Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua khoản cứu trợ 2.000 USD/người với tỷ lệ 275 phiếu thuận và 134 phiếu chống, trong đó có sự ủng hộ của 44 thành viên đảng Cộng hòa.
Mức cứu trợ tăng lên được Hạ viện thông qua sẽ được chuyển đến Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát để chờ phê duyệt. Thượng nghị sĩ Roy Blunt, một thành viên trong giới lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện tuần trước cho biết, ông không nghĩ rằng một dự luật nâng mức hỗ trợ lên tới 2.000 USD/người sẽ được thông qua tại Thượng viện.
Trước đó, Tổng thống Trump đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá 892 tỷ USD nhằm tạo động lực cho hàng triệu người dân Mỹ và các doanh nghiệp vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, đồng thời cung cấp tài chính cho các hoạt động của chính phủ liên bang cho đến tháng 9/2021.
Tổng thống Trump đã ký thành luật gói cứu trợ đại dịch COVID-19 trị giá hơn 892 tỷ USD, song song với một dự luật ngân sách thường niên ngay trước thời hạn chót vào đêm 27/12, qua đó tránh nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa.
Nhiều tuần qua, Tổng thống Trump đã công khai bày tỏ sự không hài lòng với các nội dung của gói cứu trợ. Dù ký ban hành, song Tổng thống Trump đã đề xuất nội dung nâng khoản hỗ trợ người dân ứng phó với đại dịch từ 600 USD lên 2.000 USD/người, động thái thúc đẩy Hạ viện tiến hành một cuộc bỏ phiếu ngày 28/12.
Ngày 21/12, với 92 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 892 tỷ USD nhằm tạo động lực cho hàng triệu người dân Mỹ và các doanh nghiệp vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, đồng thời cung cấp khoản ngân sách 1.400 tỷ USD cho hoạt động của chính phủ liên bang cho đến tháng 9/2021. Tổng giá trị của hai dự luật chi ngân sách này vào khoảng 2.300 tỷ USD
Trước đó cùng ngày, gói cứu trợ này đã được Hạ viện Mỹ thông qua với 359 phiếu thuận và 53 phiếu chống. Sự ủng hộ của quốc hội lưỡng viện đối với gói cứu trợ trên mở đường cho việc văn kiện này được trình lên Tổng thống Trump để ký ban hành thành luật. Như vậy, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã tạm khép lại mâu thuẫn liên quan đến gói cứu trợ mới COVID-19.
Gói kích thích nền kinh tế trên là một phần trong dự luật ngân sách bao trùm với tổng giá trị 2.300 tỷ USD nhằm tài trợ cho các cơ quan của chính phủ hoạt động cho hết năm tài chính 2021, cũng như hỗ trợ cho nền kinh tế đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Theo dự luật, mỗi người dân Mỹ với thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD/năm sẽ được hỗ trợ 600 USD/người (nay điều chỉnh nâng lên 2.000 USD). Những người có thu nhập từ 99.000 USD/năm trở lên sẽ không được nhận trợ cấp.
Dự luật cũng gia hạn bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp liên bang với mức trợ cấp 300 USD/người/ tuần; cấp hơn 284 tỷ USD tiền cho vay đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà và nhân công; chi 69 tỷ USD cho quỹ phân phối và xét nghiệm vaccine và chi 82 tỷ USD tài trợ cho các trường cao đẳng và trường học.
Hai dự luật này đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua sau khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận đáp ứng một số ưu tiên của các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng như các điều khoản mục tiêu mà các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện đưa ra. Đây là thỏa thuận với những dự luật chi tiêu lớn nhất sau Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD được phê chuẩn vào cuối tháng 3/2020.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden ngày 22/12 cho biết sẽ yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua một gói cứu trợ kinh tế nữa sau khi chính thức nhậm chức vào tháng 1/2021. Trong bài phát biểu trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, ông Biden nói Quốc hội đã làm phần việc của họ và ông sẽ thực hiện chức trách của mình bằng việc yêu cầu Quốc hội thông qua một gói cứu trợ nữa vào năm sau.