Hạnh phúc của nữ tài xế lái những chuyến xe yêu thương

Vốn làm việc trong lĩnh vực du lịch, nên có thời gian rảnh trong lúc Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, một bà mẹ trẻ gia nhập vào đội ngũ tài xế của “Những chuyến xe yêu thương”, hỗ trợ đưa bệnh nhân về nhà với giá 0 đồng.

Muốn chung tay với cộng đồng, chia sẻ được đến đâu hay đến đó

Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn đột ngột giữa bối cảnh dịch bệnh, chị Nguyễn Diệu Linh (SN 1987, Hà Nội) đã chủ động tham gia nhóm “Những chuyến xe yêu thương”, nhận nhiệm vụ đưa bệnh nhân trở về nhà sau khi được xuất viện.

Nhắc đến cơ duyên tham gia vào hoạt động ý nghĩa này, chị Diệu Linh chia sẻ: “Tôi làm việc trong lĩnh vực du lịch nên thời gian này khá rảnh, lại thấy cả hệ thống đang “căng mình” chống dịch, nên muốn góp một chút sức lực, chung tay với cộng đồng. Tôi và các anh em trong nhóm “Những chuyến xe yêu thương” chủ yếu đón bệnh nhân từ viện Huyết học & Truyền máu Trung ương và bệnh viện Tim Hà Nội. Ngày nào cũng có bệnh nhân ra, vào viện, mà rất nhiều bệnh nhân gặp khó khăn, không chỉ về tài chính kinh tế, mà trong giai đoạn này, còn gặp khó khăn về phương tiện di chuyển. Chúng tôi liên hệ với phòng Công tác xã hội để lấy thông tin, Trưởng nhóm trao đổi và thành viên nào cảm thấy tuyến đường, thời gian và điều kiện phù hợp với khả năng của mình thì sẽ nhận chở bệnh nhân đó”.

225111437-6196487003702628-4050642507118461193-n-1629287715.jpg
Chị Nguyễn Diệu Linh chủ động tham gia lái xe đưa bệnh nhân về nhà miễn phí.

“Có bạn nữ mới chỉ hai mấy tuổi, từ Thanh Hóa ra điều trị ung thư, nhưng lại không biết làm thế nào vì xe khách không vào được Hà Nội. Tôi đọc được thông tin và tư vấn cho bạn ấy đến chốt Pháp Vân hoặc Cầu Giẽ, rồi tôi xin giấy đi đường, đón bạn ấy về bệnh viện đại học Y Hà Nội. Bạn ấy nói, nếu tôi không đón hoặc bạn ấy không đi nhờ được ai, thì sẽ đi bộ quãng đường gần 20km để nhập viện, vì đến lịch mà không điều trị kịp thời thì tế bào ung thư sẽ càng phát triển mạnh hơn. 

Nghe xong, tôi càng cảm nhận được những chuyến xe này cần với bệnh nhân như thế nào... Có nhiều hoàn cảnh thương đến thế, mình phải gặp trực tiếp mới thấy được. Có người thắc mắc, nhưng tôi thì cho rằng, vào lúc dịch bệnh như thế này, cả hệ thống đều đang rất bận rộn với “cuộc chiến” chung, nên mình có thể chia sẻ được đến đâu hay đến đó”, chị Linh cho rằng, đó là cái duyên để được giúp đỡ mọi người.

Đều đặn mỗi ngày, chị Diệu Linh đưa đón bệnh nhân từ 1 đến 4 chuyến, không ngại quản ngại đường xa. Những chuyến đi xa như về Sơn La, Yên Bái... trong giai đoạn này đối với chị giống như một trải nghiệm mới: “Trước đây, tôi cũng từng lái xe đi phượt cùng bạn bè, nhưng để có hành trình một mình thì đây giống như cơ hội để trải nghiệm với riêng bản thân. Đặc biệt, trong giai đoạn này, để đưa được mọi người về nhà, bản thân tài xế cũng phải test Covid-19 thường xuyên. Như tôi, cứ đều đặn hai ngày một lần lại được “chọc mũi”, cũng hơi đau, nhưng lại vui vì được góp sức mình.

Tuy nhiên, tôi cũng không gặp quá nhiều bỡ ngỡ, vì gặp đường xa hoặc địa hình lạ thì tôi sẽ lái xe cẩn thận hơn và cũng được các thành viên trong nhóm chia sẻ, hướng dẫn rất tỉ mỉ trước mỗi chuyến đi, và trên đường di chuyển cũng được lực lượng trực chốt hết sức tạo điều kiện, nên cảm thấy rất ấm áp”.

Mỗi ngày khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, người phụ nữ ấy lại càng thêm cảm phục đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch: “Nhóm chúng tôi chỉ khoác lên mình bộ đồ bảo hộ trong lúc đưa đón bệnh nhân, và vẫn được ngồi trong điều hòa trong vài tiếng lại có thể cởi ra, còn lực lượng nơi tuyến đầu đang vất vả gấp triệu triệu lần, mỗi ngày phải khoác đồ bảo hộ và làm việc trong tiết trời rất khắc nghiệt, chúng tôi càng cảm thấy nể phục và thấy họ đáng được vinh danh biết nhường nào!”.

“Ngày nào tôi cũng đưa đón bệnh nhân giữa các tỉnh, nhiều bữa không kịp về nhà ăn tối, nhưng may mắn vì hai con đều rất tự lập, nên mỗi ngày thiếu vắng bóng mẹ trong gia đình cũng không trở thành vấn đề quá lớn đối với cả ba bố con. Ngược lại, cả ba bố con lại trở thành động lực cho tôi làm những điều ý nghĩa hơn mỗi ngày”, bà mẹ hai con tự hào chia sẻ.

anh-1-1629287719.jpg
Gia đình là động lực cho những chuyến xe yêu thương của chị Diệu Linh mỗi ngày.

San sẻ với người khác cũng là cách viết tiếp điều vô tình bị bỏ lỡ

Sau gần một tháng tham gia vào “Những chuyến xe yêu thương”, chị Diệu Linh được lắng nghe rất nhiều câu chuyện với rất nhiều hoàn cảnh, mang tâm sự khác nhau, nhưng ai cũng khiến chị lắng nghe và đều khơi cho chị một niềm xúc động nào đó.

Nhắc đến hành trình gần nhất, chị Linh vẫn không nén nổi xúc động; “Ngày 17/8, tôi có đón một cụ ông 80 tuổi về nhà tại Hưng Yên. Ông đã điều trị tại Viện 15 năm, người nhà không ai đưa đi được. Ông nói chuyện rất dịu dàng, và lại mặc một chiếc áo rất giống ông nội của mình. Mặc dù khi đó, tôi không biểu lộ cảm xúc, muốn tập trung lái xe để đưa ông về nhà thật nhanh, vì tâm lý bệnh nhân vừa điều trị xong đã rất mệt mỏi, lại phải ngồi xe lâu thì rất khổ. 

anh-2-1629287718.jpg
Với chị Linh, một chuyến đi lại mang những kỷ niệm đáng nhớ khác nhau. Chiếc áo của một cụ ông ở Hưng Yên mặc giống với chiếc áo ông nội mặc năm xưa.

Tuy nhiên, lúc về đến nhà ông, tôi lái xe đi qua những ngôi nhà cao tầng, duy chỉ có nhà ông là nhà cấp bốn và giống bóng dáng nhà của ông nội tôi năm xưa. Rồi ông xuống xe, nhìn dáng đi của ông, tôi lại càng thấy nhớ ông nội. Ông muốn mời tôi vào nhà nghỉ ngơi, uống chén nước, nhưng tôi phải chào tạm biệt ông vì đang trong thời điểm nhạy cảm, tôi lại đang mặc bộ đồ bảo hộ và đi xe từ Hà Nội về, cũng muốn giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn cho mọi người. Ông cứ đứng lặng nhìn theo xe, chờ đi khuất, ông mới vào nhà.

Về đến nhà, tôi cảm thấy nhớ ông nội đến bật khóc. Đến bây giờ, tôi vẫn còn bồi hồi. Bởi vì ông nội mất khi tôi còn rất trẻ, tôi cũng chưa từng một lần chở ông đi bằng ô tô, vì lúc đó còn chưa có điều kiện. Vậy nên, tôi nghĩ rằng, nếu để nói về những điều tiếc nuối thì có rất nhiều chuyện, nhưng cần sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn, lan tỏa sự ấm áp, đó cũng coi như mình đang làm một điều gì đó cho những người thân yêu của mình, mà có thể trước đây mình chưa có cơ hội”.

231242563-6260227693995225-2172866475318282989-n-1629287716.jpg
Ngôi nhà giống với khung cảnh quen thuộc trong ký ức của chị Linh.

Không chỉ xúc động với câu chuyện của mỗi bệnh nhân, chị Diệu Linh còn chia sẻ: “Điều khiến tôi không kiềm được cảm xúc chính là sự tận tâm của các y bác sĩ ở viện Huyết học & Truyền máu Trung ương. Với những bệnh nhân đã phải điều trị ròng rã đến hơn chục năm, thì đều coi bệnh viện là nhà, các y bác sĩ như người thân của mình. Trong mỗi chuyến xe đi, bệnh nhân kể về nơi này giống như gia đình thứ hai. Lúc tôi đến đón, một cô ở phòng Công tác xã hội dìu ông xuống tận nơi, dặn dò tôi đưa ông về cẩn thận. Sự tận tình của cán bộ y tế càng khiến tôi cảm nhận rõ rệt, vì sao bệnh nhân lại coi đây là gia đình thứ hai. Có người còn mong thà ở viện còn hơn về nhà...”.

“Có lần, tôi chở một bệnh nhân người Mường tên Dơ (SN 1994), từ Sơn La xuống viện, nghe bạn ấy kể chuyện cũng rất xúc động. Đó là lần truyền hóa chất thứ hai của phác đồ điều trị thứ ba, tóc Dơ đã rụng hết. Trên đường, Dơ kể về những lần xuống viện điều trị, dù rất đau nhưng vẫn thích hơn vì có những người đồng cảm và chia sẻ với mình, còn ở địa phương, mỗi người có cách ứng xử, văn hóa và hiểu biết khác nhau nên có người không hiểu cho, thậm chí, nghĩ bệnh này có thể lây nên rất kỳ thị và xa lánh. Những ngày đầu rụng tóc, con cũng sợ hãi và không dám gần mẹ.

received-551775422533277-1629331855.jpeg
Kỷ niệm trong một lần đi Yên Bái, bị thủng lốp xe, được các chiến sĩ CSGT nhiệt tình giúp đỡ. 

“Có người khi nhìn thấy em, không hỏi về bệnh tình có đỡ không, chỉ hỏi mỗi là: Tóc rụng có mọc lại được không?”, Dơ kể. Những lời ấy khiến Dơ rất buồn.

Dơ bảo, xuống Hà Nội điều trị bao lâu nhưng chưa được đi đâu chơi. Tôi bảo, sau này, xuống Hà Nội là em có chị là người quen rồi, nếu cuối tuần được nghỉ, em thích đi đâu, chị đưa đi, thì Dơ bảo chẳng biết nơi nào vì chỉ quanh quẩn ở viện.

231067866-6256437521040909-1431019298288903258-n-1629287764.jpg
Mỗi chuyến đi lại mang những kỷ niệm và niềm xúc động khác nhau.

Lúc xuống xe, Dơ lấy trong túi ra tặng tôi một quả dưa nhìn lạ nhưng rất thơm, bạn ấy bảo đó là dưa của người Mông. Khoảnh khắc ấy, tôi chợt thấy, đâu đó, trong cuộc sống này, dù có khó khăn đến đâu, vẫn có những sự yêu thương được bày tỏ rất nhẹ nhàng...

Tôi chờ Dơ được nhập viện xong mới rời đi, vì Dơ kể, có lần, vì xuống đến viện là 2h sáng nên phải nằm trên ghế ngoài sảnh chờ đến 6h mới được vào. Nếu hôm đó, Dơ không kịp làm thủ tục thì tôi sẽ đưa bạn ấy về nhà tôi nghỉ tạm một đêm”, chị Diệu Linh nhớ lại. 

Luôn được sống trong một năng lượng biết ơn

Bà mẹ trẻ tâm sự, trong mỗi chuyến đi, chị thường dành thời gian lắng nghe nhiều hơn là chia sẻ, vì chị biết rằng, bản thân người bệnh cũng đã quá nhiều mệt mỏi, không cần phải nghe mình giãi bày nữa.

“Tôi cũng không nhớ được mình đã đi bao nhiêu chuyến xe, chỉ biết rằng, hôm nào trở về nhà, nếu có thời gian tôi sẽ ghi chép lại những câu chuyện. Một bức ảnh khi mọi người xem thì có thể chỉ là một bức ảnh, nhưng với tôi, đó là cả một câu chuyện rất xúc động. Cũng có rất nhiều người gọi điện, nhắn tin chia sẻ, có người muốn gửi một chút gì đó đến bệnh nhân. Mặc dù những chia sẻ đó có thể sẽ chẳng thấm vào đâu so với những gì mà họ phải chi trả mỗi ngày, mỗi tháng, nhưng cũng là một nguồn động viên ấm áp”, ánh mắt chị chợt tràn đầy năng lượng.

229571635-6256446811039980-5410527047299527671-n-1629287715.jpg
Chị Diệu Linh chia sẻ: “Tôi luôn luôn được sống trong một năng lượng biết ơn...”.

Khép lại mỗi chuyến đi, chị Linh lại có thêm những trải nghiệm mới: “Tôi rất biết ơn! Nhiều người cứ hỏi về việc tôi đi làm thiện nguyện, nhưng thực ra thì thiện nguyện chỉ là một định  nghĩa, còn tôi thì chỉ đơn giản đang làm một việc giống như có duyên với họ, cả hai chia sẻ với nhau. Tôi có thời gian, có phương tiện và có điều kiện hơn thì chia sẻ với họ những thứ đó; còn họ cũng cho tôi lại gấp nhiều lần như thế. 

Tôi luôn luôn được sống trong một năng lượng biết ơn. Họ biết ơn mình, mình biết ơn cuộc sống vì mình đã may mắn hơn rất nhiều người, và những câu chuyện về các y bác sĩ với bệnh nhân, mọi người trao đi và nhận lại yêu thương.

229836793-6223556230995705-8867051211845308320-n-1629287715.jpg
Người phụ nữ cho biết, sau này, khi nhịp sống trở lại bình thường, chị vẫn tiếp tục hành trình thiện nguyện để chia sẻ và lan tỏa đến mọi người.

Đó là năng lượng mà tôi cho rằng, không phải môi trường nào cũng có được. Không phải dùng tiền hay gì mà có thể trao đổi được. Tôi tự nhủ, điều mình nhận được là vô hình nhưng cực kỳ có giá trị!”.

Chia sẻ về những dự định trong khoảng thời gian tới, chị cho bật mí: “Tôi đã luôn luôn tìm kiếm những điều ý nghĩa tương tự. Sau này, kể cả khi nhịp sống trở lại bình thường, việc đi lại không còn khó khăn, tôi vẫn muốn tiếp tục gắn bó với công việc này, để san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn”.