Hàng tấn vàng buôn lậu được “tuồn” về Việt Nam qua biên giới

Tối 28/12, Bộ Công an phát đi thông tin về những đường dây buôn lậu hàng nghìn tấn vàng trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ Campuchia và Trung Quốc về Việt Nam qua khu vực biên giới.

Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã triển khai công tác nghiệp vụ đấu tranh làm rõ các đường dây buôn lậu hàng tấn vàng, trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ Campuchia và Trung Quốc về Việt Nam qua khu vực biên giới các tỉnh Long An, An Giang và Lào Cai, đưa về tiêu thụ tại Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước.

Đến ngày 27/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đã khởi tố 02 vụ án, đồng thời khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 19 đối tượng về tội “Buôn lậu”, quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự, gồm:

Vụ án “Buôn lậu” xảy ra tại tỉnh Long An, An Giang và các đơn vị, địa phương liên quan; khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 13 đối tượng, gồm: Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Văn Sang, Cao Văn Chức, Nguyễn Hoàng Sa, Nguyễn Hữu Nghĩa, Huỳnh Ngọc Quang Trung, Ngô Việt Quốc Tuấn, Nguyễn Chí Khoa, Ôn Thế Hải, Lê Huy Phương, Huỳnh Cẩm Chương, Phạm Ngọc Thắng và Lê Thị Kim Xuyên.

1-1735406052.jpg
Các đối tượng trong vụ án "Buôn lậu" tại tỉnh An Giang, Long An. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

Vụ án “Buôn lậu", xảy ra tại tỉnh Lào Cai và các đơn vị, địa phương liên quan; khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 06 đối tượng, gồm: Trần Thị Hoàn, Vàng Thị Phượng, Trần Thành Hiếu, Lương Thị Bích Hà, Nông Thị Thùy Linh, Liềng Thị Thực. Trong đó, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lương Thị Bích Hà, Nông Thị Thùy Linh và Liềng Thị Thực.

2-1735406052.jpg
Các đối tượng trong vụ án "buôn lậu" xảy ra tại tỉnh Lào Cai và các đơn vị, địa phương liên quan. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật, thu giữ một số hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, đồng thời mở rộng điều tra làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng có liên quan và xác minh, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Hành vi buôn lậu vàng bị phạt như thế nào?

Tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

“Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại  phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”.

 

Trần Giang (t/h)