Sáng nay (15/6), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của Tp.Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết năm 2023, toàn Tp.Hà Nội có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT là 881.831 thí sinh (trong đó có 3.361 thí sinh tự do); số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên là 13.264 thí sinh (trong đó có 293 thí sinh).
Dự kiến Hà Nội bố trí 4.263 phòng thi tại 189 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có 176 phòng thi ghép, số phòng chờ là 170 phòng, số phòng thi dự phòng là 378 phòng.
Cùng với đó, điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi; dự kiến điều động gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.
Sở GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn, tập huấn công tác coi thi, thanh tra thi; tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan và các quận, huyện thị xã hoàn thiện công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo tổ chức kỳ thi; chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi tình hình diễn biến của dịch bênh, mưa bão, cung cấp điện để triển khai tổ chức kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi.
“Tp.Hà Nội sẽ tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các thí sinh tham dự kỳ thi”, ông Trần Thế Cương khẳng định.
Bên cạnh đó, đề xuất Bộ GD&ĐT quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học, công bố từ đầu năm học để các địa phương được chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kỳ thi, tuyển sinh của địa phương.
Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể hơn về “các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân" cho phép thí sinh mang vào phòng thi; có hướng dẫn danh mục máy tính cầm tay được mang vào phòng thi.
Trả lời kiến nghị của Hà Nội, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng những đề xuất đó là cụ thể, chính đáng; Bộ GD&ĐT cũng rất đồng tình, đặc biệt sẽ cố gắng chủ động có quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay từ đầu năm học để hướng đến mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan, đúng quy chế.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý Ban chỉ đạo địa phương có sự ưu tiên cho chuẩn bị về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị. “Năm nào chúng ta cũng lưu ý thận trọng nhưng thực tế cho thấy, đôi khi chỉ trang thiết bị chưa tốt sẽ dẫn đến hệ quả. Chúng ta rút kinh nghiệm ngay kỳ thi lớp 10 vừa rồi của một địa phương chỉ mờ một chút thôi đã phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý.
Do đó, cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất. Nhưng cũng không phó thác hoàn toàn cho trang thiết bị, sự kiểm tra của con người, yếu tố con người thận trọng cũng là rất cần thiết. Ưu tiên thiết bị, con người quan tâm phối hợp - các điều đó mới đảm bảo được các khâu yên tâm, an toàn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các nội dung về tập huấn cho cán bộ coi thi, lực lượng phối hợp, hướng dẫn cho học sinh, đặc biệt là với cán bộ coi thi để các công việc được tinh thông, đầy đủ, thành thạo.