"Thẻ xanh" vaccine, cơ hội phục hồi du lịch?
Báo VOV đưa tin, sau phiên họp về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 11/6, bộ Chính trị đã kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc "Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang".
Văn phòng Chính phủ ngày 22/6 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc; báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.
Đến chiều 24/6, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đang gấp rút xây dựng phương án thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine đến Phú Quốc (Kiên Giang).
Hộ chiếu vaccine là chứng nhận công dân đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, được coi như 1 tấm lá chắn virus, di chuyển giữa các quốc gia (nếu được công nhận). Đây là 1 giải pháp sống chung với đại dịch, cơ hội để khôi phục lại nền kinh tế du lịch trên thế giới.
Hiện đã có nhiều nước công nhận chiếc hộ chiếu đặc biệt này, có thể kể đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel, Thái Lan, Nhật Bản, Iceland.
Từ đầu tháng 6/2021, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Czech, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch chung của Liên minh châu Âu (EU).
Đối với Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc áp dụng hộ chiếu vaccine đồng thời tiến hành nghiên cứu hình thức áp dụng, xây dựng phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng bằng mã QR, nhằm bảo đảm tính xác thực của thông tin chủng ngừa.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Gia cho biết, việc tiêm vaccine phòng Covid-19, áp dụng hộ chiếu vaccine đã góp phần xóa bỏ rào cản đi lại, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Lộ trình...
Trong trường hợp Chính phủ cho phép hộ chiếu vaccine được sử dụng sớm và có giá trị lan tỏa chắc chắn sẽ hứa hẹn vực lại nền du lịch đang bị đóng băng.
Đồng quan điểm với vấn đề này, Chủ tịch Focus Travel Đặng Bảo Hiếu nói với tạp chí Nhà đầu tư: "Hộ chiếu vaccine nếu có thể nên được triển khai ngay và luôn, song song với việc tiêm vaccine trong nội địa, trong đó ưu tiên tiêm vaccine cho nhân lực ngành du lịch Phú Quốc trên cơ sở xã hội hoá".
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc công ty du lịch AZA Travel cho rằng hình thức tour thử nghiệm đón khách quốc tế mang hộ chiếu vaccine có thể là tour golf, tour nghỉ dưỡng (với tính chất thoáng, ít tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ lẫn nhiễm ít hơn).
Từ đó Việt Nam sẽ có cơ hội đón khách quốc tế, phục hồi du lịch nhanh hơn hoặc ít nhất là không bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản,…
Tuy nhiên, bài toán thí điểm hộ chiếu vaccine đón du khách quốc tế tại Việt Nam có lẽ cần thêm thời gian để nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp.
Dù nhiều nước trên thế giới đã triển khai hộ chiếu vaccine nhưng WHO vẫn chưa ủng hộ ý tưởng cấp hộ chiếu vaccine để thúc đẩy hoạt động đi lại.
Bởi hiện tại, hiệu quả tiêm chủng vaccine vẫn còn đang được theo dõi, nguồn cung vaccine hạn chế nên thời điểm này khó có thể sử dụng "thẻ xanh" tiêm chủng để làm thước đo di chuyển tự do.
Thứ trưởng bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số trở lên được tiêm chủng.
Trước đây, 1 vaccine phòng bệnh đưa ra sử dụng cần 4-6 năm nghiên cứu, thậm chí 10 năm. Với vaccine Covid-19, bởi cấp phép đưa vào sử dụng trong hoàn cảnh khẩn cấp nên không thể khẳng định 100% về công dụng của nó, nhất thiết phải so sánh giữa lợi ích và rủi ro.
Hiện tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng nên sẽ là bài toán khó nhằn nếu triển khai ồ ạt hộ chiếu vaccine với người từ nước ngoài nhập cảnh.
Đặc biệt, hộ chiếu vaccine chỉ có thể phát huy tối đa công dụng khi nó được cấp phát trong quá trình hợp tác giữa các quốc gia, cùng chia sẻ bình đẳng nguồn vaccine cũng như thống nhất về các tiêu chí áp dụng. Trong bối cảnh khi việc thực hiện tiêm phòng vaccine COVID-19 vẫn không đồng đều trên thế giới, các quốc gia cần khẩn trương hợp tác để xây dựng một quy trình vaccine chung cho việc đi lại xuyên biên giới.
Thêm vào đó, các quy trình kiểm dịch cần được tiến hành hài hòa giữa các quốc gia. Và điều quan trọng nữa là các quốc gia cần áp dụng các giải pháp về công nghệ để theo dõi chính xác sự di chuyển của người dân, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, đồng thời cho phép trao đổi thông tin giữa các quốc gia./.
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng liên quan để nghiên cứu, đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất nhập cảnh theo hướng: Thúc đẩy công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng - hộ chiếu vắc xin; xem xét giảm thời gian cách ly và số lần xét nghiệm đối với những người đã được tiêm vắc xin và đáp ứng kết quả xét nghiệm y tế; đề xuất lộ trình mở rộng các đối tượng được xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh....
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật