Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết

Thời điểm này, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị, cửa hàng đã dự trữ số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết. Đáng mừng là hàng Việt đang chiếm ưu thế trên kệ hàng Tết.

Hàng Việt chiếm ưu thế

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Thời điểm này, các siêu thị, trung tâm thương mại đã dự trữ sẵn hàng Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đáng mừng là hàng Việt chất lượng cao, giá rẻ đang chiếm ưu thế trên kệ hàng Tết.

Theo khảo sát của Đại Đoàn Kết, các loại bánh mứt kẹo, ô mai, trà, nước giải khát hàng Việt áp đảo trên thị trường. Tại chuỗi nhiều siêu thị, các loại bánh kẹo Việt như: Tràng An, Hải Hà, Richy, Kinh Đô, Hà Nội và các loại bánh mứt kẹo do trong nước sản xuất chiếm đa số.

Để phục vụ nhu cầu sắm Tết của người tiêu dùng, ngay từ cuối tháng 11 hệ thống siêu thị Go!Big C đã bắt đầu đưa lên kệ hàng gần 50 mẫu giỏ quà Tết từ cao cấp đến bình dân. Theo đó, các sản phẩm đặc sản vùng miền như trà xanh (Thái Nguyên), thịt trâu gác bếp (Sơn La), hạt điều rang củi Gia Lai, cà phê Buôn Ma Thuột, bánh kẹo do doanh nghiệp Việt sản xuất với giá thấp nhất chỉ 179.000 đồng/giỏ, loại cao cấp 3 triệu đồng/giỏ.

Tại hệ thống siêu thị WinMart, nhiều loại bánh, kẹo, mứt, bia, rượu, trà, cà phê… do Việt Nam sản xuất cũng được bày bán rất nhiều.

Kinh tế - Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết

Người tiêu dùng lựa chọn hàng Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam/Kinh tế & Đô thị.

Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, các giỏ quà tết Co.op Mart chủ yếu là hàng Việt Nam như cà phê, hạt điều, bánh, kẹo, mứt, rượu… “Giỏ quà Tết Đoàn Viên bao gồm các sản phẩm đậu phộng phô mai Tân Tân; cà phê Wake-up nâu đá; Kẹo Sugus; Trà vị chanh Nestea; Bánh Hữu Nghị, trái cây sấy Vinamit, rượu vang Đà Lạt…”, bà Dung nêu. Chưa kể các siêu thị cũng đưa ra giỏ quà là nông sản "made in Vietnam" như bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Canh, xoài Cát Chu, vú sữa Lò Rèn, nho Ninh Thuận...

Bà Dung cho biết, năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực để các DN giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Cầm trên tay hộp bánh “made in Vietnam”, chị Lê Hồng Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với Kinh tế & Đô thị: “Theo quan sát của tôi, thị trường bánh, mứt, kẹo tết năm nay có nhiều sản phẩm trong nước và nhập khẩu, tuy nhiên sản phẩm trong nước khá đa dạng với nhiều chủng loại mẫu mã khác nhau, hương vị đa dạng. Quan trọng hơn cả là giá bán rẻ hơn hàng ngoại nhập phù hợp với kinh tế người dân đang gặp khó khăn”.

Theo TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), DN trong nước đã nỗ lực rất lớn để đáp ứng thị hiếu của người dân, đến nay có thể khẳng định nhiều mặt hàng made in Việt Nam đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là thay đổi tâm lý “sính hàng ngoại nhập” của người tiêu dùng, hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua bởi sự thay đổi căn bản về mẫu mã và chất lượng, chưa kể giá cả cũng hợp lý trong bối cảnh thu nhập ngày càng khó.

Nguồn cung hàng Tết 2024 dồi dào

Theo Công an nhân dân, về công tác phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, đang tích cực làm việc với các địa phương về chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cuối năm và dịp tết 2024. Trên thực tế, nguồn hàng phục vụ dịp Tết rất dồi dào, không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.

Theo đó, ngành công thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền. Cụ thể, Tp.Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1.500 tấn bánh kẹo…

Tại Tp.HCM, các đơn vị chức năng đã chuẩn bị trên 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, trong đó trên 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay, có 45 DN tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán và là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối.

Phát huy tiềm lực của thị trường nội địa

Thống kê mới đây của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc nội địa ngày càng tăng cao. Có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt...

Kinh tế - Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết (Hình 2).

Sức mua của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc nội địa ngày càng tăng cao. Ảnh minh họa: Công an nhân dân.

Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ rõ sau đại dịch Covid-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, 82% người tiêu dùng trong nước cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững thị truờng nội địa, các DN Việt trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình kinh doanh để sản phẩm được tiếp cận nhiều nhất tới người tiêu dùng.

Ông Bùi Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kido - Tổng giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An chia sẻ, người tiêu dùng năm nay sẽ có xu hướng mua sắm thông minh, tập trung vào các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống. Tương tự, các DN tặng quà Tết cho nhân viên cũng tập trung chọn nhóm sản phẩm thiết yếu để nhân viên có thể sử dụng hàng ngày. Đối với các hộ gia đình cũng sẽ ưu tiên những sản phẩm uy tín, chất lượng để chăm chút cho mùa Tết cho cả gia đình. Vì vậy, những thương hiệu uy tín, lâu năm trên thị trường với mức giá ổn định, mang đến nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thị trường Tết năm nay…

Với quan điểm này, năm nay Công ty Kido không những tăng sản lượng mà còn tiến hành loạt cải tiến, nâng cao chất lượng, bao bì sản phẩm,… Chỉ riêng nhãn hàng dầu ăn Tường An đã tiến hành loạt đổi mới, cải tiến trong bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm như: Olita Plus, Vạn Thọ cao cấp, Dầu ăn Ngon Tường An phiên bản mới, đồng thời ra mắt sản phẩm Dầu thực vật tự nhiên Vạn Phúc… Đặc biệt, chăm chút những bộ hộp quà Tết bắt mắt.

Trao đổi thêm về việc phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, những năm gần đây, các DN sản xuất trong nước, đặc biệt là các DN của Tp.Hà Nội đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân thông qua Chương trình Bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" của Tp.Hà Nội. Do đó, các sản phẩm của DN đã tiếp cận trực tiếp và rất gần với người tiêu dùng Thủ đô. Bên cạnh đó, DN cũng chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng.

Đặc biệt, năm nay, tình hình nhập khẩu của thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nhập khẩu khác được các DN đưa về để phân phối nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhân dân nhưng chiếm tỉ trọng rất thấp trong tổng sản lượng hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết này. Do đó, có thể khẳng định hàng Việt có thể chiếm lĩnh thị trường trong dịp Tết này.

Minh Hoa (t/h)