Sau bài viết phản ánh về tình trạng tàu giã cào đôi, tàu sử dụng kích điện hoành hành trên khu vực ngư trường ven bờ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được đăng tải trên Phụ nữ & Pháp luật, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả.
Đa số các phản hồi đều thể hiện, tình trạng tàu giã cào đôi, tàu sử dụng kích điện đã xuất hiện nhiều năm tại khu vực ven bờ biển Hải Hậu. Thậm chí, có những thời điểm cả ngày lẫn đêm xuất hiện cùng lúc cả trăm chiếc tàu hoạt động rầm rập.
“Tình trạng này diễn ra công khai đã vài năm nhưng ít thấy cơ quan chức năng xử lý. Việc này sẽ khó tránh khỏi hệ lụy về vấn đề bị môi trường bị ảnh hưởng, tài nguyên thủy hải sản bị tận diệt”, độc giả Đ. bày tỏ.
Còn độc giả V., cũng là một ngư dân bám biển ven bờ thì cho biết, qua qua sát thì nhiều người trên các tàu giã cào này nói giọng địa phương khác. “Không hiểu sao những tàu lạ từ nơi khác đến lại có những hành vi khai thác hải sản trái phép như vậy? Hơn nữa, việc các tàu đua nhau “vét” hải sản ngư trường ven bờ mà không thấy bất kỳ sự can thiệp nào từ chính quyền địa phương cũng là một câu hỏi lớn cần được giải đáp”.
Một làng chài cổ đánh bắt ven bờ tại huyện Hải Hậu, Nam Định
Liên quan vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Thái Phụng - Chủ tịch UBND Hải Chính (một trong 6 xã ven biển thuộc huyện Hải Hậu) cho biết đã nắm bắt được tình hình thực tế; đồng thời khẳng định “tinh thần chung như bài báo đã đăng” (?).
“Địa phương không thể xử lý thực trạng này, có chăng chỉ tổng hợp ý kiến của bà con ngư dân rồi gửi các cơ quan chức năng”, Chủ tịch UBND Hải Chính phân trần.
Còn Chủ tịch xã ven biển Hải Đông (huyện Hải Hậu) Nguyễn Minh Dưỡng thì cho rằng, ngay sau thông tin Phụ nữ & Pháp luật đăng tải, ông đã liên hệ với lực lượng biên phòng huyện để phối kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, động viên bà con đoàn kết, thành lập tổ hội trên biển, nâng cao tinh thần cảnh giác và phản ánh thực tế khi sự việc xảy ra.
“Năm 2016, chúng tôi đã xử lý một vụ, còn thời gian gần đây thì chưa. Ngoài khơi thuyền to máy lớn, phương tiện còn hạn chế, chúng tôi rất mong lực lượng biên phòng, kiểm ngư tỉnh Nam Định và các cơ quan chức năng kết hợp để xử lý, chấn chỉnh tình trạng này”, chủ tịch xã Hải Đông bày tỏ.
Tàu giã cào đôi ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày trong khu vực cách bờ chưa tới 1 hải lý.
Được biết, huyện Hải Hậu có 32km đường bờ biển gồm thị trấn Thịnh Long và các xã Hải Hòa, Hải Triều, Hải Chính, Hải Lý, Hải Đông. Lãnh đạo các xã ven biển đều chung ý kiến rằng, phạm vi quản lý của chính quyền xã chỉ là trên đất liền, cụ thể là đến hành lang ven biển. Còn khu vực ngoài biển lại do lực lượng biên phòng quản lý. Vì vậy, chính quyền không thể can thiệp.
Trong khi đó, trao đổi với PV qua điện thoại, một lãnh đạo biên phòng huyện Hải Hậu hồi đáp: những của tàu giã cào đôi trên biển “không phải là tận diệt”, mà thực tế, chỉ tàu sử dụng kích điện mới tận diệt hải sản!
Cũng theo thông tin từ vị lãnh đạo này, từ đầu năm 2020 đến nay, địa phương đã xử lý một tàu tàng trữ thiết bị kích điện 10 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, nhiều năm nay, tình trạng tàu giã cào đôi, tàu kích điện không chỉ là vấn đề “đau đầu” ở riêng huyện Hải Hậu, mà tại một số tỉnh miền Trung, sự lộng hành của các tàu này ở khu vực ven bờ cũng gây ra không ít bức xúc.
Phụ nữ & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!
Xem thêm: Tàu giã cào, kích điện: Nỗi khiếp đảm của ngư dân Hải Hậu, Nam Định