Vắc-xin là giải pháp quan trọng nhưng không là duy nhất
Những ngày qua, dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố bắt đầu diễn biến phức tạp với số lượng ca mắc mới tăng cao. Trong đó, các địa phương có số ca nhiễm tăng cao như: Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp... Tính từ 16h ngày 7/11 đến 16h ngày 8/11, trên hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 7.954 ca ghi nhận trong nước (tăng 323 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 2.237 ca trong cộng đồng).
Hiện tại, TP.Hà Nội cũng bắt đầu xuất hiện thêm những “ổ dịch” mới với các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của sở Y tế Hà Nội, ngày 8/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 106 ca mắc mới, trong đó có 56 ca tại cộng đồng, 50 ca tại khu cách ly, phong toả.
Trước diễn biến trên, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng - bộ Y tế) cho rằng: “Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm bảo đảm hiệu quả biện pháp phòng bệnh. Trong tình hình liên tiếp xuất hiện các “ổ dịch” mới, với nhiều ca cộng đồng, vấn đề “Zero F0” là điều không thể trong thời điểm hiện nay.
Chúng ta tiến hành nới lỏng nhiều hoạt động, dần chấp nhận có những ca dương tính và nằm trong dự báo từ trước. Tôi nghĩ rằng vẫn phải thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, để khống chế số mắc không được quá cao. Bởi nếu số ca mắc quá cao sẽ gây quá tải hệ thống y tế”.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng đề cập, một trong những điểm quan trọng là chúng ta không được phong tỏa quá rộng, cũng không được buông lỏng, mà cần đánh giá nguy cơ dịch đến đâu, phong tỏa đến đó, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
“Trong chống dịch, càng phát hiện ca bệnh sớm càng tốt, quây “ổ dịch” càng nhỏ càng tốt. Chúng ta vẫn phải thực hiện các công việc như truy vết, có “ổ dịch” nào vẫn phải phong tỏa, có các biện pháp dập dịch, phong tỏa diện hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ không để ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Không vì dịch mà cấm đi lại của người dân”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu lo ngại, hiện nay, nhiều người dân chủ quan có “thẻ xanh” vắc-xin Covid-19 mà không tuân thủ nghiêm 5K. Ông mong các cấp chính quyền, các tỉnh, thành cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ “tiêm vắc-xin vẫn có thể nhiễm virus Sars-CoV-2”. “Người đã tiêm vắc-xin khi nhiễm Sars-CoV-2, vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm vắc-xin chỉ giúp người bệnh không bị nặng”, ông cảnh báo.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Hải Dương) cũng chỉ ra: “Tiêm vắc-xin ở Việt Nam hiện nay chưa có độ bao phủ cần thiết. Còn rất nhiều người chưa được tiêm vắc-xin, đặc biệt đối với các em nhỏ và độ tuổi học sinh…
Chưa kể, ngay cả khi đã được tiêm 2 mũi vắc-xin thì chúng ta vẫn có thể trở thành nguồn lây trong cộng đồng. Chúng ta xác định, tiêm vắc-xin là biện pháp rất quan trọng, tuy nhiên, đó lại không phải biện pháp duy nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Cần phải kết hợp giữa rất nhiều giải pháp khác, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng”.
“Hiện tại, chúng ta kiểm soát dịch song song với phát triển kinh tế, tuy nhiên, nếu chúng ta không làm tốt, chỉ cần một chút chủ quan, lơ là, có thể dẫn đến bùng phát một đợt dịch mới, còn nguy hiểm hơn tất cả các đợt dịch trước đó. Nếu chủ quan, lơ là, sẽ bùng dịch trên cả nước.
Tôi phải nói như thế này, thực tế trong thời gian qua, vẫn còn những người ỷ y là mình đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin mà “lãng quên” đi những giải pháp an toàn khác. Có những người đã xuất hiện tâm lý chỉ quan như vậy, bởi cho rằng mình có “thẻ xanh” là không sợ Covid-19 nữa… Cho nên, số ca mắc trong cộng đồng những ngày gần đây có dấu hiệu tăng. Tôi cho rằng, đó không chỉ là tâm lý chủ quan, là còn là thái độ vô trách nhiệm với cộng đồng của một bộ phận nào đó. Không có loại vắc-xin nào có khả năng phòng tránh được hoàn toàn 100%. Chỉ cần một người trong cộng đồng chủ quan, chỉ cần một người trong cộng đồng nhiễm bệnh là sẽ phải trả giá không những bằng công sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thời gian qua đều “đổ sông đổ bể”, mà có khi là phải trả giá bằng tính mạng của một ai đó trong cộng đồng…
Vì vậy, mong rằng, chúng ta sẽ đẩy mạnh được tuyên truyền, không phải vì tiêm vắc-xin mà “buông xuôi”, vẫn luôn cần đề cao thực hiện tốt 5K, để không bị nhiễm. Đây là trách nhiệm rất lớn của cộng đồng”, vị ĐBQH bày tỏ.
Chủ động các kịch bản, tính phương án cách ly tại nhà
PGS.TS trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh một số biện pháp khác để TP.Hà Nội có thể kiểm soát dịch bệnh tốt hơn: “Một trong những lưu ý quan trọng là luôn luôn xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; đặc biệt, xét nghiệm hằng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.
Về vấn đề tiêm vắc-xin, Hà Nội phải bao phủ tiêm đủ 2 mũi cho người dân, đặc biệt người già, người bệnh nền. Đồng thời cũng quan tâm lưu ý đến các đối tượng người nhập cư, học sinh, sinh viên ở các tỉnh về Hà Nội học tập và làm việc… và cần có kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em.
Ngoài ra, làm tốt công tác truyền thông. Triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, vì đó là cách giải quyết được nhiều ách tắc, vướng mắc, tồn tại như trong thời gian qua”.
Theo vị nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng, trong thời điểm này, bên cạnh các quy định về cách ly tập trung, cũng nên khuyến khích cách ly tại nhà khi đủ điều kiện về phòng ốc và các điều kiện khác theo quy định của bộ Y tế, nhằm tạo điều kiện cho người dân về tinh thần và vật chất.
“Trong lúc dịch vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều F0 thì sẽ có nhiều F1, chúng ta cũng phải tính đến phương án cách ly tại nhà mới có thể thích ứng được với điều kiện hiện nay, đồng thời còn tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, vấn đề này cũng cần phải hài hòa, trong trường hợp phải đảm bảo được yêu cầu của điều kiện cách ly tại nhà theo quy định của bộ Y tế, mới xem xét đồng ý cho người dân lựa chọn việc cách ly. Nếu không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, thì vẫn cần cách ly tập trung.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cũng phân tích: “Về phương án cách ly tại nhà đối với F1 và kể cả điều trị tại nhà đối với F0 không triệu chứng, tôi cho rằng, chúng ta cần phải tính đến, trong thời điểm này cũng không phải là sớm nữa.
Bởi lẽ, chúng ta càng chủ động bao nhiêu trong phòng chống dịch thì càng tránh được sự lúng túng, bị động bấy nhiêu. Mà theo dự báo của các chuyên gia, dịch bệnh sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, vậy, chúng ta phải đặt ra tất cả các kịch bản. Đặc biệt, phải tính đến kịch bản khi dịch bùng phát dữ dội hơn, hay ở phạm vi rộng hơn ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam vừa qua.
Vì vậy, nếu tình huống xấu không xảy ra thì càng tốt, nhưng nếu xảy ra, chúng ta sẽ chủ động trong công tác kiểm soát dịch, các cấp chính quyền cũng như cả hệ thống đã được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng một cách kỹ lưỡng, và ngay cả người dân cũng sẽ không bị hoảng hốt, mang tâm lý hoang mang… Khi đó, chúng ta sẽ vận hành một cách trơn tru nhất”.
“Mặc dù vậy, các phương án này muốn phát huy được hiệu quả, cũng cần xuất phát từ ý thức của người dân, luôn tuân thủ các khuyến cáo của bộ Y tế. Bởi, dù có thực hiện cách ly mà vẫn mang tâm lý chủ quan, lơ là thì vẫn có nguy cơ làm lây nhiễm dịch bệnh”, vị ĐBQH nhấn mạnh.